Sự việc bắt đầu từ năm 1986, ông Trần Lam lúc đó là Trưởng ty Văn hóa Kiên Giang đã đưa ra giả thiết tìm được hài cốt anh hùng Nguyễn Trung Trực qua hướng dẫn của nhà văn Sơn Nam. Từ đó, Bảo tàng Kiên Giang đã tiến hành khai quật ngôi mộ đá có khắc phù điêu cò, cây trúc nằm trong khuôn viên dinh tỉnh trưởng Kiên Giang trước đây (nay là trụ sở UBND tỉnh).
Bị phản ứng nhưng cố làm lấy được
Ngay từ đầu, sự việc này đã được phản biện từ trong nội bộ chính quyền đến dư luận trong tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều văn bản phản đối. Các nhân sĩ tên tuổi như Giáo sư, Bác sĩ Trần Cửu Kiến cũng lên tiếng góp ý.
Ngay thực tế khách quan của bộ hài cốt là bằng chứng hiển nhiên không có đặc thù của thân thế cụ Nguyễn như: cụ Nguyễn bị chém chết năm 30 tuổi nhưng xương của hài cốt đã 50 tuổi, xương cổ còn nguyên. Vị thế của ngôi mộ là một đá, có chạm khắc hoa văn, có bia chữ Hán. Lẽ nào người Pháp lại ưu ái quý trọng cụ Nguyễn đến mức xây mộ đá khắc bia nằm ngay trong dinh tỉnh trưởng?
Cần nhớ là chính Thống Đốc Nam Kỳ đã bác bỏ đề nghị của Huỳnh Công Tấn xin tha cho cụ Nguyễn vì lý do “người này đã giết quá nhiều binh lính và sĩ quan Pháp”. Chủ tỉnh Kiên Giang là Arnoux (có người ghi là Reneoul), biết đọc chữ Hán, khi đi dự lễ kỳ yên ở đình Vĩnh Thanh Vân nhìn thấy bài vị cụ Nguyễn thờ trong đình đã hầm hầm bỏ về làm hương chức hội tế Rạch Giá sợ xanh mặt. Lẽ nào giặc Pháp lại xây mộ đá cho cụ Nguyễn?
Anh hùng Nguyễn Trung Trực |
Trước sự phản biện và thực tế trái ngược này, ông Trần Lam đã có nhiều động thái đối phó. Nội dung giám định hài cốt, bản viết tay của Tiến sĩ Lê Trung Khá đã bị biến mất thay vào đó, Bảo tàng Kiên Giang đã làm một biên bản giám định chỉ ghi tên mà không có chữ ký của ông Khá. Ngay biên bản này cũng bị cạo sửa, tuổi của hài cốt lúc đầu ghi là 50 được sửa lại thành 40.
Muốn đối thoại nhưng “tránh” dự hội thảo
Để có điểm tựa cho việc làm của mình, ông Trần Lam đã gửi thư, xin ý Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nội dung thư lại cung cấp thông tin mơ hồ, sai lệch. Trong thư, ông Trần Lam viết: “Vấn đề xương cốt Nguyễn Trung Trực được khai quật năm 1986 di dời về đình, gần đây có một số ý kiến phản ứng, trong cán bộ cũng có, ngoài dân cũng có, tất nhiên diện không rộng lắm. Nội dung là không thừa nhận xương cốt...
Có người đề nghị Tỉnh ủy cho moi ra, chỉ để ngôi mộ tượng trưng thôi, kèm theo đó cùng nhiều lời chỉ trích. Trong khi đó, cũng chưa ai tìm ra xương cốt hay ngôi mộ nào khác và trong khi xương cốt này đã được gia đình (cháu, chắt) cụ Nguyễn thừa nhận và đã được Bộ Văn hóa nâng lên là một di tích lịch sử (mộ và đình)...”.
Sự không ngay thật của ông Trần Lam là không nói rõ là người ta phản ứng vì hài cốt này trên 50 tuổi, xương cổ còn nguyên. Ông Trần Lam cũng không ngay thật khi cho rằng con cháu cụ Nguyễn thừa nhận hài cốt này vì trong các hậu duệ cụ Nguyễn có ít nhất là chi tộc Nguyễn ở Cái Bè do ông Nguyễn Khương Ninh đại diện ngay từ đầu đã không đồng ý và đến nay đã có 13 đơn kiến nghị.
“Gia đình con, cháu, chắt cụ Nguyễn” thừa nhận hài cốt mà ông Trần Lam nêu trong thơ lại chính là chi tộc mới, được Bảo tàng Kiên Giang phát hiện đồng thời với bộ hài cốt. Ngay chi tộc này cũng có lắm vấn đề, chi tộc này chỉ được chính quyền Kiên Giang công nhận mà không được các chi tộc hậu duệ của cụ Nguyễn thừa nhận vì gia phả, tông chi của họ hoàn toàn khác biệt.
Như vậy, đồng thời và mắc xích với bộ hài cốt bị nghi vấn, còn có thêm một nghi vấn khác về các chi tộc và phần mộ của thân phụ, thân mẫu anh hùng Nguyễn Trung Trực mà Bảo tàng Kiên Giang đã phát hiện và đầu tư xây dựng hoành tráng ở Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau.
Trong thư, ông Trần Lam cho rằng: “Với hiểu biết của tôi, về kiến thức cũng như trong thực tiễn, với trách nhiệm của mình, lắm lúc tôi cũng muốn “đối thoại”. Thật sự vào năm 1988, Kiên Giang đã có tổ chức một Hội thảo khoa học về Nguyễn Trung Trực nhưng ông Trần Lam đã không tham dự hội thảo này vì lý do “bị bệnh phải đi bệnh viện điều trị”. Tuy nhiên, sáng ngày khai mạc hội thảo, có vị khách mời đã gặp ông ở tại Rạch Giá trong điều kiện sức khỏe bình thường.
Một mộ ba bia, một bia được tháo lúc nửa đêm
Điều đáng nói ở đây là ý kiến của Giáo sư Trần Văn Giàu trả lời Trần Lam về hài cốt cụ Nguyễn có đoạn: “…Điều kiện thì có, tuy không đủ; không đủ nhưng đã có tối thiểu. Không đủ thì còn có thể điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm, cho đến khi nào có bằng cớ là không phải thì ta sẽ nhận định lại.... không được làm gì có thể làm giảm bớt lòng tôn kính của nhân dân đối với vĩ nhân lịch sử”.
Đúng vậy, xưa trong thời Pháp đô hộ, dù rất nguy hiểm có thể bị đàn áp nhưng gia đình, nghĩa binh, người dân vẫn sùng kính thờ Cụ Nguyễn. Khắp miền Nam có đến 22 ngôi đền, đình không cần có hài cốt, mồ mả, chỉ một bài vị ghi tên cụ là đủ thể hiện tấm lòng thành. Nay tại sao phải dựng nên hài cốt, mồ mả?
Theo nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng, người dân Rạch Giá hiện nay vẫn đến đền cụ Nguyễn cúng bái nhưng không ai vào chiêm bái ngôi mộ ấy vì biết đó không phải là hài cốt thật. Dựng một bộ hài cốt giả cho một anh hùng dân tộc quả là một hành vi xúc xiểm tiền nhân.
Ngôi mộ ấy còn có tên gọi cay đắng là “một mộ ba bia” vì ngay khi khánh thành mặt trước mộ có gắn bia ghi tên những vị lãnh đạo đã đặt đá đầu tiên xây dựng, mặt sau mộ lại có bia ghi “người thiết kế Trần Lam”. Do bị dư luận phê phán, tấm bia ấy đã được thuê thợ đập phá, tháo đi vào lúc nửa đêm.
Vì sao Sơn Nam cam kết khác những điều đã viết?
Cho đến nay, căn cứ duy nhất để xác định hài cốt được khai quật của cụ Nguyễn chỉ là bản cam kết viết tay của nhà văn Sơn Nam ngày 15/10/1986. Nội dung như sau: “Năm 1943-1944 tôi có làm thư ký ở Tòa Bố Rạch Giá. Vì tò mò tôi có tìm hiểu về Nguyễn Trung Trực, nhất là nơi chôn hài cốt. Tên Phó Tham biện bấy giờ là Roger Lucas, có nhà riêng ở khuôn viên Tòa Bố, nói nhiều lần với tôi rằng xác của Nguyễn Trung Trực chôn ở sát bên Tòa Bố, tức là chỗ mà tôi đã chỉ rõ để khai quật.
Tòa Bố thời pháp, từ năm 1880 về sau xây không chính xác đúng nền Tòa Bố cũ. Vì vậy Tòa Bố sau có vách đá kiểu đồn lính, lại sát kề bên mộ….”.
Bản cam kết này khác hẳn bài viết của Sơn Nam trên tập san Sử Địa năm 1968 như sau: “Hồi năm 1944 một dạo chúng tôi làm thư ký tòa bố Rạch Giá tình cờ được nghe tên chủ tỉnh Maxime Vialar nói với người thơ ký phụ trách việc cơ mật “Mộ Nguyễn Trung Trực ở sát gốc cây đa đằng kia. Đừng cho lính mã tà dẩn tội tới làm cỏ gần đó”. Cây đa này ở sau Tòa Bố, trên khoảng đất trống giữa Tòa Bố và dinh chủ tỉnh”.
Nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn Nghệ Kiên Giang còn phát hiện thêm, trong quyển Người anh hùng dân chài viết chung với Ngọc Linh in năm 1959, Sơn Nam viết: “Xác cụ Nguyễn chôn sau lầu ông Chánh (tức dinh tỉnh trưởng, ngày nay là nhà văn hóa thiếu nhi-NV), dưới gốc cây đa, cách lầu 70 mét, lâu ngày rễ đa phủ mất không còn thấy mộ”.
Theo ông Hùng, hai vị trí Sơn Nam viết trước đây và nơi chỉ mộ, cam kết với tỉnh Kiên Giang cách nhau rất xa về phương hướng tọa độ và nhất là về hiện trạng ngôi mộ. Trước đây ông khẳng định ngôi mộ đã bị lấp bằng nhưng lại chỉ dẫn khai quật một ngôi mộ đá.
Vì sao nhà văn Sơn Nam phải nói những điều mình đã viết trước đây? Đã có nhiều người thân đặt thẳng câu hỏi với Sơn Nam và đã có câu trả lời. Chúng tôi hiểu những lý do tế nhị mà ông phải làm cái việc chẳng đặng đừng./.
Cho đến nay, căn cứ duy nhất để xác định hài cốt được khai quật của cụ Nguyễn chỉ là bản cam kết viết tay của nhà văn Sơn Nam ngày 15/10/1986. Nội dung như sau: “Năm 1943-1944 tôi có làm thư ký ở Tòa Bố Rạch Giá. Vì tò mò tôi có tìm hiểu về Nguyễn Trung Trực, nhất là nơi chôn hài cốt. Tên Phó Tham biện bấy giờ là Roger Lucas, có nhà riêng ở khuôn viên Tòa Bố, nói nhiều lần với tôi rằng xác của Nguyễn Trung Trực chôn ở sát bên Tòa Bố, tức là chỗ mà tôi đã chỉ rõ để khai quật.
Tòa Bố thời pháp, từ năm 1880 về sau xây không chính xác đúng nền Tòa Bố cũ. Vì vậy Tòa Bố sau có vách đá kiểu đồn lính, lại sát kề bên mộ….”.
Bản cam kết này khác hẳn bài viết của Sơn Nam trên tập san Sử Địa năm 1968 như sau: “Hồi năm 1944 một dạo chúng tôi làm thư ký tòa bố Rạch Giá tình cờ được nghe tên chủ tỉnh Maxime Vialar nói với người thơ ký phụ trách việc cơ mật “Mộ Nguyễn Trung Trực ở sát gốc cây đa đằng kia. Đừng cho lính mã tà dẩn tội tới làm cỏ gần đó”. Cây đa này ở sau Tòa Bố, trên khoảng đất trống giữa Tòa Bố và dinh chủ tỉnh”.
Nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn Nghệ Kiên Giang còn phát hiện thêm, trong quyển Người anh hùng dân chài viết chung với Ngọc Linh in năm 1959, Sơn Nam viết: “Xác cụ Nguyễn chôn sau lầu ông Chánh (tức dinh tỉnh trưởng, ngày nay là nhà văn hóa thiếu nhi-NV), dưới gốc cây đa, cách lầu 70 mét, lâu ngày rễ đa phủ mất không còn thấy mộ”.
Theo ông Hùng, hai vị trí Sơn Nam viết trước đây và nơi chỉ mộ, cam kết với tỉnh Kiên Giang cách nhau rất xa về phương hướng tọa độ và nhất là về hiện trạng ngôi mộ. Trước đây ông khẳng định ngôi mộ đã bị lấp bằng nhưng lại chỉ dẫn khai quật một ngôi mộ đá.
Vì sao nhà văn Sơn Nam phải nói những điều mình đã viết trước đây? Đã có nhiều người thân đặt thẳng câu hỏi với Sơn Nam và đã có câu trả lời. Chúng tôi hiểu những lý do tế nhị mà ông phải làm cái việc chẳng đặng đừng./.
(Còn tiếp)