Bà Kế là một người tận tâm với nghề, bởi bà từng là một y tá khi tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Dưới cái nắng của những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà bà Đàm Thị Kế, một vị lang y già nức tiếng với các bài thuốc về bong gân, trật khớp, thoát vị đĩa đệm…
Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Kế kể: “Ngày xưa nhà tôi đông anh em lắm, nên cũng chẳng có ai được học hành đến nơi đến chốn. Năm 18 tuổi tôi tham gia vào đội thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến ác liệt của chiến tranh chống Mỹ.
Hoạt động được một thời gian dài, tôi cùng 3 đồng chí nữa được cử đi học một lớp đào tạo y tá để cứu thương cho các chiến sỹ bị thương trong chiến trận. Khi xuất ngũ về quê, tôi được bà con dân làng tin tưởng nên ai cũng tìm đến chữa bệnh. Cũng từ đó mà cái duyên chữa bệnh xương khớp mới theo tôi đến già”.
Theo lời bà Kế kể, lúc đó bà được theo học 2 khóa y dược cấp tốc ở huyện Thanh Chương và thành phố Vinh (Nghệ An). Thời gia đào tạo về y dược chẳng được là bao, tuy nhiên bà Kế lại học được cách chữa bệnh xương khớp, bấm huyệt từ thầy giáo Bình. Thời gian đó, bà được thầy giáo Bình chỉ cho các bài cơ bản từ cấp độ dễ đến cấp độ khó về nắn xương khớp, ấy vậy nên bà Kế mới nức tiếng ở trong vùng.
Dù đã qua cái ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng các động tác về nắn xương khớp bà Kế vẫn làm chính xác đến từng chi tiết. Hàng ngày, bà Kế dậy từ từ sáng sớm để đón tiếp người bệnh. Bà Kế cười rồi bảo: “Ai rồi cũng đến lúc già yếu, cần phải nghỉ ngơi nhưng riêng tôi thì vẫn phải tận tâm cứu chữa bệnh cho người dân. Việc cứu chữa người bệnh tôi không lấy tiền, đây cũng không phải vì lợi danh gì. Với tôi việc chữa bệnh chính là niềm vui, mình thấy người dân khỏi là mình vui rồi”.
Nguyên tắc chữa bệnh của bà Kế là phải lần lượt từng người, ai đến trước thì sẽ được khám chữa bệnh trước, nếu không thì vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Riêng những trường hợp ngoại lệ như những ca trật khớp nặng, cần sơ cứu gấp thì sẽ được ưu tiên để khám trước. Trong số những bệnh nhân đến khám, không ít các trường hợp bị bệnh trẹo chân, trẹo tay, hoặc chữa bệnh lâu ngày ở viện không khỏi…
Anh Tài, một bệnh nhân tâm sự với chúng tôi: “Mấy tháng trước, tôi thấy đau trong đoạn cuối xương sống, đi khám ở bệnh viện thì các bác sỹ kết luận là thoát vị đĩa đệm. Nghe người ta mách cụ Kế đây giỏi về bệnh xương khớp nên tôi mới tìm đến. Tôi đến đây chữa được vài hôm rồi, sau vài lần cụ nắn bóp tôi đã thấy đỡ hẳn”.
Chị Hảo, một người dân cùng xã góp chuyện: “Với cụ Kế, khi đến chữa bệnh cụ không lấy tiền. Cụ cứu người và giúp bệnh nhân là trên hết. Mọi người đến không phân biệt giàu hay nghèo, ai cũng được cụ chữa bệnh tận tình. Cụ năm nay đã qua tuổi tám mươi rồi mà vẫn còn khỏe, làm việc liên tục từ sớm đến chiều tối mới nghỉ”.
Với khả năng chữa bệnh, bà Kế được các bệnh nhân ở đây nể phục,ví như có một đôi “bàn tay vàng”. Ngoài chữa bệnh xương khớp và bong gân, bà còn chữa cho cả người bị teo cơ chân, tay và cũng đã có không ít trường hợp khỏi, đi lại bình thường.
Bà Kế nói: “Tôi làm nghề này cũng đã lâu năm rồi, người này đến chữa xong rồi đi, người khác lại đến. Vào cuối năm ngoái, có một cậu thanh niên người ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị ngã. Lúc ấy trời rét lắm, khi đưa cậu thanh niên này đến đây thì đã bị liệt 2/3 người. Vận dụng những phương pháp xoa bóp bấm huyệt mà tôi đã được học, chỉ sau một thời gian ngắn cậu này đã bình phục trở lại. Sau khi bình phục, cậu này còn mang tiền đến để cám ơn nhưng tôi không nhận”.
Nói xong, cụ chỉ tay vào cuốn sổ ghi đầy đủ thứ tự người đến thăm bệnh và khám chữa rồi bảo: “Cháu thấy đó! Ngày mô cũng cả trăm người đến khám như ri thì cụ nhớ răng hết được…”. Không chỉ là một lang y có tâm, có tài mà bà Kế còn là một người luôn sống có trách nhiệm với cộng đồng. Bà luôn tâm niệm: “Làm nghề gì cũng phải có cái tâm, đặc biệt là nghề thuốc vì mình không vụ lợi, phải hết lòng cứu chữa người bệnh”. Với bà, việc chăm sóc, cứu chữa người bệnh mới là điều quan trọng, đó chính là niềm mong mỏi khiến bà Kế sống khỏe, có ích với cộng đồng.
Chia tay bà khi mặt trời đã điểm chính ngọ, nhưng trong sâu thẳm con người bà Kế vẫn toát lên niềm khao khát được cứu chữa cho người bệnh khi về già. Có lẽ với bà Kế, niềm đam mê chữa bệnh cứu người chính là động lực để mình sống có trách nhiệm hơn.
Anh Nguyễn Văn Trung – Công an xã Diễn Nguyên cho biết: “Hiện giờ cụ đã hơn 80 tuổi nhưng bệnh nhân tìm đến rất đông. Trước đây, cụ chẳng lấy một đồng tiền chữa bệnh nào nhưng mấy năm gần đây, do số lượng bệnh nhân đến khám quá đông nên cụ chỉ lấy mỗi người 30 nghìn tiền thuốc. Nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến thăm khám, cụ còn điều trị miễn phí. Ai ở xa đến, cụ lo nơi ăn chốn ngủ chu đáo. Việc chữa bệnh này, chúng tôi không chỉ tạo điều kiện cho cụ hành nghề mà còn luôn mong cụ khoẻ mạnh để giúp đỡ nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn”.