Tiếng kêu cứu của người dân bị mất “tấc đất, tấc vàng”
Phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, không ít người dân trên địa bàn xã Tà Năng và xã Đa Quyn cho biết, họ rất cần đất nông nghiệp để canh tác sản xuất, trong khi đó UBND huyện Đức Trọng lại thu hồi đất của người dân để trình cơ quan có thẩm quyền giao miễn phí cho doanh nghiệp làm giàu trên đất của dân nghèo.
Đáng nói, trong quá trình thực hiện thu hồi, UBND huyện chưa phối hợp chặt chẽ với UBND xã Tà Năng, công tác kiểm đếm, đền bù và bồi thường không rõ ràng và minh bạch. Điển hình, như trường hợp của anh Trần Văn Hiếu xã Đa Quyn đã bị thu hồi đất giao cho Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan nhưng anh Hiếu vẫn chưa nhận được bồi thường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn khẳng định, hồ sơ thu hồi đất của gia đình ông Trần Văn Hiếu và một số hộ khác không có ở UBND xã, việc thu hồi do doanh nghiệp và Phòng TN&MT huyện Đức Trọng phối hợp thực hiện nên tôi cũng không nắm được.
Theo anh Trần Văn Hiếu xã Đa Quyn, “Thực tế gia đình vẫn đang sử dụng trên một số thửa đất số 171, 173, tờ bản đồ số 41 để trồng cỏ và trồng cà phê và có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nhưng bỗng nhiên gia đình bị Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan chiếm dụng để sử dụng và cho rằng UBND huyện đã thu hồi và được Nhà nước giao cho Công ty. Khi biết sự việc, tôi có đơn đề nghị UBND xã Tà Năng và UBND huyện Đức Trọng xem xét giải quyết nhưng sau thời gian dài vẫn không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết.
Để sự việc kéo dài, quyền lợi của gia đình anh Trần Văn Hiếu “đánh cắp”, ông Hiếu đã gửi đơn tố cáo ông Võ Văn Phương – Nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng về việc thu hồi đất trái quy định lên UBND tỉnh Lâm Đông. Theo đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho rằng, theo Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan đã thỏa thuận bồi thường với anh Trần Văn Hiếu, tuy nhiên UBND huyện chưa thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng quy định.
Theo kết quả giải quyết tố cáo, anh Trần Văn Hiếu cho rằng không khách quan và chưa đúng sự thật, do vậy anh Trần Văn Hiếu đã có khiếu nại và Thanh tra tỉnh cũng có đề xuất với UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thêm đơn của anh Trần Văn Hiếu để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, khi nhận thấy sự việc của anh Trần Văn Hiếu còn có vấn đề cần làm rõ thêm, Thanh tra tỉnh đã chủ động kiến nghị với UBND tỉnh để xem xét, giải quyết, nhưng do dịch bệnh COVID -19 nên trong tuần tới chúng tôi sẽ kiến nghị giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Anh Trần Văn Hiếu có đơn tố cáo những vi phạm của Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan |
Được biết, người dân bản địa xã Tà Năng và Đa Quyn đã phần là dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế, do vậy việc bám đồng ruộng để trồng trọt, chăn nuôi là công việc chính nên cuộc sống với họ “tấc đất là tấc vàng”. Như vậy, hơn 80 ha đất sản xuất được Nhà nước thu hồi của người dân giao cho doanh nghiệp sử dụng làm giàu, còn người dân nơi đây, vùng kinh tế vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng khó khăn thêm.
Dự án “bình phong” làm giàu cho doanh nghiệp
Năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 209, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò cho Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan, người đại diện pháp luật Công ty là ông Phạm Văn Thực; mục tiêu đầu tư trồng cỏ và chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại xã Tà Năng và xã Đa Quyn (huyên Đức Trọng) với quy mô gần 40 ha, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị. Ngoài ra còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác.
Đến ngày 17/8/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo đó tăng diện tích giao cho Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan lên tới hơn 80 ha để thực hiện dự án cải tạo đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò.
Có thể nói, doanh nghiệp được hưởng lợi vô điều kiện đối với diện tích hơn 80 ha đất sản xuất của người nông dân nghèo với cái mác đầu tư xây dựng kinh tế cho vùng đặc biệt khó khăn, còn Nhà nước thì cũng không có nguồn thu ngân sách.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho hay, “lợi ích của dự án này không mang lại nhiều cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Doanh nghiệp Phượng Đỏ Đà Loan chưa thực hiện dự án đúng nghĩa đề ra, khi được giao đất thì không chấp hành pháp luật trong việc sử dụng đất đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt nhiều lần”.
Năm 2021, Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan cũng đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất với diện tích hơn 3 ha. Công ty cam kết không khai thác khoáng sản trái phép, không vận chuyển đất ra khỏi dự án và không sử dụng vào mục đích khác.
Những vi phạm của doanh nghiệp này liên tiếp bị người dân phản ánh, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và mới đây Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan về hành vi không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung giấy chứng nhận đầu tư.
Thượng tá Lê Thái, Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho rằng, “các Sở chuyên môn, đặc biệt Sở TN&MT cần kiểm tra hậu kiểm và công tác đánh giá hiệu quả đối với dự án này, xem xét hoạt động sử dụng đất của doanh nghiệp không đúng pháp luật và không có hiệu quả cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi”.
Trưởng Công an huyện Đức Trọng Lê Thái cũng thông tin, Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan xin đất để thực hiện dự án cải tạo đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò nhưng thực chất là lợi dụng để khai thác vàng trái phép. Công an huyện cũng đã có nhiều báo cáo, kiến nghị xử lý về những vi phạm trong quá trình hoạt động và sử dụng đất của doanh nghiệp này.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.
Liên quan đến ông Phạm Văn Thực – Giám đốc Công ty TNHH Phượng Đỏ Đà Loan, có con trai là Phạm Văn Phong, sinh năm 1991 cũng vừa bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản là vàng trái phép với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm là 90m3 tương đương với 130 tấn.