Lợi ích “kép” từ du lịch đối với công nhân
Người lao động luôn phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc, gia đình, xã hội. Do đó, việc tổ chức các tour du lịch cho công nhân là một trong những chính sách “vàng” được nhiều đơn vị, tổ chức Công đoàn áp dụng nhằm khích lệ tinh thần cho nhân viên. Tuy nhiên, không giống các tour du lịch thông thường, tour du lịch dành cho CBCNVCLĐ có thể quy mô lên tới hàng nghìn người, do đó cần có kế hoạch chỉn chu, chuẩn bị từ sớm để người lao động có một chuyến đi đúng nghĩa vui vẻ, giảm căng thẳng.
Thông thường, các công ty thường lựa chọn du lịch kết hợp Teambuilding và Gala Dinner. Nếu Teambuilding là những hoạt động vui chơi đòi hỏi sự tham gia của tập thể thì Gala Dinner là các hoạt động nhẹ nhàng xung quanh một bữa ăn ấm cúng. Như vậy, việc kết hợp hai hình thức này giúp một chuyến đi không những vui vẻ hơn mà còn có chiều sâu, cảm xúc đối với người tham dự. Những địa điểm được lựa chọn thường có liên quan đến biển như Vũng Tàu, Phan Thiết – Mũi Né, Nha Trang, Vân Đồn, Hạ Long… hoặc đi lễ chùa, vãn cảnh.
Dù chỉ được đi chơi khoảng một hai ngày đến một tuần, hầu hết người lao động luôn mong chờ, háo hức những chuyến du lịch trong năm sau những tháng ngày miệt mài làm việc. Đặc biệt là nhóm người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, xí nghiệp sản xuất, công ty xây dựng…
Đó là thời gian họ được trò chuyện, gặp gỡ, làm quen với nhau trong không gian thoải mái, dễ thở hơn, so với kiểu họp hành, hội nghị nghiêm túc. Các chuyến đi dã ngoại, du lịch cũng giúp các chi nhánh xí nghiệp trong công ty giao lưu, gắn bó, tăng tinh thần đoàn kết. Qua mỗi chuyến đi, người lao động thêm nhiệt huyết với công việc, yên tâm lao động, sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của công ty hơn.
Đáng nói, có những công ty đưa ra những chính sách, chế độ đãi ngộ người lao động rất hậu hĩnh, khiến họ an tâm, tin tưởng. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty không coi trọng những kì nghỉ dành cho người lao động, chỉ chăm chăm tập trung kiếm tiền. Dịp hè là thời gian nhiều công ty tổ chức chương trình nghỉ mát cho nhân viên và gia đình. Dù vậy, không ít trường hợp nhân viên phải “dở khóc dở cười” bởi chuyến du lịch tổ chức bởi công ty của mình.
Có công ty tổ chức cho vài nghìn người lao động đi nghỉ mát tại biển Quảng Ninh trong một ngày nhưng chỉ trả tiền thuê xe, còn tiền phòng, tiền ăn, tiền chơi thì công ty yêu cầu nhân viên tự đóng góp. Những chuyến du lịch hời hợt như vậy chỉ khiến người đi cảm thấy mệt mỏi, “hành xác”, thậm chí cảm thấy không được trân trọng, mất niềm tin.
Trên thực tế, vào các kỳ nghỉ, dịp lễ, lựa chọn hàng đầu của các CBCNVCLĐ vẫn là về quê thăm gia đình hoặc nghỉ ngơi. Do vậy, lãnh đạo tâm lý, thấu hiểu nên đưa ra những chính sách, chế độ đãi ngộ người lao động phù hợp. Các chuyến đi cần được tổ chức hợp lý, phù hợp với thu nhập, nhu cầu giải trí của anh chị em trong công ty.
Ví dụ, bên cạnh các tour dài ngày, một số công ty lựa chọn thường xuyên tổ chức các chuyến đi trong ngày lồng ghép với các chương trình tập huấn, vừa tiết kiệm tiền bạc vừa đạt được nhiều mục tiêu trong một chuyến đi.
Đồng Nai chú trọng xây dựng các gói tour du lịch giá rẻ cho công nhân |
Lên kế hoạch đi chơi: tưởng dễ mà khó
Chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thu Huyền – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết: “Hằng năm, 18 đơn vị trực thuộc của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) tổ chức thường niên 2 kỳ nghỉ cho nhân viên. Một kỳ nghỉ ngắn ngày và một chương trình nghỉ mát dài ngày vào dịp hè cho nhân viên và gia đình tại các khu du lịch, danh thắng trong và ngoài nước. Chế độ nghỉ mát hàng năm được thực hiện linh động, các công đoàn công ty trực thuộc phối hợp tổ chức các tour du lịch tùy thuộc vào đặc thù của từng đơn vị. Các tour được công ty lựa chọn thường là các tour giá rẻ, phù hợp với kinh phí của đơn vị”.
Từ ý kiến trên, có thể thấy việc tổ chức du lịch cho công nhân nếu không được chuẩn bị kĩ lưỡng có thể bị “vỡ kế hoạch”. Từ khi nhận được thông tin công ty cung cấp như dự tính số lượng người, thời gian du lịch, địa điểm mong muốn, dịch vụ cần có… thì người lên kế hoạch phải giải quyết rất nhiều câu hỏi hóc búa. Đơn cử, thời gian nào thuận lợi cho việc đặt các dịch vụ tốt hơn với giá cả hợp lý? Điểm đến nào phù hợp với thời gian du lịch của công ty cũng như các mục đích khác như du lịch kết hợp tập huấn, teambuilding? Công ty tổ chức tour nào có uy tín, chuyên nghiệp và tận tâm đang cung cấp các gói tour ở mức giá phù hợp với ngân sách của công ty? Các kế hoạch phụ trong trường hợp kế hoạch chính không thực hiện được là gì? Dự tính ngân sách và quy trình thanh toán như thế nào? Các hoạt động nào (đốt lửa trại, các trò chơi, giao lưu văn nghệ…) phù hợp với mục đích của chuyến đi, gây sự hào hứng cho người lao động?
Do điều kiện kinh tế của các đoàn thể, công ty khác nhau mà việc tổ chức cho người lao động đi du lịch thường tiêu tốn khoản kinh phí lớn, người tổ chức kế hoạch phải thật sự chú tâm, cẩn thận, chỉn chu trong từng chi tiết. Bởi lẽ, bất cứ lúc nào rủi ro, sai sót cũng có thể xảy ra. Đặc biệt, với các chuyến đi quy mô lớn, ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo 100% người lao động trở về an toàn sau mỗi chuyến đi.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp chọn cách thắt chặt chi tiêu và chỉ tập trung kinh doanh nhằm tăng nguồn thu. Nhiều đơn vị tổ chức cho CBCNVCLĐ theo kiểu “ăn xổi”, làm cho có. Thế nhưng, rõ ràng đây không phải là giải pháp đúng đắn. Chăm lo tới đời sống, đảm bảo các chế độ đãi ngộ cho nhân viên mới chính là sợi chỉ vô hình gắn kết chắc nhất để níu chân người lao động nỗ lực cống hiến, mang lại sự thành đạt cho công ty. Theo đó, việc tổ chức cho công nhân đi du lịch là hoạt động thiết thực, cũng là một trong những chính sách, phúc lợi mà công ty dành cho người lao động nhằm giúp họ tái tạo sức lao động, yên tâm vào lao động, sản xuất.
Nắm được tâm lý này, nhiều cơ quan chức năng tại địa phương, các công ty lữ hành cũng phát triển nhiều gói tour du lịch giá “mềm” phục vụ cộng đồng người lao động. Tỉnh Đồng Nai là một ví dụ. Với lợi thế là một tỉnh có sản xuất công nghiệp phát triển, nhiều công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, Đồng Nai có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái rừng và du lịch văn hóa, lịch sử với các tour ngắn ngày, chi phí phải chăng phục vụ công nhân lao động. Các điểm được ưa chuộng nhất ở Đồng Nai có thể kể đến Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, di tích Trung ương cục miền Nam…
Các hoạt động tham quan Đảo Ó, Nhà máy Thủy điện Trị An, trải nghiệm tắm hồ Trị An, tìm hiểu bản sắc văn hóa của các dân tộc Chơro, Châu Mạ, thưởng thức các đặc sản như: bưởi Tân Triều, cá lăng, cá chình… cũng được người tham quan yêu thích. Với lợi thế các điểm đến tại đây đa dạng mà không quá xa nhau, ngành du lịch tỉnh Đồng Nai từ lâu đã phát triển các tour du lịch ngắn ngày với chi phí thấp để đáp ứng nhu cầu của đối tượng du khách là công nhân, người lao động.
Quả thực, trong những năm gần đây, đối tượng công nhân, lao động, học sinh, sinh viên trở thành mục tiêu trọng điểm của nhiều tỉnh, thành xây dựng những chương trình du lịch kích cầu riêng với giá ưu đãi. Có thể nhận thấy nhiều điểm chung ở những đối tượng này. Họ đều là lực lượng chủ yếu trong xã hội hiện tại hoặc trong tương lai; họ đều có nhu cầu du lịch rất lớn nhưng bị hạn chế về mặt thời gian và kinh tế.
Đặc biệt đối với CBCNVCLĐ, họ còn phải chăm lo gia đình, chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Vì vậy, quyết định đi du lịch để thư giãn tưởng rằng rất dễ dàng với nhiều người nhưng lại là khó khăn đối với những người khác. Do đó, lãnh đạo công ty luôn cần phải nhìn nhận, đánh giá hoàn cảnh, mong muốn của người lao động để đưa ra những chính sách hợp lý. Có rất nhiều cách thức, phương thức để chăm sóc, khích lệ CBCNVCLĐ, mà tổ chức du lịch cho người lao động chỉ là một trong số đó mà thôi.