Chia sẻ với PV, anh Tuấn cho biết đến giờ phút này anh vẫn còn hoảng loạn và suy nghĩ rất nhiều về ý thức người tham gia giao thông.
“Theo giới hạn cho phép thì cách chướng ngại vật 800 mét là chúng tôi có thể xử lý an toàn. Từ buồng lái nhìn xuống chúng tôi quan sát tất cả mọi hướng, ở tình huống này tôi đã hết sức để cứu người nhưng với khoảng cách mà người ta cố tình vượt và tôi đã hạ tốc... phía sau tôi còn hàng nghìn người... Tôi đã cố gắng hết sức mình”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo anh Tuấn thì trong vụ tai nạn này đều có đèn tín hiệu cảnh báo, dù hành lang an toàn giao thông cũng khá ổn nhưng tình huống xảy ra ngay trước mặt nên anh cùng các nhân viên khác đều quá bất ngờ nên không thể xử lý tình huống được vì còn có hàng nghìn hành khách trên tàu.
|
Vụ TNGT xảy ra tại lối rẽ vào trại Tạm giam số 2. |
Qua đây, anh Tuấn chia sẻ: “Bất cứ vụ tai nạn nào cũng vậy, đầu tiên là chúng tôi quan tâm việc cứu người. Phía trước đã vậy còn phía sau là hàng nghìn người. Một mạng người lớn lắm, chúng tôi luôn đau đáu và chỉ mong người dân hãy ý thức khi tham gia giao thông”.
Nói về vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, anh Tuấn cho rằng người tham gia giao thông đã cố tình vượt đường tàu nên dẫn đến sự việc đau lòng.
|
Các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, bàn giao tang vật. |
Sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên thăm hỏi các nạn nhân bị thương; Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân công đồng chí Phó Chủ tịch Chuyên trách trực tiếp xuống hiện trường phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn, đồng thời yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng huy động những điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.
2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an và thành phố Hà Nội điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, có biện pháp cảnh giới an toàn cho tất cả các đường ngang kể cả lối đi dân sinh.
3. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt là hành vi phá hoại các công trình bảo vệ an toàn đường sắt để mở đường ngang trái phép qua đường sắt.