Lỗ hổng pháp lý hay lý do nào khác?
Chùa Bồ Đề nuôi dưỡng nhiều đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi. Và cả câu chuyện“cho nhận con nuôi” tại chùa Bồ Đề không phải sau khi truyền thông đề cập mới được chú ý. Vậy thì vai trò của chính quyền và cơ quan chức năng ở đâu mà khiến cho sự việc ở chùa Bồ Đề bị “đẩy xa” đến vậy?
Trả lời câu hỏi, Th.s Tô Đức- Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2013- 2014 đã nhiều lần tiến hành các đợt thanh, kiểm tra việc chùa Bồ Đề nuôi dưỡng trẻ em và người già. Cụ thể, sau đợt thanh, kiểm tra trong năm 2013, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn yêu cầu chùa Bồ Đề dừng ngay việc tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội. Lý do là hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng diện bảo trợ xã hội tại chùa không đúng quy định pháp luật (chưa có quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội) và điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh, diện tích phòng ở không đảm bảo.
“Chúng tôi đã yêu cầu nhà chùa bắt đầu từ thời điểm đó nếu như phát hiện trường hợp trẻ bị bỏ rơi mới thì không được tiếp nhận nuôi dưỡng tại chùa nữa mà phải phối hợp với chính quyền tìm kiếm người thân của đứa trẻ, hoặc phương pháp chăm sóc thay thế chuyển vào Trung tâm Bảo trợ xã hội” – ông Tô Đức cho biết.
Ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội. |
Tuy nhiên, theo chia sẻ, các đợt thanh, kiểm tra đều nằm trong các đợt kiểm tra định kỳ thông thường. Phải đến trung tuần tháng 7, khi một loạt bài báo thể hiện sự nghi vấn về các vụ “cho nhận con nuôi” mờ ám ở chùa Bồ Đề thì cuộc họp liên ngành bao gồm các cơ quan liên quan như chính quyền, bảo trợ xã hội, mặt trận, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (Unicef)… mới diễn ra để bàn giải pháp xử lý, chấn chỉnh.
“Phải chăng đang tồn tại một lỗ hổng pháp lý hay một lý do nào khác khiến cho sự việc không được quan tâm và giải quyết rốt ráo ngay từ đầu?”. Trả lời câu hỏi của PV, ông Tô Đức cho biết, không chỉ chính quyền quận Long Biên mà rất nhiều địa phương khác có các cơ sở tôn giáo nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội cũng gặp vướng mắc khi tiến hành thanh, kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
“Vì thứ nhất là yếu tố tôn giáo cũng khiến anh em cán bộ e ngại, tiếp đến ý thức tuân thủ pháp luật của những người trong tổ chức tôn giáo cũng còn nhiều hạn chế. Thế nên, đối diện với những vấn đề chưa chuẩn hoặc sai phạm, phương pháp chủ yếu của chính quyền, cơ quan chức năng là vận động. Mà vận động là đồng nghĩa với thiếu sự quyết liệt và luôn đi kèm độ trễ về thời gian chấp hành” - theo ông Tô Đức.
Cửa Phật từ bi nhưng cũng cần sự tạo điều kiện từ Nhà nước
Việc các cơ sở tôn giáo nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội là xuất phát từ phát tâm từ thiện của các tu sĩ. Tuy nhiên, có vẻ như sự e ngại dẫn đến thiếu theo sát, định hướng, giúp đỡ từ chính quyền, cơ quan chức năng cũng như từ các quy định chính sách pháp luật vẫn còn thiếu cụ thể đã khiến cho việc làm nhân đạo mang tính tự phát này trở nên phạm luật. Nói về sự e ngại khi làm việc với các cơ sở tôn giáo, ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Tuyên giáo Chính phủ cho biết: “Chính quyền địa phương không có gì phải ngại khi làm việc với các cơ sở tôn giáo và các nhà tu hành. Việc chính của cơ quan quản lý nhà nước là tổ chức và giúp đỡ sao cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo chính sách, pháp luật của Nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội thì tại sao lại nói là ngại”.
Xét ở một khía cạnh khác, Điều 33 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo hỗ trợ phát triển các hình thức mở trường, lớp nhà trẻ, mẫu giáo, tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật… tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật”.
Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu nói rằng, chùa không được phép nuôi dưỡng các cháu cũng không có văn bản nào của Nhà nước quy định. Nhà nước cũng khuyến khích các tôn giáo làm từ thiện, nhân đạo cho xã hội. Vì thế, nên có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các tôn giáo, trong đó có Phật giáo để chúng tôi thực hiện”.
Đồng quan điểm, Giáo sư Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, mô hình nuôi dưỡng trẻ như hiện nay phản ánh nỗ lực rất lớn của các tôn giáo, nhưng về phương diện quản lý, nó như một “chiếc áo quá khổ” và từ đó phát đi một thông điệp xã hội rằng, Nhà nước cần phải suy nghĩ và có chính sách thích ứng hơn để giải quyết vấn đề này.