Lạng Sơn chú trọng sản xuất na theo hướng an toàn

(PLVN) - Chi Lăng là huyện có diện tích trồng na thương phẩm lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn. Để nâng cao giá trị sản phẩm, những năm qua, huyện Chi Lăng chú trọng các biện pháp nhằm phát triển sản xuất na theo theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản phẩm na an toàn đến tay người tiêu dùng.
Nông dân một Tổ hợp tác ở thị trấn Chi Lăng tập kết na an toàn cho thương lái
Nông dân một Tổ hợp tác ở thị trấn Chi Lăng tập kết na an toàn cho thương lái

Để phát triển theo hướng sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, những năm gần đây, chính quyền, các ngành chuyên môn huyện Chi Lăng đã chú trọng đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức tập huấn kỹ thuật, huy động các nguồn vốn xây dựng mô hình vườn mẫu, hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng, vận động các hộ dân tự nguyện ký cam kết thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn na an toàn… 

Từ năm 2018 đến nay, cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với các xã, thị trấn đã mở được trên 50 hội nghị tuyên truyền, tập huấn kiến thức về trồng na; xây dựng 7 vườn mẫu tại các xã: Quang Lang, Chi Lăng và các thị trấn Chi Lăng, Đồng Mỏ; mở rộng thêm 50 ha trồng na theo VietGAP tại các xã: Mai Sao, Chi Lăng… Nhờ vậy, đến hết năm 2018, toàn huyện phát triển được gần 140 hecta na VietGAP, 5 hecta na GlobalGAP, 1.100 hecta na an toàn. Năm 2019, huyện mở rộng thêm ít nhất 50 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản phẩm na VietGAP của huyện Chi Lăng hiện là mặt hàng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn
Sản phẩm na VietGAP của huyện Chi Lăng hiện là mặt hàng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn

Là người giàu kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc na, bà Lương Thị Hòa ở thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: "Hiện nhiều vườn na của gia đình tôi đã chuyển sang sử dụng các loại phân, thuốc sinh học theo hướng hữu cơ để chăm bón. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ không những tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, tốt cho đất, cho cây mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm bởi tính an toàn".

Ngay từ đầu mùa vụ, các đơn vị nông nghiệp, khuyến nông chuyên môn tại vùng trồng na của huyện Chi Lăng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho người dân về quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản na. Theo đó, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây na; khuyến cáo các hộ nông dân đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy pheromone phòng trừ ruồi đục quả na để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. 

Đặc biệt, UBND các xã, thị trấn vùng trồng na đã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất na thực hiện ký bản cam kết sản xuất na an toàn đối với các cơ sở trồng trọt thuộc địa bàn xã, thị trấn quản lý theo quy định tại Thông tư số 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để xây dựng nhãn hiệu na, huyện Chi Lăng đã tiến hành hỗ trợ bao bì đóng gói sản phẩm cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP; các tổ chức, cá nhân sản xuất theo quy trình được chứng nhận sản phẩm an toàn trên địa bàn.

Nan Chi Lăng được chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học hữu cơ, an toàn
Nan Chi Lăng được chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học hữu cơ, an toàn

Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: "Để phát triển sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, na an toàn, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung kết nối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các vườn mẫu để tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; vinh danh người dân sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, phát động sản xuất na an toàn theo hướng VietGAP năm 2019 trong toàn huyện".

Đến nay, diện tích trồng na không chỉ được phát triển mạnh ở huyện Chi Lăng, mà đã được bà con nông dân ở các xã ở vùng núi đá vôi huyện Hữu Lũng đưa vào trồng. Chỉ hơn 10 năm qua, huyện Hữu Lũng đã trồng được hơn 1.300 ha, ước tính sản lượng na năm 2018 đã đạt hơn 13 nghìn tấn. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến vụ thu hoạch na năm 2019. Cây na đã và đang giúp hàng nghìn hộ dân xóa đói, giảm nghèo, có cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng.

Với sự đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, sản phẩm na Chi Lăng của tỉnh Lạng Sơn đã được Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018”. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra Quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu: "Na Chi Lăng". Đến năm 2013, na Chi Lăng được tổ chức kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách "50 cây đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam".

Đọc thêm