Con có được hưởng thừa kế khi cha đã lấy vợ mới?

(PLO) - Người bố không may gặp tai nạn rồi qua đời, để lại di chúc với nội dung toàn bộ di sản dành hết cho người vợ mới và cậu con trai út, vậy trong trường hợp này, hai người con chung anh ta với vợ cũ có được hưởng di sản từ bố không?
Con có được hưởng thừa kế  khi cha đã lấy vợ mới?

Phú quý sinh… bồ bịch

Hùng và Hoa đến với nhau đều là mối tình đầu, khi cả hai còn theo học tại một trường trung cấp. Ra trường, họ cưới nhau trong một lễ cưới giản dị, đầm ấm. Họ được bố mẹ chồng xây cho một căn nhà mái bằng, ở ngay ngoại ô. Cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng nhìn xuống cũng còn nhiều gia đình chưa bằng họ. 
Rồi lần lượt hai cô con gái chào đời. Hùng tuy cục cằn, thô lỗ với vợ con nhưng bù lại, anh ta là người hoạt bát, giao thiệp rộng. Công việc chính của Hùng là kỹ sư tại một viện nghiên cứu khoa học về xây dựng, nhưng do quen biết nhiều nên thi thoảng Hùng cũng đứng ra môi giới một số phi vụ làm ăn, bởi vậy thu nhập từ nghề “tay trái” cũng tương đối khá. 
Thời gian sau, Hùng nhờ người quen xin chuyển công việc sang Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện. Từ đây, công việc của Hùng ngày càng trở nên phát đạt. 
Do giao thiệp rộng với các “sếp”, lại nắm trong tay việc quy hoạch, cấp đất của huyện nên Hùng được rất nhiều doanh nghiệp vây quanh, cùng với đó là những cuộc ăn nhậu, chơi bời của Hùng ngày càng nhiều lên.
Rồi Hùng có “bồ” và thường thay “bồ” liên tục. Cuộc sống vật chất của Hoa trở nên sung túc bao nhiêu thì cuộc sống tinh thần lại càng bị đày đọa bấy nhiêu.
Từ khi ăn nên làm ra, Hùng ngày càng coi thường vợ con. Có chuyện gì phật ý, anh ta thường quát nạt hoặc đuổi vợ ra khỏi nhà. “Sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi mà tôi như kẻ ăn, người ở. Nhiều lúc muốn ly dị nhưng nghĩ thương các con nên lại cắn răng chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng. Tôi làm giáo viên, lương chỉ ba cọc ba đồng, không có anh ta thì chẳng đủ nuôi con, còn bố mẹ tôi đã già rồi, lại ở quê xa nên cũng chẳng giúp được gì” - Hoa tâm sự. 
Rồi điều gì phải đến cũng đã đến. Sau nhiều lần “bồ bịch” qua đường cho vui, cuối cùng Hùng đã chết mê chết mệt một cô ca sỹ phòng trà trẻ trung, xinh đẹp. Bị trúng “tiếng sét” ái tình, Hùng nhất quyết ly dị vợ để lấy cô nhân tình trẻ. 
Những cố gắng níu kéo chồng của Hoa trở nên vô ích, Hùng lạnh lùng đòi chia tay với vợ. Tồi tệ hơn nữa, Hoa phải ra đi với hai bàn tay trắng vì ngôi nhà họ đang ở vốn là của bố mẹ chồng nên Hoa không có quyền đòi chia nhà. Hùng chỉ cho cô vài chục triệu đồng gọi là... an ủi. Không chốn nương thân, Hoa cùng con gái út khăn gói đến ở nhờ một gian nhà kho để trống của trường nơi cô dạy học.
Dù biết con ở với mình sẽ thiếu thốn đủ bề nhưng Hoa không có cách lựa chọn nào khác. Riêng cô con gái lớn đang học lớp 4, Hoa cho ở lại cùng bố và ông bà nội, với hy vọng cháu sẽ được hưởng cuộc sống vật chất đủ đầy hơn khi ở với mẹ.  
Nỡ lòng tước quyền thừa kế của con đẻ… 
Cuộc sống ở môi trường mới quả là một cú sốc lớn đối với mẹ con Hoa. Gọi là nhà cho sang, nhưng thật ra nơi đây chỉ có vài vật dụng thiết yếu cho cuộc sống như một cái bếp điện, vài cái nồi, một chiếc giường nhỏ, một cái tivi cũ và chiếc giá sách cũ mà đồng nghiệp của Hoa thương tình đem cho... 
Tuy vậy, sự thiếu thốn về vật chất cũng không giày vò bằng cuộc sống buồn tẻ do biệt lập với những người xung quanh. Nhiều đêm sân trường vắng lặng, gian nhà kho chỉ có hai mẹ con, chị càng thấy thương cho thân phận nghiệt ngã của mình. 
Mỗi khi con bé hỏi: “Mẹ ơi, chị đâu hở mẹ? Bố đâu hở mẹ?” và khóc nấc lên: “Không! Con muốn về nhà, con không muốn ở đây đâu!” lại khiến tim chị quặn thắt. Thương con bé bao nhiêu chị càng thương con lớn bấy nhiêu. Cháu tuy được ở nhà cao cửa rộng, cuộc sống vật chất đủ đầy nhưng chị thương con phải ở với mẹ ghẻ, phải chịu nhiều thiệt thòi và thiếu tình thương yêu, bàn tay chăm sóc của mẹ đẻ. 
Nhiều lúc chị muốn đón con về nuôi để ba mẹ con được quây quần, bớt nỗi cô đơn và đặc biệt là cho các con của chị có chị, có em nhưng nhìn vào đồng lương ba cọc ba đồng, chị lại sợ không lo nổi. 
Được vài năm sau, trong một lần nhậu say trở về nhà, Hùng không may bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Biết tin chồng cũ mất, chị Hoa trở về đòi quyền thừa kế cho các con (con gái lớn năm nay tròn 14 tuổi và con gái nhỏ 8 tuổi). 
Tuy nhiên, cô vợ mới đã vênh váo chìa ra bản di chúc của Hùng, có dấu chứng thực đàng hoàng, với nội dung Hùng để lại toàn bộ di sản (bao gồm một ngôi nhà 3 tầng mặt đường rộng 100m2, một ô tô hạng sang và một số cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng) cho cô ta và cậu con trai út của họ vừa tròn 2 tuổi. 
Hoa như nghẹn lại, chị không ngờ Hùng lại có thể đối xử tệ với các con đẻ của mình như thế. 
“Tôi không biết liệu theo quy định của pháp luật thì các con tôi có được hưởng chút di sản nào của bố chúng để lại hay không?”. 
Đọc những dòng tâm sự  của chị Hoa, Luật gia Thu Hương (Bộ Tư pháp) nói: 
Tôi xin chia sẻ với hoàn cảnh của chị Hoa hiện nay. Thực ra, những người đàn ông khi có cơ hội “phất” lên rồi đột nhiên thay lòng đổi dạ, chạy theo nhân tình mới, thậm chí ly dị vợ cũng không phải là ít. Tuy nhiên, đa phần họ vẫn cung cấp vật chất cho con chu đáo chứ không đến nỗi “cạn tàu ráo máng” như Hùng. 
Chồng cũ của chị Hoa mang tiếng giàu có mà nỡ để chị phải ra đi với hai bàn tay trắng, để cô con gái nhỏ phải sống trong cảnh thiếu thốn, đơn chiếc quả thực là cách hành xử rất đáng lên án. Tồi tệ hơn nữa, anh ta còn lập di chúc để lại toàn bộ di sản cho người vợ mới và con trai út, không để lại chút gì cho hai cô con gái của mình thì quả thật là nhẫn tâm. 
Là con, dù trai hay gái cũng đều là giọt máu của anh ta, người bố cần phải đối xử công bằng. Đằng này, chỉ vì mê người vợ lẽ mà anh ta đã tước đi quyền được hưởng di sản thừa kế của các con gái. 
Tuy nhiên, pháp luật luôn có quy định bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này: 
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; 
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”. 
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự thì: 
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản: 
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; 
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d)Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”. 
Căn cứ quy định này, do hai con gái nhỏ của chị thuộc đối tượng “con chưa thành niên” quy định tại Khoản 1 Điều 669 và các cháu không thuộc đối tượng người không được quyền hưởng di sản quy định tại Khoản 1 Điều 643 của Bộ luật Dân sự, vì vậy mỗi cháu vẫn được hưởng một phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật được hưởng. 
Theo quy định hiện hành, những người được hưởng thừa kế theo pháp luật của chồng cũ chị bao gồm: Cha, mẹ đẻ của Hùng, người vợ sau, con trai của anh ta với người vợ sau và hai con gái của chị. Như vậy, Hùng có 6 người ở hàng thừa kế thứ nhất. 
Theo quy định của pháp luật, mỗi người con gái của chị sẽ được hưởng một phần di sản bằng 2/3 của một suất thừa kế (một suất thừa kế là 1/6 số di sản của Hùng). Hay nói cách khác, nếu số di sản của chồng cũ của chị được chia thành 6 phần bằng nhau thì mỗi người con của chị sẽ được hưởng 2/3 của một phần đó.
Chúc chị và các con được đoàn tụ và sớm có một cuộc sống yên bình hơn!