Lãnh đạo xã Trực Hưng (Nam Định) gạt bỏ quyền lợi chính đáng của người dân?

Lãnh đạo UBND xã Trực Hưng, UBND huyện Trực Ninh phủ nhận quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1995, gạt bỏ quyền và lợi ích chính đáng của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp bằng lý do đã dồn điền đổi thửa từ năm 2003. Tuy nhiên, 53 hộ dân sinh sống tại xã Trực Hưng khẳng định không có chuyện dồn điền đổi thửa vào năm 2003.
Ông Đoàn Văn Nghiệp bức xúc trước việc UBND xã Trực Hưng tiến hành cưỡng chế thu hồi diện tích đất đã được cấp quyền sử dụng đất nhưng không thông báo thu hồi, không đền bù GPMB.
Ông Đoàn Văn Nghiệp bức xúc trước việc UBND xã Trực Hưng tiến hành cưỡng chế thu hồi diện tích đất đã được cấp quyền sử dụng đất nhưng không thông báo thu hồi, không đền bù GPMB.

Như PLVN đã thông tin, ông Đoàn Văn Nghiệp, trú tại xóm 7, xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh, Nam Định đang canh tác trên thửa đất diện tích 301m2 và đã được cấp Quyền sử dụng đất (QSDĐ/337/QĐUB, ngày 20/9/1995) cho bà Đoàn Thị Phượng (em gái ông Nghiệp). Thế nhưng, UBND xã Trực Hưng bỗng nhiên tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Nghiệp với lý do đất đã thu hồi và bán đấu giá.

Trong khi đó, gia đình ông Nghiệp không được nhận thông báo thu hồi, không được nhận đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).

Phủ nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trả lời về việc này, ông Phạm Văn Hiển – Chủ tịch UBND xã Trực Hưng cho rằng gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp không còn quyền sử dụng đất tại thửa đất số 2111 với diện tích 301m2 với lý do đã dồn điền đổi thửa.

“Năm 2003, xóm 7 xã Trực Hưng đã tiến hành dồn điền đổi thửa. Việc tiến hành dồn điền đổi thửa của xóm 7 được tuyên truyền, vận động thực hiện công khai, dân chủ. Từ khi dồn điền đổi thửa đến nay, nhân dân xóm 7 vẫn sử dụng ổn định, canh tác từ năm 2003 đến nay.

Căn cứ vào hồ sơ dồn điền đổi thửa của xóm 7 và đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của hộ ông Đoàn Văn Kế (bố của bà Phượng) thì 301m2 đất trồng lúa của bà Phượng không có trong đơn đăng ký kê khai cấp Giấy chứng nhận của hộ ông Kế. Vì vậy, diện tích 301m2 đất trồng lúa của bà Phượng đã giao cho người khác” - ông Hiển nói.

Đồng thời, ông Hiển cũng cho biết thêm: “Thời điểm triển khai thu hồi đất để bán đấu giá năm 2013, gia đình ông Kế không canh tác tại thửa đất đó nữa. Vì thế, bà Phượng không được UBND xã thông báo và không được nhận tiền hỗ trợ GPMB trong diện tích thu hồi thửa đất số 2111”.

Diện tích đất thu hồi của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp bị thu hồi và tổ chức bán đấu giá tại xã Trực Hưng.
Diện tích đất thu hồi của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp bị thu hồi và tổ chức bán đấu giá tại xã Trực Hưng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Tại sao dồn điền rồi mà gia đình ông Kế vẫn được canh tác, vẫn phải đóng thuế phí, đặc biệt là giấy tờ chuyển đổi không hề có?, Chủ tịch UBND xã Trực Hưng cho rằng, việc đóng thuế phí hằng năm là đóng chung cho tổng diện tích đất đã kê khai chứ không riêng cho thửa đất nào. “Việc đóng thuế, phí gia đình ông Kế thanh toán theo diện tích gia đình ông kê khai trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Chứ không phải là đóng thuế, phí riêng cho thửa đất 2111. Vì vậy, không có cơ sở để khẳng định gia đình ông Nghiệp đang đóng phí cho thửa đất đó” - ông Hiển nói.

Ông Phạm Trọng Duy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trực Ninh cho biết: Trong quá trình phân chia đất đai tại tỉnh Nam Định theo quyết định của 1015 của UBND tỉnh, Nam Định có hai lần tiến hành dồn diền đổi thửa đất nông nghiệp, lần 1 năm 2003, lần 2 vào năm 2012. Dồn điền để thuận tiện cho quá trình canh tác, tiến hành áp dụng canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật.

“Tất cả diện tích của bà Phượng đã được dồn điền vào của ông Kế (bố bà Phượng). Từ năm 2003 đến 2011 ông Kế vẫn sử dụng diện tích đã dồn điền đổi thửa ổn định, trong đó có cả thửa đất được chia lại của bà Phượng. Năm 2013 khi tiến hành bán đấu giá đất thì thửa đất đó không còn quyền sử dụng của bà Phượng nữa. Vì vậy, bà Phượng không được thông báo, không được nhận đề bù GPMB”.

Trả lời về việc, tại sao đã dồn điền đổi thửa thành công mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có sự thay đổi, Phó Chủ tịch huyện Trực Ninh lý luận rằng: “Các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 1995 vẫn còn giá trị đến năm 2013 nên không thu hồi để làm lại. Đối với xã Trực Hưng đang làm hồ sơ đăng ký cấp mới rồi! Nhưng đang hoàn thiện hồ sơ chuyển về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Khi cấp mới thì có những điều chỉnh mới”.

Dồn điền đổi thửa có thành công?

Khác với những lý luận của các cấp lãnh đạo xã, huyện, khi phóng viên về xóm 7 xã Trực Hưng để lắng nghe ý kiến của các hộ dân trong danh sách dồn điền đổi thửa năm 2003; hơn 53 hộ dân ở đây ký xác nhận khẳng định năm 2003 UBND xã Trực Hưng đã tiến hành dồn điền đổi thửa nhưng thất bại. Ruộng của gia đình nào thì gia đình đó sử dụng, không có sự dịch chuyển, thay đổi thứ tự.

Cụ thể, 53 hộ dân khẳng định UBND xã Trực Hưng không dồn điền đổi thửa được bao gồm: (1) Nguyễn Tiến Lập, (2) Đoàn Văn Thư, (3) Phạm Văn Tốn, (4) Đoàn Văn Nghiệp, (5) Phạm Thị Như, (6) Đoàn Văn Qúy, (7) Ngô Thị Gấm, (8) Đào Văn Trọng, (9) Phạm Kiều Trang....

Ông Phạm Văn Lùng (xóm 7, xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh) là một trong những người nằm trong Ban dồn điền đổi thửa năm 2003 cho biết. “Năm 2003 tôi được nhân dân tín nhiệm bầu vào Ban dồn điền đổi thửa. Trong Ban tôi là người theo dõi số liệu làm sổ sách nên hiểu rõ, thực chất, công việc chính của Ban dồn điền đổi thửa xóm 7 ngày đó chủ yếu là đo lại ruộng.

53 hộ dân ở đây ký xác nhận khẳng định năm 2003 UBND xã Trực Hưng đã tiến hành dồn điền đổi thửa nhưng thất bại.
53 hộ dân ở đây ký xác nhận khẳng định năm 2003 UBND xã Trực Hưng đã tiến hành dồn điền đổi thửa nhưng thất bại.

Theo số liệu của đợt cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân năm 1995 về số mảnh, số thửa của từng hộ theo thứ tự như cũ. Chỉ dịch chuyển một phần nhỏ để lấy đất các hộ hiến theo tiêu chuẩn mỗi người hiến 36m2 để làm đường giao thông, đắp bờ, không có việc xáo trộn về thứ tự của bìa đỏ năm 1995”.

Ông Lùng khẳng định rằng: “Việc dồn điền đổi thửa tại xóm 7 năm 2003 không thực hiện được, vì vậy, không có chuyện đất của bà Phượng (em gái ông Nghiệp) được phân cho người khác” - ông Lùng khẳng định.

Như vậy, việc dồn điền đổi thửa tại xóm 7 mà UBND xã Trực Hưng, UBND huyện Trực Ninh lấy làm căn cứ để phủ nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp liệu có đảm bảo là sự thật. Hay tất cả những lý luận mà cấp chính quyền địa phương đưa ra chỉ nhằm để bao che cho việc đã rồi, bác bỏ đi quyền lợi chính đáng của gia đình ông Nghiệp?

Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm