Làm thế nào để "trả lại giới tính cho em"?

Hai em bé mơ hồ giới tính, gồm một em hơn 3 tuổi và một em 6 tuổi, vừa được Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp “giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính”. Sau khi được trở lại giới tính thật của mình, vấn đề tiếp theo là các thủ tục “cải chính” cho các em về mặt xã hội...

Hai em bé mơ hồ giới tính, gồm một em hơn 3 tuổi và một em 6 tuổi, vừa được Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp “giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính”. Sau khi được trở lại giới tính thật của mình, vấn đề tiếp theo là các thủ tục “cải chính” cho các em về mặt xã hội, cụ thể là cấp lại giấy khai sinh.

Ảnh minh họa

“Đầu đã xuôi”

Theo đó, lúc bé N.H.B.M chào đời tại một bệnh viện ở TP.HCM vào tháng 2/2010 được gia đình đón nhận bé như một bé trai. Bé sinh ra có bộ phận sinh dục của bé trai, gồm dương vật to và hai bìu (sau mới được phát hiện không có tinh hoàn mà có bộ phận sinh dục bên trong là nữ, như có tử cung, buồng trứng, âm đạo, có âm vật nhưng phì đại giống dương vật, hai bìu thực ra lại là hai âm môi lớn của bé - những biểu hiện của bệnh lý tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh). Khi bé M được hơn 3 tuổi, người nhà mới nhận thấy vị trí lỗ tiểu của bé bất thường nên đã đưa bé M đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám.

Tương tự là bé 6 tuổi ở Đắk Lắk. Bé cũng được ghi giới tính là nam trong giấy khai sinh do có bộ phận sinh dục ngoài nhìn như con trai. Trong suốt 6 năm qua, cha mẹ bé cho con ăn mặc như con trai nhưng bé lại có biểu hiện về tính nết giống với con gái nên gia đình thấy nghi ngờ và đưa đi khám.

Bác sĩ đã cho các bé làm xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính và kết quả giới tính của các bé là nữ, đồng thời tư vấn cho gia đình về những trường hợp mơ hồ giới tính cũng như chỉ ra hướng giải quyết cụ thể. Sau đó, gia đình hai bé đồng ý hợp tác với bệnh viện để tiến hành điều trị cho bé trở về hình dáng bên ngoài là bé gái.

Gần đây, Bộ Y tế đã có quyết định cho phép 3 bệnh viện được can thiệp và cấp xác nhận lại giới tính cho những người bị mơ hồ giới tính do tật bẩm sinh từ ngày 1/7, gồm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (cùng ở Hà Nội). Trên cơ sở này, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiến hành cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính cho hai bé trên. Như vậy, đây là hai trường hợp mơ hồ giới tính đầu tiên ở các tỉnh phía Nam được cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính.

“Đuôi sẽ lọt”

Theo quy định hiện hành, đối với những trường hợp xác định lại giới tính khi cá nhân có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác thì được thay đổi, cải chính hộ tịch. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch có trách nhiệm căn cứ giấy chứng nhận y tế do cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp để giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đó.

Về thủ tục đăng ký, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, đối với trường hợp xác định lại giới tính, thì văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính, ở đây là giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính, chính là căn cứ cho việc xác định lại giới tính. Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch phải nộp tờ khai, xuất trình bản chính giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

Trong trường hợp của hai bé trên (dưới 9 tuổi), việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Các bé sẽ được cấp một bản chính quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính. Nội dung và căn cứ thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính sẽ được ghi chú vào cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính giấy khai sinh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc xác định lại giới tính được ghi chú vào mặt sau của bản chính giấy khai sinh có thể sẽ gây bất tiện cho cuộc sống sau này của các bé. Nếu điều đó xảy ra thì cha, mẹ hoặc người giám hộ hoặc bản thân các bé (khi lớn lên) có thể căn cứ vào khoản 1 Điều 62 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch để yêu cầu cấp lại bản chính giấy khai sinh.

Cụ thể, trong trường hợp bản chính giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính giấy khai sinh.

Hoàng Thư 

Đọc thêm