Tổ ấm nơi cửa thiền

(PLO) - Các em đến với cửa Phật mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, em thì bị cho vào túi treo lên cổng, em thì bị cho vào thùng xốp… Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng các sư thầy vẫn cố gắng tạo cho các em một tổ ấm nơi cửa thiền.
Tổ ấm nơi cửa thiền

Sư thầy làm ruộng để nuôi trẻ

Chùa Mạc Thượng (thuộc xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là một trong những ngôi chùa đang cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Khi chúng tôi đến, sư thầy Thích Đàm Quyết – trụ trì chùa Mạc Thượng  tay bế, tay bồng hai đứa bé đang khóc nức nở vì thiếu vòng tay ấm êm của người mẹ. Gần 5 năm kể từ ngày sư thầy Thích Đàm Quyết cưu mang đứa trẻ đầu tiên, cho tới nay đã có 10 cháu bé được chùa Mạc Thượng cùng các phật tử nuôi dưỡng. 
Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng sư thầy vẫn cố gắng xoay xở, bù đắp, đong đầy hạnh phúc cho các bé nơi cửa thiền. Mười số phận đến với chùa Mạc Thượng thì có tới 9 em bị cha mẹ vứt bỏ khi vừa mới lọt lòng. Các em đến với cửa Phật mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, em thì bị cho vào túi treo lên cổng, em thì bị cho vào thùng xốp… 
Nhắc đến những lùm xùm liên quan đến chùa Bồ Đề, nén lại cảm xúc, sư thầy bộc bạch: “Đúng là từ hôm chùa Bồ Đề xảy ra chuyện, tôi không sao yên giấc, vừa lo cho các cháu ở chùa Bồ Đề và lại càng lo hơn cho những đứa trẻ của tôi. Không biết rồi các cháu của tôi có bị đưa đi đâu không. Cửa Phật vốn là chốn thanh tịnh, nơi tồn tại bởi niềm tin và sự kính trọng của con người đối với đạo đức của Phật môn. Thế mà, sự việc chỉ xảy ra ở Bồ Đề nhưng cũng khiến chúng tôi, những người đã chọn kiếp tu hành phải vấn vương với nỗi sầu nhân thế”.
Kể về các bé đang được nuôi ở chùa Mạc Thượng, sư thầy vẫn nhớ rõ trường hợp của từng em: “Đứa trẻ đầu tiên đến cửa chùa là ngày 25/9/2009, nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa nhưng khi tôi đi ra, chỉ thấy một cái làn đi chợ được che khăn kín mít. Một bé gái mới sinh người ướt đẫm, tím tái, đang thoi thóp dưới tấm khăn. Tôi vội vàng đưa bé đến bệnh viện, sau đó làm thủ tục với chính quyền địa phương nhận nuôi bé. Cháu  được đặt tên là Phạm Ngô Quyết Trí, họ Phạm là do thầy đặt, còn họ Ngô là do mẹ cháu bé viết thư để lại trong làn”.
Chưa đầy một tuần sau, sư thầy Thích Đàm Quyết lại đón nhận thêm một bé trai thứ hai trong một tình huống dở khóc, dở cười. Theo lời kể của sư thầy, một buổi trưa nắng tháng 9, có hai vợ chồng đi ô tô đến chùa mang theo một bé trai còn đỏ hỏn. Họ nói với sư thầy đi làm lễ đầy tháng cho cháu nhưng lại không mang theo đồ lễ. Lấy lý do đi mua đồ lễ, họ gửi đứa bé cho sư thầy, rồi “một đi không trở lại”. Vậy là, sư thầy lại cưu mang và đặt tên bé là Phạm Quyết Trung.
Sau đó, lần lượt các bé khác được sư thầy nhận nuôi, tất cả đều trong hoàn cảnh bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Có bé khi tới nhà chùa còn chưa được cắt rốn, phải nhờ y tế xã tới giúp. Bé gần đây nhất được sư thầy nhận cả mẹ và con vào nuôi. Đó là số phận của một thiếu nữ lỡ bước, không biết bấu víu vào ai, đến xin trú chân và sinh nở tại chùa. 
Từ khi gặp duyên kỳ ngộ với những đứa trẻ, sư thầy Thích Đàm Quyết còn phải lo thêm cơm áo cho gần chục miệng ăn. Sư thầy đã xin những thửa ruộng bỏ hoang của người dân rồi nhờ các tín đồ phật tử cùng mình trồng lúa, cải tạo diện tích đất vườn để trồng rau, chăn nuôi làm nguồn thức ăn cho các cháu. Tuy vất vả và cực nhọc nhưng thầy vẫn cố gắng lo cho các em từ chiếc tã lót, những bộ quần áo rồi cho các em ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài giờ tụng kinh niệm Phật, thầy còn giữ thêm vai trò làm cha, làm mẹ. Phật pháp từ bi, dù thiếu thốn nhưng dưới sự chăm sóc tận tình của sư thầy, các bé dần lớn lên rất kháu khỉnh, khỏe mạnh và rất ngoan.
“Người mẹ” áo nâu sòng 
Chùa Mía (Sơn Tây, Hà Nội) cũng đang là ngôi nhà chung của 7 em nhỏ bị bỏ rơi, được sư thầy Thích Đàm Thanh đưa về chăm sóc. Bước vào sân trước, chúng tôi nghe tiếng gọi mẹ thân thương trong gian chái vọng ra. Hỏi mới biết, những đứa trẻ nơi đây luôn gọi sư thầy Thích Đàm Thanh là mẹ, bởi sư thầy thật sự là một người mẹ đã tái sinh ra cuộc đời các em.
Sư thầy Thích Đàm Thanh ở chùa Mía đưa 7 đứa trẻ của mình đi học.
Sư thầy Thích Đàm Thanh ở chùa Mía đưa 7 đứa trẻ của mình đi học. 
Kể về những đứa trẻ nơi đây, sư thầy Thích Đàm Thanh cho biết: “Mỗi cháu đến đây với cửa Phật có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng các cháu đều bị cha mẹ bỏ rơi.  Ban đầu tôi chỉ nhận nuôi được 5 cháu, vì điều kiện của chùa không thể chăm sóc nhiều cháu hơn nữa. Nhưng có lẽ vì chữ duyên mà Đức Phật dạy, tôi đã quyết định nhận nuôi thêm 2 cháu nữa. Cũng may là các cháu rất chăm ngoan, biết đùm bọc, yêu thương lẫn nhau nên tôi đỡ vất vả hơn. Hiện tại trong chùa có 7 cháu, cháu lớn nhất đang học lớp 5, mấy cháu bé thì học tại một trường mầm non trên địa bàn”.
Chia sẻ về việc nuôi dạy các em nhỏ, sư thầy Thích Đàm Thanh cho biết: “Trước mắt, tôi cùng phật tử trong chùa sẽ tập trung cho việc nuôi dạy, giáo dục nhân cách cho các cháu. Còn định hướng tương lai, tôi luôn tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi cháu. Miễn sao các cháu đều khôn lớn, trưởng thành, trở thành những con người sống có ích cho xã hội”.
Ở đời, nơi nào có tình yêu thương thì nơi đó có sự tỏa sáng. Dưới mái chùa Mạc Thượng, chùa Mía và rất nhiều các ngôi chùa khác đang cưu mang những số phận con trẻ mỏng manh, ngày qua ngày sẽ luôn lấp lánh tình yêu thương.

Đọc thêm