Những con số đếm ngược, lùi dần từ trung tâm xã Tam Kim về phía hướng núi, theo cột mốc “di tích” tới km 0 thì trước mặt khách vùng xuôi sừng sững bức phù điêu về lễ thành lập đội quân vũ trang đầu tiên mang tên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Cũng 20 năm nay, có một người đàn ông lặng lẽ gắn bó với khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo. Đó là ông Đặng Hồng Cao.
Đồng bào người Dao, Tày, Nùng, Mông, Kinh, Ngái, Hoa… ở châu Nguyên Bình năm nào vẫn quen gọi khu rừng này là rừng Slam Cao, thuộc dãy Khau Giáng (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Trên ngọn núi Dền Sinh có một điểm cao nhất gọi là đỉnh Slam Cao, nay có một tấm bia ghi rõ là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn là điểm quan sát nhiều ngày, trước khi ra quyết định đánh đồn Phai Khắt, làm nên chiến thắng đầu tiên của QĐNDVN.
Cái tên rừng Trần Hưng Đạo được đặt sau khi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) ngày 22/12/1944, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố.
Những bậc đá để khách tham quan chiêm ngưỡng đỉnh Slam Cao |
70 năm, một chặng đường dài từ ngày đầu gian khó đó, để đêm 15/12/2014, ngay tại khu rừng Trần Hưng Đạo, đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đông đảo đại biểu và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chứng kiến Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son trao quyết định công nhận “Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
Bắt đầu từ năm 1995, ông Cao từ Sở Văn hóa thông tin tỉnh Cao Bằng được chuyển vào huyện Nguyên Bình, được giao nhiệm vụ vào giữ khu rừng chiến khu Trần Hưng Đạo. Người cán bộ văn hóa nay lấy vợ ở ngay thôn Tam Kim, 3 con cũng đều đã lớn, đã bước đủ bước chân dọc ngang khu rừng này.
Ông Đặng Hồng Cao, người 20 năm giữ gìn khu rừng Trần Hưng Đạo. Bước chân ông đã dọc ngang khu rừng này, đếm kỹ từng m2 đất. |
Ông Cao nhớ rõ từ nhà bia tưởng niệm lên tới đỉnh Slam Cao, nơi “anh Văn” từng đứng quan sát trước khi quyết định mở màn trận đầu diệt đồn Phai Khắt ngày 25/4/1944, nay đường đi đã được lát đá lên tới đỉnh núi, cao tới 508 bậc.
110 bậc đá, từ bức phù điêu vào tới nhà bia dài 400m, đã 20 năm nay hằng ngày vẫn quen bước chân ông. Gần nhà bia là 2 lán nghỉ nằm đối diện nhau, nơi 34 con người những ngày đầu đã sống để làm nên một đất nước hôm nay.
Hơn 20km đường từ Phai Khắt lên tới Nà Ngần (thuộc xã Hoa Thám), xe chúng tôi chênh vênh trên con đường bám ven mép núi vừa được Bộ Quốc phòng đầu tư hoàn thành, để nối liền vùng đất lịch sử khuất nẻo lâu nay gắn với quốc lộ 3.
Ngày 25/12/1944, sau khi giải phóng Phai Khắt, đội quân do tướng Giáp chỉ huy đã vượt đường rừng trong đêm để 7 giờ sáng hôm sau, ngày 26/12, giải phóng đồn Nà Ngần.
Nhà bia tưởng niệm đồn Nà Ngần hôm nay. |
Đồn Nà Ngần cũng chẳng phải là đồn bốt kiên cố như cách mà nhiều người miền xuôi vẫn hình dung trên sách vở, bởi vốn dĩ là đó là ngôi nhà của một đồng bào người Tày từ Bình Dương vào đây lập nghiệp, bị người Pháp chiếm đóng quân.
Xóm Nà Ngần thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, từ những năm 40 của thế kỷ trước đã là nơi sinh sống của nhiều dòng họ dân tộc Dao.
Nay, Nà Ngần cũng không còn dấu vết. Một nhà bia được dựng lên trên mảnh đất là nơi đồn Nà Ngần tọa lạc năm nào, ghi dấu tích một địa danh đã đi vào sử sách.
Năm 1995, khi xây dựng nhà bia tưởng niệm chiến thắng Nà Ngần, để đưa được tấm bia ghi dấu tích vào tới nơi, những người thi công đã phải chặt 20 cây luồng làm bè, đặt tấm bia lên trên, thả trôi theo dòng sông Tam Kim vào tới đất này thì huy động 40 người dân mất nhiều ngày mới gánh lên tới nơi.
Một vòng cung lịch sử với đường đèo dốc từ 11 – 13%, bám cheo leo mép núi, đã kéo Phai Khắt – Nà Ngần – rừng Trần Hưng Đạo tới gần hơn với miền xuôi, để mỗi con dân nước Việt hôm nay tìm về thấy rõ sự bền tâm vững chí của các bậc tiền nhân những ngày đầu dựng nước.
(Trong phóng sự có sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp).