Những ai được chuyển tuyến khám chữa bệnh?

(PLO) - Thời gian gần đây, đặc biệt là khi bùng phát các dịch bệnh như sởi, rubella... các bệnh viện tuyến Trung ương đều trong tình trạng quá tải do người dân chuyển viện vượt tuyến. Nhằm cung cấp đến độc giả những quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh, PLVN xin được cung cấp nội dung cơ bản của Thông tư 14/2014/TT-BYT được Bộ Y tế mới ban hành.
Tư vấn khám chữa bệnh cho người dân (Ảnh minh họa).
Tư vấn khám chữa bệnh cho người dân (Ảnh minh họa).
Không đáp ứng điều kiện vẫn  được chuyển tuyến 
Theo những quy định này, bệnh nhân  và người nhà bệnh nhân được tạo sự chủ  động tối đa trong quá trình làm thủ tục  chuyển tuyến. Cụ thể, 5 điều kiện được coi  là chuyển đúng tuyến, trong đó có các  điều kiện như: cơ sở khám bệnh, chữa  bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới  lên tuyến trên nếu bệnh không phù hợp  với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh  mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa  bệnh hoặc bệnh phù hợp với năng lực  chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật  của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được  cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế  phê duyệt nhưng do điều kiện khách  quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó  không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều  trị. 
Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh  tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ  thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa  bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến  cao hơn. Trước khi chuyển tuyến, người  bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định  chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở  khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4 - tuyến xã,  phường, thị trấn). Cơ sở khám bệnh, chữa  bệnh chuyển người bệnh từ tuyến trên về  tuyến dưới phù hợp khi người bệnh đã  được chẩn đoán, được điều trị qua giai  đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã  thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở  tuyến dưới. 
Đáng chú ý, trường hợp người bệnh  không đáp ứng điều kiện chuyển tuyến  theo quy định trên nhưng người bệnh  hoặc người đại diện hợp pháp của người  bệnh vẫn yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở  khám bệnh, chữa bệnh giải quyết cho  người bệnh chuyển tuyến để bảo đảm  quyền lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa  bệnh của người bệnh. Khi đó, cơ sở khám  bệnh, chữa bệnh nơi chuyển người bệnh  đi phải cung cấp thông tin để người  bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức  thanh toán chi phí khám bệnh, chữa  bệnh bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa  bệnh không theo đúng tuyến chuyên  môn kỹ thuật. 
Phải chuẩn bị sẵn sàng phương  tiện cấp cứu người bệnh trên  đường vận chuyển 
Theo Thông tư, khi vận chuyển người  bệnh trong tình trạng cấp cứu, cơ sở khám  bệnh, chữa bệnh chuẩn bị các điều kiện để  vận chuyển người bệnh như: Xe cứu  thương hoặc phương tiện vận chuyển phù  hợp khác; trang thiết bị y tế, thuốc cấp cứu  sử dụng cho người bệnh (nếu cần) trong  quá trình vận chuyển; người hộ tống là bác  sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh có nhiệm vụ  theo dõi, xử trí kịp thời diễn biến bệnh lý  của người bệnh trong quá trình vận  chuyển và vận chuyển người bệnh theo kỹ  thuật phù hợp với tình trạng bệnh lý của  người bệnh. 
Nếu vận chuyển người bệnh trong tình  trạng không cấp cứu, căn cứ tình trạng  bệnh lý của người bệnh và điều kiện thực  tiễn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hướng  dẫn người bệnh hoặc người đại diện hợp  pháp của người bệnh lựa chọn hình thức,  phương tiện vận chuyển phù hợp. 
Về thủ tục chuyển tuyến, Bộ Y tế yêu  cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải  thông báo và giải thích rõ lý do chuyển  tuyến cho người bệnh hoặc người đại diện  hợp pháp của người bệnh. 
Trường hợp người bệnh cấp cứu, cơ sở  khám bệnh, chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến chuyển  người bệnh đến; kiểm tra lần cuối cùng  tình trạng người bệnh trước khi chuyển;  chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu  người bệnh trên đường vận chuyển. 
Nếu người bệnh cần sự hỗ trợ kỹ thuật  của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến  chuyển người bệnh đến, cơ sở khám bệnh,  chữa bệnh chuyển người bệnh đi phải  thông báo cụ thể về tình trạng của người  bệnh và những yêu cầu hỗ trợ để cơ sở  khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển đến có  biện pháp xử trí phù hợp.