Sợ dễ dãi, sợ cả “giấy phép con”
Một lần nữa câu chuyện về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn lại quay trở về vạch xuất phát. Từ đây, dư luận lo lắng, liệu ngành giải trí lại đối mặt với “vàng - thau” lẫn lộn chất lượng nghệ sĩ? Bởi hơn chục năm trở lại đây, làng văn hóa, giải trí Việt chứng kiến không ít scandal của một số người mang danh là nghệ sĩ. Hát nhép, phát ngôn gây sốc, ăn mặc phản cảm, người mẫu đi thi “chui” các cuộc thi sắc đẹp, nhiều đường dây bán dâm tự xưng là hoa hậu, diễn viên, người mẫu đã bị phát hiện…
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, cả nước có khoảng gần 2.000 doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, có khoảng gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu, trong đó có khoảng 1/3 ngoài công lập. Việc ai cũng có thể xưng danh nghệ sĩ dễ dãi ấy khiến những nghệ sĩ chân chính luôn cảm thấy họ bị xúc phạm và làng văn hóa, giải trí Việt thêm bát nháo.
Dư luận mong rằng sớm có thẻ biểu diễn để thanh lọc những ca sĩ, người mẫu, diễn viên, MC không đủ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức. Tuy nhiên, việc bãi bỏ “Thông tư quy định chi tiết việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” khiến nhiều người hoang mang.
Trong buổi họp báo thường kỳ mới đây, ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, người phát ngôn của cơ quan này lý giải việc dừng cấp thẻ là do 15/26 thành viên của Chính phủ đề nghị chưa cấp thẻ hành nghề vào lúc này vì cho rằng qui định cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho các nghệ sĩ thực chất là một dạng “giấy phép con”, không phù hợp với xu hướng cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Lại câu hỏi cũ “thế nào là phản cảm”?
Bên cạnh việc hủy bỏ quy định cấp thẻ thì Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP còn quy định rõ hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành gồm: chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm… có hành động, phát ngôn không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật và vô ý hoặc cố ý phổ biến trên phương tiện truyền thông hoặc ngoài xã hội gây hậu quả xấu.
Tuy nhiên, rất nhiều ca sĩ, người mẫu băn khoăn, thế nào là ăn mặc phản cảm, thế nào là ảnh nude nghệ thuật với ảnh khiêu dâm để họ khi bị xử phạt còn “tâm phục, khẩu phục”? Trả lời vấn đề này, ông Tân cho rằng, ăn mặc phản cảm là trang phục dễ để lộ những bộ phận nhạy cảm, còn phân biệt thế nào là ảnh nuy nghệ thuật với ảnh khiêu dâm đến nay vẫn… còn tranh cãi. Việc “tù mù” này có thể biến thành “cửa” để một số người mẫu, ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình dễ dàng “lách luật”.
Tuy nhiên, để “dẹp loạn”, ông Tân nhấn mạnh: “Không có thẻ hành nghề, chúng ta sẽ tăng cường quản lý bằng vai trò quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân, tỉnh, thành... đứng ra tổ chức những cuộc trình diễn thời trang, thi người đẹp, biểu diễn nghệ thuật... Những cơ quan, đơn vị nào đứng ra tổ chức thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.
Sẽ “lồng” thẻ hành nghề vào Luật Nghệ thuật biểu diễn?
Có vẻ như thấy dư luận chưa yên lòng với việc dừng cấp thẻ do lo “vàng - thau” lẫn lộn nên đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gợi mở, nhiều ý kiến đề xuất nên chăng đưa qui định về thẻ hành nghề vào Luật Nghệ thuật biểu diễn khi trình Quốc hội thông qua. Khi đó, Bộ sẽ một lần nữa trưng cầu ý kiến dư luận, nghệ sĩ, nhà quản lý…
Dự kiến đến tháng 5/2018, Dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến thông qua.