Khoảng 9h, phiên xử bắt đầu. Theo quan sát, có khoảng 10 cơ quan thông tấn báo chí đến tham dự, đưa tin. Dù vụ án được đưa ra xét xử công khai nhưng người thân, quen và người quan tâm đến vụ án không được phép vào bên trong tòa. Chỉ những người có giấy triệu tập, làm nhiệm vụ mới được vào phòng xử.
Thư ký tòa cho hay theo danh sách trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngoài ông Liêm là bị cáo, 5 luật sư bào chữa thì có đến 16 người là nguyên đơn dân sự, người liên quan và người làm chứng được triệu tập. Tuy nhiên, tại phiên xử, cả 5 luật sư đều vắng mặt và trước đó đều có đơn kiến nghị hoãn phiên tòa để làm rõ một số nội dung tố tụng hình sự. Còn có 12 người liên quan và người làm chứng cũng vắng mặt.
Chủ tọa phiên tòa hỏi ông Liêm vắng mặt 5 luật sư bào chữa thì có muốn tiếp tục xét xử hay không? Ông Liêm trả lời “không”. Đại diện VKS đồng ý với ý kiến trên. Sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận hoãn phiên tòa. Thời gian xét xử mới được ấn định là 8h ngày 29/10.
Như PLVN đã phản ánh, nhiều năm sau khi thanh tra điều tra gói thầu cung cấp lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tòa nhà cơ quan Sở Y tế, Long An vẫn chưa thể đưa ra phán quyết cuối cùng với vụ việc. Dù đã được CQĐT kết luận không vụ lợi, không thông thầu, nhưng cơ quan tố tụng vẫn khởi tố, truy tố ông Liêm.
Nguyên GĐ Sở Y tế liên tục kêu oan, khẳng định trong dự án này không hề có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”, không có “hậu quả nghiêm trọng” nào xảy ra. Ông cho rằng nguồn cơn đến từ việc khi đương nhiệm ông đã không chấp nhận một số DN “sân sau” lũng đoạn ngành y tế địa phương, nên bị trù dập.
Trong vụ án này, Sở Tài chính Long An 5 lần giám định, cho ra các kết quả khác nhau, nhiều bản KLGĐ vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung. Mới đây, sau khi nhận đơn của ông Liên, nhiều cơ quan TW như Văn phòng TW Đảng và C01 Bộ Công an đã có văn bản gửi tỉnh Long An, lưu ý xử lý sự việc đúng pháp luật.