Lâm Đồng phấn đấu có ít nhất 250 sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 250 sản phẩm OCOP với 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp quốc gia.
Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 (chương trình OCOP).

Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm OCOP với 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp quốc gia.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; phấn đấu có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 50% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ; có 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu 40% chủ thể OCOP là nữ; 10% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đạt hạng 3 sao trở lên được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; voso.vn và trang thương mại điện tử nông sản tỉnh; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng hướng đến là những sản phẩm hàng hoá và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hoá, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hoá của người dân địa phương.

Để phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng, tỉnh sẽ hỗ trợ sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu; chuẩn hoá quy đình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai chương trình…

Kinh phí thực hiện phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng được huy động ngân sách nhà nước gồm vốn Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; kinh phí thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại. Ngoài ra, còn có vốn hỗ trợ sản xuất của UBND cấp huyện và vốn đối ứng của các chủ thể tham gia chương trình.

Đọc thêm