Làm gì để mọi người đều ý thức chắt chiu sử dụng điện?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được các địa phương, DN, thậm chí từng gia đình thực hiện ráo riết cụ thể hơn nữa. Mục đích không chỉ là bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế; mà còn để ý thức tiết kiệm điện của từng người trở thành một nét văn hóa; để mọi người đều coi điện là tài nguyên quý giá cần chắt chiu sử dụng,..
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số liệu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại một cuộc hội thảo vừa tổ chức, cho thấy tại Việt Nam, việc sử dụng năng lượng còn chưa hiệu quả.

So sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi. Trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD (diễn đàn dành cho các thành viên, hiện là Chính phủ của 38 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới) thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi. Với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

Như vậy, để làm ra 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2 - 3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong thời gian tới.

Bốn tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 tăng 4,26%). Như vậy, 4 tháng qua, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023. Đây là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương nhận định, năm 2024, việc cung ứng điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp; nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu.

Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên. Trong năm 2023 Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Nhiều giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được đưa ra.

Thực tế, tại nhiều địa phương, đã có các giải pháp cụ thể như tập trung tuyên truyền về tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn, hiệu quả; yêu cầu có các biện pháp cụ thể cho từng đối tượng DN, phối hợp chặt chẽ với ngành điện để điều chỉnh phụ tải, hạn chế sử dụng công suất vào giờ cao điểm; xác định lại tổ chức vận hành để bảo đảm cấp điện an toàn ổn định trong tất cả các tình huống, đặc biệt khi xảy ra thiếu điện…

Tại nhiều DN, đã triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện nhưng vẫn bảo đảm an toàn sản xuất như tuyên truyền vận động mọi người tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại các bộ phận; thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng thành các đèn LED tiết kiệm điện, cải tạo hệ thống điều hòa trong phân xưởng, lắp đặt bộ tắt điện tự động, rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất để tiết kiệm điện…

Thực tế trên cho thấy, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được các địa phương, DN, thậm chí từng gia đình thực hiện ráo riết cụ thể hơn nữa. Mục đích không chỉ là bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế; mà còn để ý thức tiết kiệm điện của từng người trở thành một nét văn hóa; để mọi người đều coi điện là tài nguyên quý giá cần chắt chiu sử dụng, chứ không được quan niệm rằng “mình xài thì mình trả tiền” để rồi sử dụng lãng phí vô tội vạ.

Đọc thêm