Còn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu
Báo cáo một năm triển khai Chỉ thị 15/CT-TTg, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Lâm cho biết, tổ chức, bộ máy làm công tác kiểm soát TTHC cơ bản đã được kiện toàn, từ Phòng Kiểm soát TTHC đến cán bộ, công chức đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC. Ngoài ra, việc hoàn thành phương án thực thi đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết cũng đạt tỷ lệ cao (87,7%).
Việc tham gia thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC bước đầu đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; một số lượng lớn TTHC đã được công bố công khai, nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia (8.640 TTHC). Việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC tiếp tục được quan tâm, chú trọng (đã hoàn thành xử lý 1.043 phản ánh, kiến nghị).
Ghi nhận và biểu dương những kết quả trên đây nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng chỉ ra, so với yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, công tác kiểm soát TTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số Bộ, ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức đối với công tác này.
Việc công bố TTHC tại nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chậm, việc niêm yết công khai ở một số cơ quan chưa đầy đủ, chưa đạt yêu cầu. “Kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn nhiều hồ sơ quá hạn, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC chưa được cải thiện, nhiều trường hợp bị dư luận xã hội, báo chí phản ánh” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng thẳng thắn nói.
Vì vậy, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ tới đây cần tiến hành để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Đáng chú ý hàng đầu là phải quán triệt nội dung, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại đơn vị mình và chủ động tham mưu cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai công tác này một cách hiệu quả tại Bộ, ngành, địa phương mình.
“Đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc thực hiện TTHC và cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh.
Cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong công tác kiểm soát TTHC
Tại Hội nghị, cơ bản đồng tình với báo cáo và thống nhất quán triệt những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp, các đại biểu cũng cùng nhau tìm ra nguyên nhân của các hạn chế để có giải pháp khắc phục phù hợp.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Lài, nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế là do nhận thức của một bộ phận công chức chưa đầy đủ, đồng đều, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC dẫn đến việc chưa tập trung tham mưu để chỉ đạo, tổ chức và triển khai kịp thời, đầy đủ công tác này tại cơ quan, đơn vị; có cán bộ lãnh đạo còn cho đây là lĩnh vực riêng biệt của công chức chuyên trách.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Bích Tần chia sẻ, đánh giá TTHC là việc khó nên nhiều cơ quan “ngại” thực hiện. Bởi thế, bà Tần đề xuất, người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải quyết tâm vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kiểm soát TTHC thì cần nâng cao chất lượng tham mưu, đồng thời Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và UBND tỉnh phải tăng cường cơ chế phối hợp.
Cho rằng con người là vấn đề cực kỳ quan trọng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh Văn Đình Minh kiến nghị cần lựa chọn cán bộ có phẩm chất, trình độ để giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp một cách chính xác, nhanh chóng.
Còn Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Phan Thị Bình Thuận mong muốn Bộ Tư pháp sớm có hướng dẫn thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định đối với quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời loại bỏ các TTHC không hợp lý, không cần thiết, không hiệu quả ngay từ khâu dự thảo.
Đặc biệt, để thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, theo bà Thuận, nên có thêm hình thức trong thực hiện TTHC như nộp hồ sơ qua đường bưu điện, bên cạnh hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại các cơ quan hành chính nhà nước.