Làm nhà chờ đền bù trên dự án cao tốc: Chuyên gia pháp lý cảnh báo người dân “tiền mất, tật mang”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kể từ khi đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị được cắm mốc xác định hướng tuyến, nghĩ sẽ được nhận nhiều tiền đền bù hơn khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhiều công trình nhà cửa đã ồ ạt được người dân đua nhau xây lên. Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý cảnh báo người dân không nên làm như vậy nếu không muốn “tiền mật, tật mang”.
Hàng loạt công trình được xây dựng ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chờ đền bù.
Hàng loạt công trình được xây dựng ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chờ đền bù.

Sẽ không được bồi thường

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho biết: Theo Điều 67 Luật Đất đai 2013, trước 90 ngày thu hồi đất nông nghiệp và 180 ngày thu hồi đất phi nông nghiệp, UBND tỉnh, UBND cấp huyện ra thông báo về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất. Tiếp theo, UBND xã phối hợp với đơn vị làm nhiệm vụ GPMB đo đạc, kiểm đếm, thống kê tài sản trên diện tích đất thu hồi để cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Điều 69 Luật Đất đai. Khối lượng, số lượng tài sản trên đất được bồi thường được xác định khi thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm.

Cũng theo Luật sư Tuấn, theo Điều 69 Luật Đất đai, UBND tỉnh, UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi đất cùng một ngày với ngày ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày. Kể từ ngày người sử dụng đất nhận được quyết định thu hồi đất, người sử dụng đất không còn quyền sử dụng diện tích đất bị thu hồi.

Sau khi đo đạc kiểm đếm, người sử dụng đất tiếp tục xây dựng nhà cửa, trồng cây số tài sản này sẽ không được bồi thường vì không còn quyền sử dụng đất. Còn sau khi nhận quyết định thu hồi đất, nếu người sử dụng đất tiếp tục sử dụng đất là vi phạm pháp luật đất đai, bị xử phạt theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về hành vi “Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép”, UBND cấp xã, phường có trách nhiệm lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng Phòng Tranh tụng Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc người dân ồ ạt xây dựng công trình trái phép để đón đền bù là sự việc đáng báo động. Tuy nhiên, ở khía cạnh pháp lý, việc xử lý các hành vi này chưa được quy định một cách rõ ràng cụ thể.

Theo Luật sư Hùng, thực tế cho thấy, diện tích đất được thu hồi thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam kéo dài và phần lớn nằm trên phần đất có mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Việc các hộ gia đình xây dựng công trình nhà ở trên diện tích đất trên được xác định là xây dựng nhà ở trái phép với mục đích sử dụng đất. Do đó trong trường này, cần phải áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, buộc khắc phục hậu quả theo Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt khi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp trái phép theo khu vực.

“Trong trường hợp xác định việc xây dựng công trình để “đón đầu” chờ đền bù như các hộ dân trên tuyến đường cao tốc Bắc – Nam như trên thì sẽ không nhận được đền bù bởi theo quy định tại Điều 92 Luật Đất đai 2013 “Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất” - Luật sư Hùng cảnh báo.

Cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

Theo Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), chế tài xử lý theo quy định pháp luật đã có, mặc dù số tiền xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hộ dân vi phạm xây dựng trên đất dự án sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng, dừng thi công và trả lại mặt bằng, còn khi người dân xây dựng công trình trái phép như xây dựng trên đất trồng cây công nghiệp, rừng sản xuất để đón đền bù thì sẽ bị xử lý vì những hành vi này vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Căn cứ tính chất, mức độ, diện tích xây dựng, người dân có thể bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo khoản 3 Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (đã được Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/01/2022 sửa đổi, bổ sung). “Các hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp sẽ không được bồi thường vì hành vi xây dựng của họ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, Luật sư Từ nhấn mạnh.

Về vấn đề giải pháp, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam được xem là dự án lớn, trọng điểm quốc gia, có tính chất chiến lược với diện tích kéo dài. Do đó, để ngăn chặn việc người dân xây dựng công trình trái phép chờ đền bù, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị quản lý khác đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, cũng như xác định hiện trạng nhà đất khi có quyết định thu hồi và khi thực hiện đền bù.

Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định của pháp luật về việc đền bù GPMB, giải thích rõ việc xây dựng nhà trái phép không những không được đền bù mà còn mất tiền oan. Đồng thời chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp, kịp thời giám sát xử lý lập biên bản yêu cầu dừng các hoạt động xây dựng công trình, nhà ở trái phép. Hoặc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với những gia đình cố tình sai phạm.

“Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý về quy hoạch trật tự xây dựng. Kịp thời, nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xây dựng xây dựng công trình trái phép để đón đầu chờ đền bù. Giao và gắn trách nhiệm đối với bí thư, chủ tịch các địa phương, nếu để xảy vi phạm hay phát sinh vi phạm thì sẽ bị xử lý, kỷ luật”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Luật sư Từ lưu ý, đối với người dân xây dựng công trình như xây nhà hay trồng nhiều loại cây để chờ đền bù khi dự án đi qua là hành vi vi phạm các quy định pháp luật, xâm phạm chế độ quản lý nhà nước đối với đất đai, vi phạm các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án… Vấn đề này từ trước đến nay vẫn là vấn đề nóng, phức tạp, có liên quan đến nhiều khía cạnh về kinh tế, xã hội, pháp luật, quản lý nhà nước, nên cần thiết phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Cũng theo Luật sư Từ, trong trường hợp để xảy ra tình trạng người dân ồ ạt xây dựng các công trình trái phép, thậm chí trồng nhiều loại cây để chờ… đền bù thì trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính quyền địa phương do công tác quản lý đất đai tại nơi có dự án còn lỏng lẻo, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là trong công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, công tác xử lý các hành vi phạm pháp luật còn “nhẹ tay”.

Khi được hỏi biện pháp ngăn chặn vấn đề này, Luật sưu Từ nêu quan điểm: để xử lý, ngăn chặn việc người dân xây dựng công trình trái phép để chờ đền bù thì chính quyền địa phương phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng mang tính bản chất là cần làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền cho người dân địa phương phải tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời cần kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải liên quan đến diện tích đất bị thu hồi.

Đọc thêm