Lạng Sơn: Tiểu thương chợ Đồng Đăng 'kêu trời'

(PLO) - Chợ Đồng Đăng không chỉ là nguồn sống của hàng nghìn người dân mà đây còn là nơi trao đổi, giao lưu hàng hóa, văn hóa của người dân khu vực biên giới. Vậy mà, “đùng một cái” cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn lại ra quyết định “xóa sổ” ngôi chợ này để dồn các hộ kinh doanh vào khu trung tâm thương mại (TTTM) Đồng Đăng mới khiến người dân bức xúc và kiên quyết không đồng tình.
Chợ truyền thống Đồng Đăng hơn 100 năm lúc nào cũng tấp nập người mua bán.
Chợ truyền thống Đồng Đăng hơn 100 năm lúc nào cũng tấp nập người mua bán.

Chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục… 

Chợ Đồng Đăng (tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) là khu chợ dân sinh truyền thống có từ hơn 100 năm qua. Chợ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa bà con dân tộc Tày, Nùng, Kinh trong vùng. Qua một thời gian dài phát triển, chợ Đồng Đăng đã trở thành một trong những chợ cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, thu hút rất đông khách du lịch thăm quan và mua sắm… 

Theo một số tiểu thương cho biết, chợ Đồng Đăng nằm trên mảnh đất có diện tích lên đến gần 10.000m2, tại chợ có khoảng 500 gian hàng, được xây dựng 1 tầng nên rất thuận tiện cho việc buôn bán. Tại chợ có khoảng 300 hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống bà con nhân dân trong vùng.

Ngoài ra, chợ còn có vị trí sát với đền Mẫu, một trong những ngôi đền có tiếng là linh thiêng tại Lạng Sơn nên thu hút rất nhiều khách du lịch thăm quan. Sau khi đi lễ ở đền, một lượng lớn du khách sẽ sang mua những đồ dùng dân sinh tại chợ này, khiến cho không khí buôn bán ở chợ lúc nào cũng diễn ra sôi nổi, tấp nập. Do đó, chợ không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là nơi gắn liền yếu tố văn hóa sinh hoạt cộng đồng các dân tộc vùng biên giới phía Bắc.

Quan trọng nhất, chợ Đồng Đăng là nơi kiếm “miếng cơm, manh áo” hàng ngày của khoảng 2.000 nhân khẩu tại thị trấn Đồng Đăng. Thế nhưng, đùng một cái tỉnh Lạng Sơn lại có chủ trương di chuyển chợ Đồng Đăng ra TTTM Đồng Đăng cách đó khoảng 1km, còn chợ Đồng Đăng cũ sẽ xây dựng công viên cây xanh trong khi chưa lấy ý kiến khiến hơn 300 tiểu thương tại đây vô cùng bức xúc và phản đối quyết liệt. 

Bác Phạm Lạc, một tiểu thương đã kinh doanh tại chợ hơn 20 năm qua bức xúc nói: “Chúng tôi đã sinh sống và buôn bán tại chợ bao nhiêu năm nay rồi, bỗng dưng năm 2015 có một đoàn cán bộ ở huyện Cao Lộc xuống rồi mời mấy hộ tiểu thương chúng tôi lên Ban quản lý chợ họp mà không có thông báo gì trước. Khi đó, chúng tôi mới “ngã ngửa” khi thấy họ thông báo là thanh lý những nhà này để chuyển chợ lên TTTM Đồng Đăng mới xây dựng trong khi chưa trưng cầu ý dân. Hơn thế, khoảng 1 năm về trước, Ban quản lý vẫn khuyến khích các tiểu thương xây dựng và chuyển nhượng các ki ốt mà không có bất cứ một thông báo nào”.  

Về vấn đề trên, được biết trong thông báo kết luận của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định: “Chính quyền huyện Cao Lộc và chủ đầu tư TTTM Đồng Đăng chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục về chuyển giao mô hình quản lý chợ và tiếp nhận bàn giao chợ. Khi các hộ kinh doanh kiến nghị, khiếu nại đã không kịp thời xử lý theo đúng quy định, dẫn đến công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt. Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Cao Lộc, UBND thị trấn Đồng Đăng và các sở, ngành”.

Tiểu thương điêu đứng?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 3/3/2005, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án đầu tư TTTM Đồng Đăng - Lạng Sơn gồm nhiều hạng mục: Chợ 2,5 tầng với 1.300 quầy hàng cho thuê; chợ ngoài trời (có mái che) kinh doanh hàng tươi sống và thực phẩm; TTTM (11 tầng) gồm siêu thị, văn phòng cho thuê, khách sạn cao cấp; khu kho bãi, trạm chuyển tải hàng hóa.... 

Tiếp đó, ngày 22/12/2005, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 2449/QĐ-UBND-TM về việc phê duyệt bổ sung quy mô đầu tư dự án, theo đó dự án được bổ sung thêm 2 nội dung: Khuôn viên cây xanh và giao thông khu vực TTTM Đồng Đăng - Lạng Sơn; trong đó, khu vui chơi giải trí và khuôn viên cây xanh được đặt tại ví trí chợ Đồng Đăng cũ. 

Tuy nhiên, không hiểu vì sao, TTTM Đồng Đăng không được khởi công xây dựng vào thời điểm đó. Đến năm 2014, Công ty CP Đầu tư và thương mại Đồng Đăng (chủ đầu tư mới) mới khởi công xây dựng. Ngày 8/12/2015, UBND tỉnh Lạng Sơn giao chủ đầu tư TTTM Đồng Đăng quản lý chợ Đồng Đăng cũ.

Tuy nhiên, kể từ khi có chủ trương đến khi tiến hành xây dựng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã đơn phương thực hiện mà không có bất cứ động thái nào trưng cầu ý dân, cũng không có thông báo gì để các tiểu thương nắm được về việc di dời chợ. Do đó, khi TTTM Đồng Đăng cơ bản hoàn thành, UBND huyện Cao Lộc cùng nhà đầu tư xúc tiến việc di dời chợ đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của tiểu thương. 

Trước tình thế bắt buộc, tháng 6/2016, hàng trăm tiểu thương đã đến trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn để yêu cầu được bày tỏ quan điểm. Theo bác Trần Ngọc Chiến, một tiểu thương gắn bó lâu năm tại chợ lo lắng cho biết: “Mặc dù là chợ cổ nhưng có rất nhiều thuận lợi, 4 cấp cơ sở trường học phải đi qua, ngay mặt đường quốc lộ, các đền chùa, gắn liền với di tích lịch sử, dân cư đông đúc, bao bọc lấy chợ. Từ tháng giêng đến giờ ngày nào chợ cũng đông kìn kìn, chen nhau mà đi.

Đáng chú ý, cuộc sống của người dân ở thị trấn Đồng Đăng thì chỉ trông chờ vào cái chợ này vì ruộng nương không có, bốn bề xung quanh là núi đá. Trong khi đó, TTTM Đồng Đăng kinh doanh cách xa khu dân cư, tiền thuê quầy hàng cao gấp 3 lần, không phù hợp với buôn bán nhỏ lẻ. Vì, hàng của các bác chủ yếu là hàng dân sinh rẻ tiền mà vào một cái nơi nhà 4 tầng như TTTM đồng đăng kia thì bán làm sao được. Chưa kể đến, chợ này trông chờ chủ yếu vào khách du lịch, ở đây gần đền Mẫu chỉ đi mấy bước chân là sang đến chợ mua sắm, chứ vào trong kia xa ai người ta đến, giờ chuyển vào TTTM chỉ được 1 thời gian là đóng cửa hàng loạt, khi đó người dân các bác biết dựa vào đâu mà sống”.

Một trong những điều khiến tiểu thương chợ Đồng Đăng cũ không đồng tình là việc xây dựng khu vui chơi giải trí, khuôn viên cây xanh trên đất chợ Đồng Đăng cũ. Theo chính quyền tỉnh Lạng Sơn, đó là việc làm phù hợp quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đồng Đăng, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, chỉnh trang đô thị...

Tuy nhiên, cách làm của chính quyền địa phương chưa thấu đáo, chưa có tính thuyết phục cao. Một hộ dân sống tại thị trấn Đồng Đăng cho rằng, giờ mà xây dựng công viên cây xanh tại đất chợ cũ này thì gần 2000 con người ở đây chết đói, không có một nghề nghiệp gì để mà làm ăn cả. Chúng tôi là dân vùng biên, lao động kiếm sống qua ngày, do đó, công viên cây xanh sẽ không có tác dụng gì nếu như cuộc sống mưu sinh của họ không được đảm bảo.  

“Chợ là nét văn hóa đặc trưng của thị trấn, là nét tâm linh gắn liền với Đền Mẫu ấy vậy mà tự dưng phá bỏ, di chuyển để làm vườn hoa công viên thì không ổn chút nào, thị trấn có rất nhiều nơi để làm công viên sao không chọn địa điểm khác. Hơn thế nữa, nếu chuyển toàn bộ bà con ra khu TTTM khá xa trung tâm, chắc chắn sẽ không có khách, chúng tôi không bán được hàng, hàng trăm bà con sẽ rơi vào cảnh lao đao” – ông Phạm Văn Lạc, tiểu thương ở chợ cũng lo lắng cho biết.

Được biết, trong cuộc đối thoại với tiểu thương chợ Đồng Đăng, ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cùng lãnh đạo các sở, ban ngành đã gặp mặt, lắng nghe phát biểu của các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Đăng. Tại đây, bà con tiểu thương đã đưa ra mong muốn về việc lưu giữ chợ truyền thống ở địa phương; phản ảnh những bất cập trong việc di dời chợ Đồng Đăng sang TTTM, để nhường chỗ xây dựng khuôn viên cây xanh.

Theo bà con, nếu xóa bỏ chợ này thì đời sống người dân địa phương sẽ bị ảnh hưởng, thất nghiệp, vì nếu phải di chuyển sang TTTM Đồng Đăng sẽ không bán được hàng. Ở đó, xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc giao thương mua, bán. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với một số văn bản, cách ứng xử không đúng mực của một số cán bộ ở huyện Cao Lộc trong việc tiếp xúc, trả lời kiến nghị của dân.

Ông Thưởng cho biết, về vấn đề giữ lại chợ truyền thống hay không, tập thể lãnh đạo tỉnh sẽ tiến hành thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan và trả lời thỏa đáng bằng văn bản tới các hộ dân. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, có những cán bộ cơ sở thiếu sâu sát, có lời ăn tiếng nói không đúng sẽ được xem xét, xử lý nghiêm.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cần một lần nữa lắng nghe ý kiến của người, để đưa ra những chủ trương và những phương án tối ưu nhất góp phát triển kinh tế đi đôi với việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống và quan trọng nhất là đảm bảo cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Trung tâm thương mại Đồng Đăng được khởi công từ cuối tháng 9/2014, tọa lạc tại Quốc lộ 1A trên đường đi lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đây là công trình do Công ty Cổ phần & Đầu tư thương mại Đồng Đăng làm chủ đầu tư. Tòa nhà trung tâm được xây dựng 3 tầng với tổng số 808 quầy hàng, vốn khoảng 300 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016.

Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận địa phương đang quan tâm nhất đó là: “Liệu TTTM Đồng Đăng có đi vào “vết xe đổ” hay không? Bởi, một ví dụ điển hình đó là việc Lạng Sơn cho xây dựng TTTM Phú Lộc tọa lạc giữa thành phố Lạng Sơn với tổng diện tích xây dựng lên đến 8000m2 và có khoảng 1000 gian hàng, vốn đầu tư cũng lên đến 200 tỷ đồng. Nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay đã 7 năm, TTTM Phú Lộc chỉ hoạt động một cách èo uột, cầm chừng, không có hoạt động buôn bán khoảng 6 năm nay. Và hiện tại, TTTM Phú Lộc không có bất cứ một gian hàng nào hoạt động trao đổi, mua bán. 

Đọc thêm