Củng cố thế “chân kiềng” bảo vệ công lý

(PLO) - Những vụ án oan, sai được “phát lộ” thời gian qua càng làm “quyền im lặng” trở thành một đề tài gây tranh cãi, trong đó quan trọng là cơ chế nào để đảm bảo thực thi quyền năng đặc biệt này của người bị bắt giữ.

 
Quyền im lặng sẽ củng cố thế “chân kiềng” trong hoạt động tố tụng.
Quyền im lặng sẽ củng cố thế “chân kiềng” trong hoạt động tố tụng.
Im lặng không phải là “vàng”
Trên thế giới, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý và sự tham gia ngay từ đầu của luật sư (LS) nhằm hỗ trợ cho người bị tình nghi phạm tội khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam đã được luật hóa, trở thành nguyên tắc tố tụng cơ bản với biểu hiện cụ thể là “quyền im lặng”. Tuy pháp luật Việt Nam chưa từng chính thức có qui định về quyền im lặng của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo nhưng cũng có những qui định gián tiếp thể hiện một số nội dung của quyền im lặng.  
Song, điểm hạn chế khiến các chuyên gia pháp lý băn khoăn và thực tế cũng khiến cho các qui định này không phát huy được hết hiệu quả trong thực tiễn là qui định về các quyền của người bị buộc tội, của người bào chữa không làm phát sinh nghĩa vụ tương ứng của cơ quan tiến hành tố tụng; việc vi  phạm các quyền đó không làm phát sinh hậu quả pháp lý nào.
Do đó, thực tiễn chấp nhận nhiều trường hợp bị can, bị cáo chỉ im lặng không trả lời các câu hỏi của người tiến hành tố tụng đưa ra. Nhưng trong những trường hợp này, thông thường nếu buộc tội thì khi quyết định hình phạt, nhiều Tòa án cho rằng bị cáo “đã không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải” nên lại xử phạt nghiêm khắc hơn đối với bị cáo. 
Giải thích thêm về “quyền im lặng”, bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử VKSNDTC cho rằng: “Quyền im lặng không có nghĩa là không nói gì”. Và theo nhiều chuyên gia pháp lý, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người bị buộc tội mà chỉ là để đảm bảo cho người bị bắt giữ có được sự trợ giúp pháp lý phù hợp, tránh “tự mình buộc tội mình” chỉ vì thiếu hiểu biết hay tâm lý hoang mang, chấp nhận đánh đổi do lo sợ bị tổn thương; đồng thời cũng hạn chế những vụ án hồ sơ “không tì vết”, chứng cứ không vững vàng, chỉ dựa vào lời khai của người bị bắt giữ…
Dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi đang đi theo hướng bảo đảm quyền tiếp cận của LS đối với người bị tình nghi phạm tội ngay khi bị triệu tập lấy lời khai do có đơn thư, tin báo tố giác tội phạm, khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Các cơ quan và người tiến hành tố tụng khi bắt giữ một công dân phải thông báo, giải thích về quyền tự bào chữa và nhờ LS, người khác bào chữa, lập biên bản ghi nhận yêu cầu LS của họ và ngay lập tức tạo điều kiện cho LS được hiện diện trước khi lấy lời khai của người bị tình nghi phạm tội. 
Đây là cách tiếp cận để thể chế hóa “quyền im lặng” của người bị bắt giữ, phù hợp với đặc điểm, điều kiện lịch sử cụ thể về kinh tế, xã hội và cơ chế vận hành mô hình TTHS ở Việt Nam. Ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban soạn thảo Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) lưu ý: “Nếu trong Dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) qui định quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì phải diễn đạt để bảo đảm phù hợp với văn phong pháp lý và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta, nghiên cứu không sử dụng thuật ngữ “quyền im lặng” để tránh ngộ nhận”.
Củng cố thế “chân kiềng”
Trong TTHS nước ta có 2 nguyên tắc được các chuyên gia đánh giá là “quan hệ mật thiết” và có khả năng bảo đảm thực thi được quyền im lặng, đó là nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và nguyên tắc tranh tụng, hình thành nên thế “chân kiềng” vững chãi cho hoạt động TTHS “không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”.
Nhận định chung của các chuyên gia pháp lý: “Quyền bào chữa và quyền im lặng là hai quyền của người bị buộc tội, liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau để đảm bảo cho TTHS được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người vô tội, trong đó quyền nhờ người khác bào chữa là một phần cụ thể và không thể thiếu của quyền im lặng”. 
Bên cạnh đó, từ đặc trưng chủ yếu của mô hình TTHS nước ta là thẩm vấn để thực hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng nên đã không ít vụ án bị cáo “phản cung” tại phiên tòa và cho rằng đã bị ép buộc phải nhận tội ở những giai đoạn điều tra trước. Tuy nhiên, do việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử còn phụ thuộc nhiều vào phía buộc tội (đại diện VKSND giữ quyền công tố) muốn tranh tụng với LS gỡ tội hay không nên nhiều trường hợp Tòa án cũng khó chứng minh việc “ép buộc nhận tội” và chỉ có thể kết án theo hồ sơ. 
Từ đó, các chuyên gia pháp lý nhận định, nếu có quyền im lặng sẽ đòi hỏi các bên buộc tội phải tìm kiếm các chứng cứ phục vụ cho việc tranh tụng chứ không chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị can, bị cáo. Đồng thời, khi có sự tham gia của LS vào quá trình lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo… sẽ không xảy ra những hiện tượng bức cung, dùng nhục hình để lấy lời khai nhận tội.
Như vậy, bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và nguyên tắc tố tụng chính là cơ chế quan trọng nhất để thực thi quyền im lặng – một hình thức bảo đảm cho việc khai nhận tội của người bị buộc tội chính xác, khách quan; góp phần hạn chế oan, sai, bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Ngược lại, quyền im lặng là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa, hạn chế những vi phạm tố tụng trong TTHS, bảo đảm cho nguyên tắc tranh tụng được thực hiện thực chất hơn, góp phần giải quyết vụ án khách quan, bảo đảm quyền con người, hạn chế oan sai trong TTHS./.