Theo các tài liệu lịch sử xưa nay, anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh vào ngày 27/10/1868 nhằm ngày 12/09 năm Mậu Thìn. Theo phong tục tập quán lễ giỗ, nếu tiến hành long trọng hai ngày thì bắt đầu từ một ngày trước ngày mất gọi là tiên thường, ngày giỗ chính (chính giỗ) thực hiện đúng vào ngày mất.
Ngày 28/08 âm lịch là giỗ của ai?
|
Lễ rước sắc thần. |
Các chi tộc con cháu cụ Nguyễn ở Long An, Cái Bè đều giỗ vào ngày 12/09 âm lịch. Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, thuộc xã An Nhựt Tân (Tân Trụ-Long An), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Tân Trụ tổ chức kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vào ngày 12/9 âm lịch. Hầu hết các đình, đền thờ cụ Nguyễn cũng đều làm lễ giỗ, kỷ niệm theo ngày này.
Được biết, sau giải phóng tỉnh Kiên Giang cũng đã có lần tổ chức kỷ niệm ngày mất của cụ Nguyễn là 27/10 dương lịch. Tuy có khác nhau về sử dụng dương lịch hay âm lịch nhưng vẫn theo mẫu số chung là căn cứ vào ngày hy sinh nên vẫn xem là phù hợp. Thế nhưng từ năm 1987 đến nay, sau khi đình Nguyễn Trung Trực được phong di tích quốc gia tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực vào ngày 28/08 âm lịch (trước ngày mất gần nửa tháng) không biết dựa vào căn cứ nào. Việc làm này đã nhiều lần được ông Nguyễn Khương Ninh và các nhân sĩ địa phương góp ý nhưng Ban Quản lý di tích và chính quyền vẫn không thay đổi.
Nguyễn Trung Trực được phong thần năm 14 tuổi?
Trong lễ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trung Trực, có một nghi thức long trọng thu hút hàng vạn người tham dự, trong đó có cả các quan chức. Lễ rước kéo dài hàng cây số và kết thúc tại đền Nguyễn Trung Trực. Vấn đề là sắc thần này phong cho ai? Có liên quan gì đến anh hùng Nguyễn Trung Trực không?
Ông Nguyễn Khương Ninh được ông Trần Út - Phó trưởng ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực (tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cho biết, hiện nay tại đình Nguyễn Trung Trực có tới 2 sắc thần như sau:
1/ Sắc thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đại tướng quân do Vua Tự Đức ấn phong vào năm 1852.
2/ Sắc phong Thần Hoàng Bổn Cảnh (được cho rằng phong cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực) cũng được Vua Tự Đức ấn phong cùng thời gian với Sắc thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đại tướng quân vào năm 1852.
Việc cho rằng sắc thần phong cho Nguyễn Trung Trực là hoàn toàn không hợp lý vì năm 1852 cụ Nguyễn Trung Trực mới 14 tuổi chưa tham gia chống Pháp, chưa hy sinh vì sao lại được phong thần?
|
Sắc thần. |
Không chỉ bằng lô gich mà có cả văn bản của chính triều đình Huế là Vua Tự Đức không biết gì về Nguyễn Trung Trực sau khi ông mất. Tác giả Nguyễn Nghị căn cứ ''Cơ mật viện trích tư sự,'' đề ngày 6 tháng 2 năm Tự Đức 24, tức 1872 cho biết: "Mãi bốn năm sau khi Nguyễn Trung Trực mất, triều đình Huế mới có văn thư yêu cầu cứu xét rõ nguyên ủy, sự trạng của hai tên này (Nguyễn Trung Trực và Hồ Huân Nghiệp) xuất thân như thế nào, đã từng làm quan hay chưa, theo ai làm việc gì, chết ngày nào để xem có nên hay không nên tặng thưởng..”. Như vậy, rõ ràng cả hai sắc thần này đều không liên quan đến Nguyễn Trung Trực.
Vì sao sắc phong thần cho cá ông nằm trong đình Nguyễn Trung Trực?
Đây là một câu chuyện đẹp về lịch sử và truyền thống văn hóa của Nam bộ cần được minh định, vinh danh một cách khoa học chứ không nên và không được phép làm nhập nhằng. Muốn hiểu vì sao sắc thần phong cho cá ông nằm trong đình thần Nguyễn Trung Trực phải đi ngược dòng lịch sử ngôi đình.
Ngôi đình này nguyên là ngôi miếu thờ cá ông. Theo truyền thống dân gian, nơi nào cá ông lụy (chết dạt vào bờ) người dân đều lập miếu thờ. Ngôi miếu này đã xây vào năm nào không ai nhớ rõ, lúc đầu nơi đây chỉ là một cái đền nhỏ, nóc lợp bằng lá, cột cây, do một nhóm dân ngư phủ xây dựng. Năm 1852 Vua Tự Đức phong thần cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đại tướng quân chính là cho ngôi đình này.
Đến năm 1869 Nguyễn Trung Trực bị thọ án tử hình, nhân dân tôn kính nhớ ơn nên sửa lại ngôi miếu và kín đáo làm một “bài vị” khắc tên cụ Nguyễn bằng chữ nho, an vị bên trong ngôi đền thờ thần Nam Hải. Để che mắt địch, ngày cúng kỵ cơm cụ Nguyễn nhân dân Kiên Giang lấy hình thức bên ngoài là cúng thần Nam Hải. Có lẽ để phòng ngừa sự quy chụp chính trị của chính quyền thực dân nên người dân đã thờ cả bài vị của Phó Quản Cơ Nguyễn Hiền Điều, một vị tướng triều đình hy sinh khi dẹp thổ phỉ hàng chục năm trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ.
Đến năm 1908, trong lễ cúng kỳ yên tại đình, Chủ tỉnh Rạch Giá người Pháp tới dự (theo nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng chủ tỉnh Rạch Giá người Pháp là Renaul (có người viết là Arnoux). Tên này biết chữ nho và đọc được linh vị của Nguyễn Trung Trực nên hậm hực bỏ về. Ban Hội tề làng Vĩnh Thanh Vân (nơi có Lăng ông Nam Hải) lo sợ thế lực của Pháp nên hoang mang, bối rối.
Có người đem việc này kể cho ông Hyacinthe Le Nestour (ông lấy tên Việt là Lê Đức Tâm) đại điền chủ người Pháp ở Rạch Giá ở Tân Điền (một làng lân cận của làng Vân Tập) rất am hiểu về văn hóa Việt nhờ can thiệp. Ông này liền đưa linh vị của cụ Nguyễn về đồn điền của mình ở ấp Tân Điền, làng Mỹ Lâm, cất một cái đình bằng lá để thờ.
Theo pháp luật thời đó, điền Tây (những điền đất của người Pháp) được hưởng quy chế tự trị, chủ điền Tây như một vị lãnh chúa có quyền cai trị. Từ đó, việc cúng kiến Nguyễn Trung Trực chuyển về đình Tân Điền nhưng với quan niệm người dân vẫn xem đình Vĩnh Thanh Vân là ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực.
Phải trả sự thật về cho sự thật
Sau Hiệp định Gieneve, người Pháp rút khỏi Việt Nam và Ngô Đình Diệm giương cao ngọn cờ dân tộc, nhân dịp này nhân dân Rạch Giá thỉnh linh vị cụ Nguyễn về thờ ở nơi cũ, chung với cụ Phó cơ Điều. Năm 1957, linh vị cụ Nguyễn được thỉnh vào bàn thờ chính giữa đình, vị trí của Thành hoàng bổn cảnh. Với hành động này, nhân dân Rạch Giá đã mặc nhiên tôn cụ Nguyễn là Thành hoàng bổn cảnh của mình. Cũng từ năm này, đình chính thức mang tên đình Nguyễn Trung Trực. Khánh thờ cá ông Nam Hải Đại tướng quân đặt bên trái, khánh thờ Nguyễn Hiền Điều đặt bên phải.
Năm 1964, ngôi đình đã cũ, xuống cấp, người dân địa phương đã thành lập Ủy Ban Tân tạo đình thần Nguyễn Trung Trực. Cuộc xây dựng sửa chữa kéo dài đến năm 1970 mới hoàn thành.
Câu chuyện trên chứa đựng tấm lòng yêu nước, quý trọng những người hy sinh cho đất nước của nhân dân Kiên Giang kéo dài qua nhiều thế hệ. Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hiền Điều không chỉ là một vị tướng, một thủ lĩnh nghĩa quân mà trong lòng người dân là biểu tượng của lòng yêu nước. Việc thờ cúng từ bí mật đến phải di dời không chỉ là lòng ngưỡng mộ mà còn là ý chí đấu tranh để bảo vệ biểu tượng yêu nước đó.
Trong khi mãi đến ngày nay nhiều quốc gia vẫn còn săn cá voi, các tổ chức quốc tế phải lên tiếng bảo vệ loài này thì từ thời xa xưa, người Việt đã có truyền thống thờ cá ông, phong cá ông làm tướng, làm thần. Đó là niềm tin tâm linh vừa thể hiện lòng nhân ái, đôn hậu của người Việt sống thân thiện với môi trường.
Với sắc phong Thần Hoàng Bổn cảnh thì căn cứ vào nội dung của sắc đây là loại sắc phong thần chung chung cho các đình làng ở phía Nam thời Tự Đức theo nhu cầu của người dân mà không phong cụ thể cho một vị thần nào.
Từ những thực tế trên, các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét và sửa đổi ngay lễ kỷ niệm ngày mất Nguyễn Trung Trực hoặc là 12/09 âm lịch hoặc 27/10 dương lịch chứ không thể làm 28/8 âm lịch như hiện nay.
Việc rước sắc thần nếu có tổ chức thì phải xác định rõ là rước sắc thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Đại tướng quân như là ký ức về truyền thống văn hóa của ngôi đình chứ không phải là rước sắc Vua phong cho Nguyễn Trung Trực. Đây là mong muốn tha thiết của ông Nguyễn Khương Ninh, đồng thời cũng là yêu cầu bức xúc phải trả sự thật về cho sự thật.