Lan tỏa các festival đậm bản sắc Việt

(PLVN) - Dư âm tích cực của Festival Thu Hà Nội vừa qua đã góp thêm một điểm nhấn vào chuỗi sản phẩm lễ hội đậm đà bản sắc Việt. Đây cũng là minh chứng cho thấy những sản phẩm “festival” (lễ hội) có nhiều tiềm năng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến Việt Nam.
Festival Thu Hà Nội thu hút hơn 80.000 lượt du khách. (Ảnh: VGP/Minh Anh)

Dấu ấn Festival Thu Hà Nội

Dù lần đầu tổ chức, “Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu” đã thành công thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, trải nghiệm cùng nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm tôn vinh hoạt động du lịch, văn hóa, di sản, thiên nhiên của Hà Nội. Ước tính, Lễ hội thu hút khoảng 80.000 lượt khách. Sự kiện này được kì vọng sẽ trở thành một điểm nhấn đặc sắc của du lịch Thủ đô cả trong nước và quốc tế.

Nhiều hoạt động độc đáo đã để lại ấn tượng tích cực cho du khách, như Carnaval đường phố với sự tham gia của hơn 1.500 người diễu hành, đặc biệt có sự tham gia của các đồng bào dân tộc thiểu số; không gian ẩm thực quy tụ nhiều thương hiệu phở Hà Nội, cùng các món ăn, thức uống đặc sắc khác như chả cá, chả cốm, bún ốc Hồ Tây, xôi Phú Thượng, cốm làng Vòng...; các không gian trưng bày, tiểu cảnh theo chủ đề “Hương sắc mùa thu”, “Quà tặng mùa thu”, “Vườn ánh sáng”, giới thiệu các điểm đến du lịch hấp dẫn vào mùa thu như cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, làng hoa Mê Linh, làng cổ Đường Lâm…

Ngoài ra còn có các show trình diễn tinh hoa ẩm thực; trình diễn trang phục áo dài, áo cưới theo dòng thời gian; hoạt động vẽ tranh với chủ đề “Hà Nội trong mắt em”; hoạt động âm nhạc đường phố;… Nhiều sản phẩm làng nghề, tour du lịch được các đơn vị, công ty chào bán, đem lại nhiều lợi ích về xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy doanh thu cho các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh du lịch.

Có thể thấy, thành công của Festival không chỉ ở việc thu hút lượng lớn người dân và du khách trải nghiệm, tạo nên một không khí lễ hội hấp dẫn, đậm bản sắc văn hoá Thủ đô mà còn dần hình thành nên thương hiệu du lịch mùa thu cho Hà Nội. Hơn nữa, sự kiện đã góp phần vào quá trình tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô cả về quy mô và chất lượng dịch vụ; gia tăng số lượng và chất lượng khách du lịch, bảo đảm tính bền vững, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường.

Phát huy “chìa khóa” văn hóa

Trước đó, những lễ hội nổi tiếng đậm bản sắc Việt như Festival hoa Đà Lạt, Festival Huế, Festival Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Trà quốc tế ở Thái Nguyên... đều cho thấy sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước. Điển hình, Festival Huế được xem là lễ hội hoành tráng bậc nhất miền Trung, thường tổ chức vào tháng 4 - 5 mỗi 2 năm một lần, nhằm tôn vinh các di sản văn hóa Huế và quảng bá du lịch. Đây cũng là một trong những lễ hội hiện đại ra đời sớm nhất tại Việt Nam, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1992 với tên “Festival Việt - Pháp”, nhưng đến nay giá trị và sức hút của sự kiện này vẫn không hề phai nhạt.

Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, thu hút nhiều quốc gia tham dự, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn những tiết mục trình diễn pháo hoa đặc sắc. Lễ hội này cũng đã trở thành một thương hiệu của thành phố Đà Nẵng, một động lực hút khách đến đây khám phá, tham quan, trải nghiệm.

Mỗi festival nổi tiếng Việt Nam đều mang một sức hút riêng nhưng điểm chung là đều được xây dựng trên nét độc đáo của văn hoá, du lịch từng địa phương. Nhìn rộng hơn, với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời cùng hệ thống các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, trong đó có hàng nghìn di sản đã được xếp hạng, Việt Nam là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào để phát triển du lịch văn hóa, nhất là những sản phẩm du lịch lễ hội, những festival mang thương hiệu Việt, có khả năng cạnh tranh với những festival nổi tiếng trên thế giới như Lễ hội hoá trang Rio Carnival Brazil, Lễ hội Bia Đức Oktoberfest…

Đáng nói, những sản phẩm du lịch lễ hội thành công thường tập trung khai thác đúng thế mạnh đặc trưng của điểm đến, chú trọng sự bài bản, sáng tạo trong khâu tổ chức, hài hoà kết hợp yếu tố du lịch và văn hoá một cách bền vững, đồng thời yếu tố quảng bá cũng rất quan trọng. Nhờ vậy mới có thể phát huy “chìa khóa” văn hóa để tạo nên tính độc đáo, khác biệt, hấp dẫn cho sản phẩm du lịch.