Y học cổ truyền gọi bệnh gút là thống phong do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể gây tắc nghẽn các mạch máu. Từ đó kinh lạc ứ trệ tại các khớp gây đau nhức, sưng tấy. Còn khoa học hiện đại gọi đó là bệnh do axit uric tăng nhanh nhưng cơ thể không đào thải được hoặc chậm.
Bệnh có hai cấp: Cấp tính và mãn tính. Người dễ bị bệnh này nhất là những người uống nhiều bia rượu, ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm khi còn trẻ. Càng lớn tuổi, bệnh càng dễ phát hơn. Hiện việc điều trị bệnh gút rất khó khăn do chưa có thuốc đặc trị.
Đối với trường hợp cấp tính, biểu hiện của bệnh là những cơn đau nhức dữ dội, sưng tấy đột ngột ở các khớp bàn chân, ngón cái. Những cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm. Bệnh kéo dài khoảng tuần lễ rồi “tạm lắng” khiến nhiều người chủ quan.
Bởi vậy khi có những triệu chứng này, cần điều trị ngay để tránh bệnh chuyển sang mãn tính. Về bài thuốc trị chứng bệnh gút, nữ lương y chia sẻ: Dùng 2 lá cây sa kê phơi khô làm chủ đạo, kết hợp thêm cam thảo (5-8g), thạch cao (40g), phòng kỳ (10g), quế chi (4 - 6g), bạch thược, xích thược (12g), dây kim ngân (20g), mộc thông, hải đồng bì (cùng 8g), tri mẫu (12g). Đem sắc bài thuốc mỗi ngày 1 thang để uống.
Trong lúc uống thuốc phải kiêng tránh các loại thực phẩm nhiều đạm, nhất là hải sản, thịt bò. Tốt nhất ăn nhiều rau củ quả nhằm giúp cơ thể đào thải lượng axit uric bên trong cơ thể dễ dàng thông qua đường tiểu tiện.
Theo bà Diệp, sở dĩ cây sa kê có tác dụng đối với bệnh gút bởi giúp lợi tiểu, mát gan. Từ đó máu lưu thông tốt về thận tăng khả năng bài tiết chất độc ra ngoài.
Đối với trường hợp mãn tính thường xuất hiện ở những khớp nhỏ, vừa và đối xứng khi chất độc lan truyền đến các mạch máu nhánh nhỏ. Ở cấp độ này, những cơn đau xuất hiện thường xuyên, kéo dài hơn kèm triệu chứng sốt cao. Các ngón tay, ngón chân bị biến dạng khó cử động. Vành tai mềm, không đau, bên trong xuất hiện chất bột trắng như phấn. Nếu bệnh kéo dài lâu ngày sẽ gây tổn thương đến thận.
Bệnh nhân đến cấp này rất khó điều trị, thời gian điều trị kéo dài. Ta kết hợp lá sa kê khô (3 lá trở lên), ô đầu, tế tân (5g), ý dĩ nhân (20g), xích thược (12g), uy linh tiên (8g), thổ phục linh (10g), tỳ giải (10g), mộc thông (10g), quế chi (4g), đương quy (12g) dùng sắc nước uống. Với cấp bệnh mãn tính, người bệnh bắt buộc phải bỏ hẳn rượu, tránh các thức ăn liên quan đến thịt và rau muống.
Ngoài việc dùng lá, lương y Diệp khuyến khích người bệnh sử dụng trái sa kê nấu canh ăn hằng ngày giúp lợi tiểu. Người bệnh cũng có thể kết hợp với các loại dược liệu thuốc nam như cỏ xước (có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp) và dưa leo (chứa tác dụng thanh nhiệt, giải khát).
Cách dùng thông dụng nhất là nấu trực tiếp quả và lá sa kê tươi, nấu còn khoảng 2 lít để uống cả ngày. Thời gian uống kéo dài khoảng 1 tháng sẽ bắt đầu cho hiệu quả. Hiện chưa thấy có tác dụng phụ. Đó là chưa kể đến lợi ích về mặt kinh tế.
Xa kê, hay sa kê, hoặc cây bánh mì (Artocarpus altilis) là một loài cây gỗ có hoa trong họ Dâu tằm (Moraceae), bản địa của bán đảo Mã Lai và các đảo miền tây Thái Bình Dương, nhưng hiện nay đã được trồng rộng khắp trong khu vực nhiệt đới, trong đó có miền Nam Việt Nam.
Lá Xa kê có tác dụng kháng viêm, kháng sinh, lợi tiểu, trị tiêu chảy, tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận, bệnh gút và viêm gan vàng da. Thí nghiệm trên chuột tại Ấn Độ cho thấy cao khô (chiết bằng cồn 50 độ) của vỏ, lá Xa kê có tác dụng lợi tiểu ở liều 20 mg cao/kg khối lượng cơ thể, nhưng sẽ trở thành chất độc ở liều 80 mg/kg cơ thể. Liều lượng mỗi ngày dùng một lá dạng sắc uống, nhưng do lá có độc nên sau khi uống một tuần thì phải nghỉ một tuần, không được dùng liên tục như uống trà. Có thể dùng lá tươi hoặc là già, lá phơi khô đều được.