Ký gửi, ký chờ nhà đất tại phòng công chứng làm méo mó thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nêu thực tế "ký gửi, ký chờ" nhà đất tại phòng công chứng phức tạp, trốn thuế, gây méo mó thị trường bất động sản và kiến nghị Sở Tư pháp xử lý.
Tình trạng ký gửi, ký chờ nhà đất tại phòng công chứng làm méo mó thị trường bất động sản.
Tình trạng ký gửi, ký chờ nhà đất tại phòng công chứng làm méo mó thị trường bất động sản.

Ngày 14/12, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đà Nẵng cho biết, hiện nay tình trạng ký gửi, ký chờ tại các văn phòng công chứng đang diễn ra rất phức tạp, gây thất thu thuế lớn, dẫn đến lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề, méo mó thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.

Theo đại biểu Trần Tuấn Lợi, điều này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, gây thất thu thuế cho ngân sách thành phố và các loại tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Trước thực trạng trên, Sở Tư pháp sẽ làm gì để chấn chỉnh, chấm dứt việc này?”, ông Lợi chất vấn Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng.

Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng quan quan điểm, đại biểu Lương Công Tuấn - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, thực trạng trên dễ dẫn đến thị trường bất động sản méo mó, thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề.

Do đó, ông Tuấn đề nghị Sở Tư pháp phải phối hợp với cơ quan công an để có biện pháp nghiệp vụ kiểm tra những hồ sơ ký gửi, ký chờ, nắm rõ hoạt động này, từ đó có giải pháp mạnh nhằm hạn chế, để thị trường bất động sản của thành phố hoạt động lành mạnh.

Trả lời chất vấn, bà Trần Thị Kim Oanh - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, hiện tại thành phố đang có 34 tổ chức hành nghề công chứng hoạt động, trong đó có 3 phòng công chứng và 31 văn phòng công chứng.

Thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện nhiều nội dung, biện pháp nhằm chống thất thu thuế. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình UBND TP ban hành quyết định về quy chế phối hợp và chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn.

Theo bà Oanh, trong năm 2023, đơn vị đã kiểm tra 5 tổ chức hành nghề công chứng. Qua kiểm tra, Sở nhắc nhở, chấn chỉnh một số hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng và ban hành 3 quyết định xử phạt hành chính. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công chứng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Liên quan đến sự việc này, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã nhận rất nhiều đơn, thư liên quan đến việc ký gửi, ký chờ tại các văn phòng công chứng. Việc này gây thất thiệt rất lớn cho Nhà nước, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra kiểm tra.

Bà Trần Thị Kim Oanh - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Bà Trần Thị Kim Oanh - Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời đại biểu Huỳnh Bá Cử về thời gian hoàn thành cơ sở dữ liệu hộ tịch, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, để thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn TP vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Sở đã số hóa toàn bộ hồ sơ được đăng ký tại Sở Tư pháp từ năm 1988 đến 2016, đồng thời đã tích hợp dữ liệu số hóa lên hệ thống thông tin đăng ký quản lý hộ tịch.

Tuy nhiên, việc số hóa dữ liệu hộ tịch còn nhiều sai sót, thiếu đồng bộ, thông tin; công chức tư pháp hộ tịch tại các địa phương phụ trách nhiều công việc, chuyên môn; hệ thống 158 của Bộ Tư pháp hoạt động chưa ổn định, tốc độ xử lý chậm... dẫn đến việc phối hợp kiểm tra rà soát việc kiểm tra rà soát dữ liệu hộ tịch giữa đơn vị nhà thầu và các địa phương phải kéo dài, chưa đảm bảo theo tiến độ.

Theo bà Oanh, hiện đơn vị nhà thầu đã tổng hợp danh sách gồm 9561 trường hợp hộ tịch đã được đăng ký trong sổ hộ tịch nhưng không đáp ứng được điều kiện để tải lên hệ thống do thiếu các trường thông tin bắt buộc. Việc này cần có thời gian rà soát, đối chiếu thông tin hồ sơ hộ tịch đang được lưu trữ tại UBND các quận huyện, phường xã để bổ sung dữ liệu hộ tịch đã được số hoá.

"Hiện đã hoàn thành 90% các hạng mục theo hợp đồng số hóa hộ tịch và các thủ tục số hóa liên quan. Dự kiến đến hết tháng 12/2023, sẽ rà soát hết dữ liệu hộ tịch được số hóa và đến 20/6/2024 sẽ hoàn thành hợp đồng số hóa hộ tịch và các thủ tục số hóa liên quan", Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định.

Đọc thêm