Làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Các không gian văn hóa chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. (Ảnh minh họa)
Các không gian văn hóa chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. (Ảnh minh họa)

Nhiều khó khăn

Nền công nghiệp văn hóa thành công tại nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ… đã đem lại nguồn lợi thu nhập to lớn và các lợi ích kinh tế - xã hội khác. Theo thống kê của trang europa.eu, trong năm 2018, có 1,2 triệu doanh nghiệp văn hóa ở Liên minh Châu Âu (EU), tạo ra tổng doanh thu 155 tỉ Euro, trong đó hơn 50% số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kiến trúc, thiết kế và nhiếp ảnh.

Ở góc độ toàn cảnh hơn, Bản đồ toàn cầu về công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017 cho biết ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới cho tổng doanh thu đạt tới 2.250 nghìn tỷ USD. Thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2019 cho biết tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đối với tổng doanh thu toàn cầu là khoảng 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.

Trong Quyết định số 1755/QĐ-TTg năm 2016 về việc phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phát triển công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Thủ đô Hà Nội sẽ tiên phong ra một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hoá tại địa phương. Dù nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp văn hóa nhưng lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ ở nước ta.

Những thách thức được kể ra như: Thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp; các mô hình thử nghiệm về không gian sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp chưa được chú trọng; nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa còn mờ nhạt; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hoá chưa hiện đại; thiếu nguồn nhân lực; chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa trong bối cảnh mới…

Đây không chỉ là khó khăn của riêng Hà Nội mà hầu hết tất cả các địa phương trên cả nước đều gặp phải khi phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở nơi mình quản lý.

Thiếu môi trường nuôi dưỡng tài năng

Cũng tại Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh: “Chiến lược văn hóa hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Trong đó, một trong những hành động cần làm ngay là khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng. Từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt trong việc hưởng thụ các sản phẩm văn hóa.

Như vậy, mấu chốt của việc phát triển ngành công nghiệp văn hoá là phải ưu tiên “chất” hơn là “lượng”, tập trung vào những sản phẩm có thể truyền tải và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa vùng miền và cả dân tộc, giúp việc quảng bá hình ảnh đất nước, khai thác kinh tế đạt hiệu quả tối ưu.

Muốn có được điều đó, cốt lõi đến từ con người, hay nói đúng hơn phải có một nguồn nhân lực dồi dào và sáng tạo, được nuôi dưỡng trong môi trường, điều kiện tốt. Nếu nói về mô hình “ươm mầm tài năng”, ngoài các cơ sở đào tạo và kinh doanh hoạt động nghệ thuật truyền thống như nhà trường, nhà hát, bảo tàng…, mô hình không gian văn hóa sáng tạo dù mới xuất hiện nhiều năm nay nhưng đã thu hút, truyền cảm hứng nghệ thuật cho rất nhiều người, trong đó chủ yếu là thế hệ trẻ.

Theo thống kê của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam-Vicas - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2014 tại Việt Nam có khoảng 40 không gian văn hóa sáng tạo thì tới nay con số này lên khoảng gần 200. Tuy nhiên, các không gian này chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Đơn cử, Hà Nội có Phố đi bộ hồ Gươm, Phố sách, Phố bích họa Phùng Hưng, Cà phê thứ bảy, Ơ kìa Hà Nội, Heritage Space…; TP Hồ Chí Minh với: Đường sách, Salon Saigon, A. Farm, Sàn Art Laboratory, Saigon Innovation Hub…; Huế có NewSpace Art Foundation…; Đà Nẵng có Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng DNES…

Nhiều không gian văn hóa sáng tạo được dẫn dắt và quản lý bởi nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa – nghệ thuật, vừa tìm kiếm và nuôi dưỡng những tài năng.

Các nhà nghiên cứu đánh giá sự hiện diện của các không gian văn hóa sáng tạo góp phần tạo nên “sức sống” cho các đô thị, giúp xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái lành mạnh cho việc sáng tạo ở Việt Nam. Dù vậy, các không gian văn hóa này vẫn chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhất là về mặt chính sách.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các không gian văn hóa này cũng phải “loay hoay” tìm đường số hóa. Tuy nhiên, áp lực này chỉ chủ yếu đặt lên “vai” một số cá nhân nghệ sĩ và người làm sáng tạo.

Thiết nghĩ, để đạt được các mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển văn hóa Việt Nam bối cảnh mới, tài năng và sự sáng tạo chính là “mắt xích” quan trọng nhất. Tuy nhiên, những tài năng này sẽ không thể được khám phá và nuôi dưỡng nếu thiếu đi môi trường và các điều kiện phát triển khác.

Đọc thêm