Làm Quốc lộ 13C qua Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai: Đề xuất bị giới chuyên gia phản đối quyết liệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Bình Phước vừa đề xuất xây cầu Mã Đà và mở QL13C kết nối với Đồng Nai xuyên qua vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và UBND tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng phản đối đề xuất này.
Kiểm lâm khu bảo tồn Đồng Nai tuần tra, bảo vệ rừng.
Kiểm lâm khu bảo tồn Đồng Nai tuần tra, bảo vệ rừng.

Các loài sinh vật quý hiếm nguy cơ tuyệt chủng

Vào đầu thập niên 1990, khi rừng tự nhiên bị phá ồ ạt để lấy đất sản xuất, Đồng Nai đã sớm có chủ trương “đóng cửa rừng” tự nhiên, chuyển nhiều diện tích rừng đã được qui hoạch rừng sản xuất trở lại rừng đặc dụng đầu nguồn để khoanh nuôi, bảo vệ; nhờ đó đã góp phần hình thành nên Khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2011.

Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam đã có nhiều tuyến đường bộ đi qua vườn quốc gia, khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên; nên việc làm cầu Mã Đà và đường nối Bình Phước với Đồng Nai đi qua vùng lõi KBT không ảnh hưởng gì?

Nhưng theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, các con đường xuyên qua rừng đều có tác động đến môi trường tự nhiên, tính đa dạng sinh học, tạo ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; nhưng khác nhau về mức độ tác động, phương án chọn và tính ưu tiên trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; và quan trọng nhất là ý nghĩa sinh thái chính trị. Đường Hồ Chí Minh dài hàng ngàn km chạy các khu rừng đặc dụng, các vườn quốc gia có nhiều loài sinh vật quý hiếm. Nhưng đây là con đường có ý nghĩa đặc biệt.

Đường cao tốc đi qua Vườn Quốc gia Bạch Mã dài khoảng 11km và hướng tuyến lựa chọn là bắt buộc, đạt được tiêu chí hiệu quả kinh tế, kỹ thuật do các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường, điều kiện mặt cắt ngang hẹp của địa hình miền Trung.

Nhưng với đề xuất đường qua KBT Đồng Nai thì khác. Hiện nhóm thú lớn ở KBT Đồng Nai chịu tác động nặng nề nhất của việc mở QL13C là quần thể voi châu Á (khoảng 20 con) và bò rừng (200 con) có phạm vi hoạt động rất rộng, di chuyển tìm kiếm thức ăn liên tục. Nếu xây dựng hệ thống hàng rào chắn 2 bên đường không thích hợp cho đời sống hoang dã, khi 2 loài này đang có sức khỏe sinh sản tốt, những tập tính di chuyển kiếm ăn của chúng hình thành như một phản xạ tự nhiên rất khó thay đổi. Việc xây cầu cạn giao thông trên cao để các loài thú đi lại bên dưới cũng không khả thi, vì chỉ thích hợp du lịch sinh thái, không phù hợp phát triển giao thông liên tỉnh.

Ngoài ra, không tránh khỏi việc xây dựng các công trình dân sinh, dịch vụ xã hội 2 bên đường, tạo ra sự xung đột khó giải quyết, sức khỏe hệ sinh thái sẽ suy giảm; đẩy các loài sinh vật quý hiếm đến bờ vực tuyệt chủng.

Vướng hàng loạt quy định pháp luật

KBT Đồng Nai thuộc nhóm di sản về đa dạng sinh học cao, di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi. Đồng thời, các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn, dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên di sản phải được duy trì, phát triển, sử dụng bền vững. Các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái... phải tuân thủ quy định của các điều ước quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết. Do đó, KBT Đồng Nai không đồng ý mở QL 13C nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu D.

Khu bảo tồn Đồng Nai là nơi cư trú của nhiều động vật hoang dã, quý hiếm.

Khu bảo tồn Đồng Nai là nơi cư trú của nhiều động vật hoang dã, quý hiếm.

GS Hoàng Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đất ngập nước Việt Nam nêu quan điểm: Đề xuất mở QL13C qua KBT là vi phạm Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... Đồng thời, vi phạm các cam kết quốc tế, Khu dự trữ sinh quyển thế giới có thể sẽ bị UNESCO rút danh hiệu. QL13C nếu được thực hiện 4 làn đường thì ít nhất là 24m ngang x 40km, diện tích trên 50ha. Theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50ha ở vùng lõi cần phải được Quốc hội thông qua. Việc xây dựng QL13C đi qua vùng lõi KBT Đồng Nai cũng sẽ làm mất diện tích rừng và phân mảnh cực lớn, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các loài, đặc biệt các loài quý hiếm trong Sách Đỏ…

Theo Tổ chức UNESCO, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, giám sát giảm thiểu tối đa tác động của con người và trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái chỉ được lập đường mòn, đường bộ; nên việc xây dựng QL13C là vi phạm. Chưa hết, hiện KBT Đồng Nai đang đề cử hồ sơ Ramsar và AHP, nếu tuyến đường được xây dựng sẽ ảnh hưởng đến quá trình công nhận 2 danh hiệu quốc tế này.

Ông Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cho biết: Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai không phải lần đầu tiên tỏ rõ chính kiến không đồng thuận với đề nghị của Bình Phước về xây dựng tuyến đường từ Đồng Phú đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng thuộc KBT Đồng Nai. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các thế hệ lãnh đạo, quản lý và lực lượng kiểm lâm, nhân dân trong tỉnh, nhất là khu vực chiến khu D - Mã Đà (vùng lõi KBT Đồng Nai) đã thể hiện rõ trách nhiệm; kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ gìn toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng trên địa bàn.

Ngày 22/4/2022, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã chủ trì cuộc họp với nhiều bộ và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương. Ông Tuấn kết luận: “Thủ tướng Chính phủ rất mong muốn có tuyến đường nối từ Bình Phước xuống sân bay Long Thành nhưng phía Bộ thừa nhận phương án 1 theo hướng tuyến QL13C đang vướng rất nhiều quy định của pháp luật và công ước quốc tế; các phương án 2, 3.1, 3.2 cần tiếp tục nghiên cứu, có đánh giá cụ thể hơn; rà lại quy hoạch giao thông của Bình Dương và Bình Phước để có hướng tuyến cho phù hợp (không đi qua KBT Đồng Nai). Bộ GTVT sẽ tổ chức khảo sát thực tế để thống nhất hướng tuyến, nguồn vốn, hình thức đầu tư.

Đọc thêm