Lạ kỳ khoản phí cha mẹ... 'ép' giáo viên nhận

(PLO) - Thời gian gần đây, chúng ta vẫn thường nói về những đứa trẻ “không bao giờ lớn” bởi từng bữa ăn, giấc ngủ tới giờ học ở trường cũng được phụ huynh chăm bẵm sát sao… Họ lựa chọn cho con trường tư đắt gấp 5-10, 20… lần trường công, dùng tiền "lót tay" giáo viên để đòi hỏi các cậu ấm, cô chiêu của mình phải được chăm sóc như… ở nhà.
Đừng sính ngoại, đừng nuông chiều, dừng lười biếng. (Ảnh minh họa )

Nực cười “phí để mắt”

Trong buổi họp phụ huynh của lớp 6 ở một trường bán công mới thành lập, được cha mẹ kì vọng con được học như Tây, nhiều phụ huynh đã gay gắt “tố” cô chủ nhiệm rằng, cô để các con xếp hàng đứng nắng quá lâu; các con tan học đói mà bữa trưa mang ra quá muộn; sao các con lại phải trực nhật…

Còn ở môi trường trường công, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, nhiều khi, chính cha mẹ đang “thúc đẩy” sự thiên vị xảy ra trong môi trường học tập của con em mình (trong khi sẽ phẫn nộ phản ứng nếu nhà trường hoặc thầy cô quan tâm đến trẻ khác hơn con mình).

Bằng chứng là việc dù quy định rõ ràng không được phong bì này nọ cho thầy cô nhưng ngày lễ, dịp Tết vẫn lén nhét trong bó hoa, hộp quà một cái phong bì. Rồi lý giải rằng: Ai cũng thế! Mình lo cho con mình nên mới phải thế. Chuyện biếu xén thầy cô diễn ra từ xưa và luôn được coi là chuyện bình thường. Đến nỗi bây giờ, cha mẹ nào không biếu xén mới là “hạng cha mẹ” không quan tâm đến con.

Thầy cô để mắt hẳn là rất tốt cho con, nhiều cha mẹ nghĩ vậy. Con có nghịch ngợm, đứa trẻ nào chẳng hiếu động, thầy cô cũng sẽ từ hiền mà nhắc nhở thay vì ăn thước kẻ, ngậm khăn lau bảng, thụt dầu, bêu tên trước lớp… Con có học kém, đứa trẻ nào chả ham chơi hơn ham học, thầy cô cũng sẽ tận tình kèm cặp, chỉ dẫn thay vì cứ thẳng tay phệt điểm kém. Nhiều cha mẹ còn tự hào: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Lương giáo viên thấp vậy, thầy cô cũng cần phải sống chứ. Nên nhiều thứ bất thường lại thành bình thường ở ta.

“Phí để mắt” vì thế mà thành tục lệ. Đến độ nhiều cha mẹ khi chuyển con từ trường công sang trường tư, môi trường vốn rất gay gắt chuyện biếu xén, bỗng thành “tâm tư” khi thầy cô từ chối nhận phong bì vì sợ bị đuổi việc. Hay nhiều trường tư ban đầu nghiêm khắc lắm nhưng vì quá nhiều cha mẹ “tâm tư” mà cuối cùng “phí để mắt” lại được hồi sinh.

Ở góc độ nhìn thẳng vào thực tế, ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ một số cơ sở đào tạo giáo dục cho trẻ em ở Hà Nội nhìn nhận, hiện nhiều gia đình đang dạy con theo kiểu… thú cưng. “Đó là chúng ta bắt con cá phải biết leo cây và con khỉ phải biết bơi dưới nước. Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì mình cũng muốn, thậm chí bắt con mình làm được điều đó. Thêm nữa, là chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn là căn bệnh trầm kha của xã hội ta. Nhiều cha mẹ coi việc phục vụ hay làm hộ con một cách mù quáng này là một niềm vui hay trách nhiệm hay đơn thuần là sự quan tâm hay bù đắp gì đó.

Nuôi con cho béo mới là khỏe mạnh là một trong những cách tiếp cận dinh dưỡng và giáo dục thể chất sai lầm nhất của các cha mẹ Việt Nam. Trẻ em không cần béo hay thậm chí không được phép béo. Trẻ con cần vận động hơn là cần ăn. Vận động, tôi xin nhấn mạnh, mới là thứ cần nhất cho một đứa trẻ. Cả vận động về cơ bắp và vận động về não bộ. Học giỏi là tốt nhưng chỉ biết học hoặc chỉ biết học giỏi thôi thì... cực xấu. Thành tích, giải thưởng mà trẻ đạt được qua các cuộc đua đường trường và đường dài có một vai trò rất lớn là làm cho cha mẹ thấy tự hào và để khoe, như là một thứ trang sức chính hiệu...”. 

Chính vì thế, nhiều cha mẹ chọn trường cho con không còn là chuyện chọn trường gần nhà hoặc gần chỗ bố mẹ đi làm nữa. Chọn trường cho con nhiều khi chỉ là một chỗ đi vệ sinh sạch sẽ chỉ vì “con em đã từng nhịn đi vệ sinh suốt một năm học trường công do nhà vệ sinh quá bẩn nên em cho con học trường này vì cái WC sạch sẽ”. Chọn trường cho con nhiều khi lại là sự oai oách của cha mẹ khi có con học trường song ngữ quốc tế. Chọn trường cho con bằng nghe ngóng đủ kiểu để chuyển con từ trường công sang trường tư rồi con học được một năm lại chuyển về trường công vì nhiều phụ huynh phản ứng chuyển trường chỉ chú trọng ngoại khoá mà xem nhẹ kiến thức sách giáo khoa….

Công hay tư?

Nguyễn Hương Linh, sinh năm 1988, một bà mẹ khá nổi tiếng với những bài viết gây chú ý với cộng đồng mạng. Cô cho rằng, “Hãy cho con học trường công, đừng sính ngoại, đừng nuông chiều và lười biếng! Khi con bạn học trường công, nó sẽ tập quen với áp lực từ bé: bài vở nhiều, thi đua lắm, tập thể lại đông... Để trở thành nhân tố đầu đàn trong đám tập thể đấy, con bạn chắc chắn phải tự luyện rèn cực kì chăm chỉ, thông minh, kiên nhẫn. Thực tế, những đứa trẻ trong top đầu trường công lập đều là những đứa cực kì bản lĩnh và khôn ngoan. Khi con bạn học trường công, tốc độ hoà nhập tốt tuyệt đối.

Đầu óc trẻ con có năng lực tiếp thu và thích nghi tốt gấp trăm lần người lớn, càng nhỏ lại càng tiếp thu tốt. Chính vì vậy, bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, tôi cho rằng cần cho con học hỏi, tiếp xúc đủ thứ trên đời. Trường công là một môi trường tuyệt vời để con bạn được lăn lộn mài giũa. Đống bài tập có thể nhiều, không sao, hãy dành thời gian làm toán với con, để con học cách suy nghĩ và thói quen kiên nhẫn hàng giờ liền với toán.

Trường công cũng là một nơi tuyệt vời để con bạn học được kỷ luật và nề nếp. Con bạn sẽ được học rằng nó cần nghiêm túc chỉn chu khi lên lớp, mặc áo dài vào thứ 2 để tôn vinh quốc phục, mặc đồ thoải mái vào tiết thể dục và chỉ được mặc áo hai dây khi ở nhà.

Những vấn đề trường công đang gặp phải gồm: thiếu hoạt động kĩ năng mềm, kém trong dạy ngoại ngữ. Nhưng hỡi các bậc bố mẹ, các anh chị định giao toàn bộ 100% việc nuôi dạy con mình cho nhà trường ư?  Thay vì nai lưng ra trả vài trăm triệu một năm cho trường quốc tế (chưa chắc uy tín); bạn hoàn toàn có thể cho con học trường công lập với giá bằng 1/5; số tiền còn lại dùng để đưa con đi du lịch, cho con học đàn, học vẽ, học cảm thụ âm nhạc!”, chia sẻ của Nguyễn Hương Linh đang được nhiều phụ huynh có những phản hồi “nóng”...

Nhà văn Nguyễn Anh Tú bày tỏ: “Thứ tôi mong muốn ở thầy cô không phải là “để mắt” đến con mình mà phải là “để tâm”. Thay vì dùng điểm số để đánh giá năng lực của các con, hãy dùng kỷ niệm để khăng khít cùng các con, dùng sự để tâm đến từng đứa trẻ thay vì chỉ để ý, để mắt. Là tin rằng thầy cô kết nối với các con bằng trái tim chứ không phải và không chỉ bằng khối óc. Khối óc hay ra mệnh lệnh. Trái tim thì không! Trái tim tìm sự đồng thuận. Khối óc đưa ra phép tính thiệt hơn. Trái tim thì không! Trái tim tìm sự đồng điệu. Khối óc đưa ra đúng sai. Trái tim thì không! Trái tim tìm sự đồng lòng…”. Những mong muốn này sẽ được đáp ứng ở trường công hay trường tư thì câu trả lời còn tùy quan niệm của mỗi gia đình.

Đọc thêm