Để có bằng chứng thuyết phục, ông Lực tự trang bị cho mình một chiếc máy ảnh nhỏ bằng hộp diêm và hàng ngày âm thầm chụp lại quá trình thi công, xây dựng tuyến cao tốc. Sau đó, ông dành dụm tiền bạc để rửa hàng ngàn bức ảnh bằng chứng tố cáo sai phạm gởi đến nhiều cơ quan chức năng…
Bỏ làm bảo vệ làm “thám tử” không lương
Ông Lực chưa đầy 60 mà trông già nua, gầy gò, khắc khổ. Ông có vóc người nhỏ, nước da đen thui, nụ cười hơi nhăn nhúm, giọng nói cà lăm. Gia đình ông sống trong một căn nhà cấp 4 cũ kỹ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo, mình sinh ra và lớn lên ở chính vùng quê nghèo – nơi có con đường cao tốc chạy qua này. Trước đây, vì không có điều kiện nên ông chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ. Năm 1983, sau 4 năm phục vụ trong quân ngũ, ông trở về quê nhà lam lũ với ruộng vườn. Cuộc sống gia đình khốn khó nên ông làm đủ nghề, trong đó có nghề xây dựng để mưu sinh, lo cho con cái ăn học nhưng cái ăn, cái mặc vẫn thiếu trước, hụt sau.
Tháng 7/2014, ông Lực xin vào làm bảo vệ tại gói thầu A3 thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Gói thầu này là đoạn chạy qua huyện Bình Sơn, do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) trúng thầu thi công với tổng chiều dài 10,6km
Trong quá trình làm bảo vệ, ông Lực nhận thấy đơn vị thi công dùng loại đất không đảm bảo để đắp nền đường. Với kinh nghiệm ít ỏi của một người từng làm thợ hồ, ông tiếp tục tìm hiểu và cho rằng đơn vị thi công có nhiều gian dối. Sau nhiều lần phản ánh trực tiếp với các kỹ sư trên công trường nhưng bị bỏ ngoài tai, ông quyết định nghỉ việc vì cho rằng không thể nhận lương để làm ngơ với sai phạm.
Từ tháng 7/2015, ông Lực bắt đầu công cuộc nhập vai điều tra những sai phạm tại gói thầu này. Ông tìm mua một máy ảnh kỹ thuật số với giá 2,8 triệu đồng để ngày đêm lặng lẽ đi chụp lại những gì ông thấy “chướng tai gai mắt” trong quá trình thi công tuyến cao tốc qua quê hương mình. Sau đó, ông bỏ ra số tiền dành dụm được để rửa ra hàng ngàn bức ảnh làm bằng chứng về sai phạm của nhà thầu.
Những lá đơn rơi vào “im lặng” của Lực “khùng”
Năm 2016, ông Lực viết lá đơn đầu tiên nhưng không nêu họ tên người gửi. Sau đó, ông gửi đi nhiều cơ quan chức năng và gửi trực tiếp đến nhà thầu Giang Tô, chỉ ra cặn kẽ những sai phạm của gói thầu này. Lá đơn này không chỉ soạn thảo bằng tiếng Việt, mà ông còn nhờ người soạn bằng tiếng Anh và cả tiếng Trung gửi cho nhà thầu. Thế nhưng, mọi nỗ lực của ông đều không được hồi âm.
Nhận thấy cần tiếp tục làm rõ những sai phạm tại gói thầu A3 này nên sau đó, ông công khai điều tra những sai phạm tại đây. Hàng ngày, ông rong ruổi trên đoạn cao tốc hơn 10km để giám sát hoạt động thi công. Ban đầu, nhiều người cho rằng việc làm của ông là “khùng”, công trình quốc gia thì đã có nhiều cơ quan giám sát và đã có Nhà nước lo. Nhưng rồi sự vào cuộc quyết liệt của ông đã khiến ngay trong nội bộ của nhà thầu quay sang ngầm ủng hộ ông.
Ông Lực công khai số điện thoại và từ đó bắt đầu nhận được nhiều tin nhắn lạ từ công trường. Có những tin nhắn làm ông rất tâm đắc như: “Mong anh và người dân địa phương cố gắng giám sát công trường, kiểm tra và báo cáo với các cơ quan cấp thẩm quyền về việc làm ăn gian dối của nhà thầu Trung Quốc để đảm bảo chất lượng cho công trình của Việt Nam”; “Nếu ông ấy không xử lý thì bác cứ gửi lên Bộ GTVT đôn đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải làm”…
|
Ông Lực nói về những sai phạm tại gói thầu A3. |
Điều đáng nói, có người tại công trường còn bí mật tuồn bản vẽ photo cho ông để đối chiếu với các hạng mục ngoài thực địa. “Lúc trước chỉ nghe nói miệng, bây giờ có bản vẽ trong tay và có ít kiến thức về xây dựng, tôi đã tìm ra một số manh mối như chân đế mặt cống đặt trên cao tốc mỏng hơn so với bản thiết kế…
Sau khi đã ghi chép, tổng hợp những sai phạm của đơn vị thi công, cũng như hàng ngàn tấm ảnh làm bằng chứng, tôi tiếp tục viết đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng và báo chí. Lúc này, tôi công khai tên của mình”, ông Lực cho biết.
Trong đơn, ông Lực liệt kê hàng loạt sai phạm của nhà thầu: Năm 2015, mỏ số 14 của Công ty Thiện Phát thí nghiệm nhiều lần không đạt chất lượng. Điều kỳ lạ là năm 2016 kết quả thí nghiệm lại đạt chuẩn và cho phép đào 123.500m3 đất ở mỏ này thi công đường cao tốc khu vực Bàu Sen (xã Bình Trung). Trong khi đó, Công ty Lý Tuấn mua đất trái phép lòng hồ Hố Dọc đưa vào thi công tuyến cao tốc nhưng thể hiện trong hồ sơ là khai thác đất từ mỏ số 14.
Ngày 5/4/2016 tại Km 106+800 và khu vực Bàu Sen, nhà thầu Giang Tô cho xe ủi qua loa trên mặt còn đầy cây cối, ăn gian bóc lớp đất phong hóa rồi cho đổ vật liệu không đạt chuẩn. Ngày 6/4/2016, xe tải chở toàn đất đen, đá to mà dự án không cho sử dụng đem vào đoạn Km 106 để thi công.
Tại Km 101 - 102, nhà thầu phụ của Giang Tô thi công cũng cho bóc lớp đất phong hóa rất mỏng để ăn gian khối lượng, sau đó sử dụng đất lẫn sỏi sạn cục to nhưng chủ đầu tư và tư vấn giám sát chỉ buộc đào đổ đi vài xe để che mắt rồi tiếp tục thi công vật liệu kém; việc lu lèn nền đường dù đổ đất dày cả mét nhưng chỉ lèo tèo vài chiếc xe lu, thời gian lu quá ngắn…
“Theo số liệu tôi được anh em cung cấp là tại khu vực Bàu Sen phải bóc tách bỏ đi 300.000m3 đất phong hóa. Số đất này được đưa về 3 bãi thải, vậy nhưng không hiểu sao bãi thải chẳng có miếng đất nào. Vậy đất phong hóa bề mặt họ đưa đi đâu?”, ông Lực nói.
Từ những lá thư của ông Lực và được báo chí phản ánh, VEC đã cảnh cáo tư vấn giám sát và nhà thầu thi công các gói thầu A3, A4, A5 đã để vật liệu không đảm bảo chất lượng đưa vào công trình; xử lý đào bỏ các khối lượng đất bùn lẫn rễ cây, đá đã đắp tại nhiều vị trí mà người dân tố giác; thay thế nhân sự quản lý chất lượng của nhà thầu; “trảm” nhân sự phụ trách thi công.
“Trách nhiệm tố cáo, bọn con cũng có phần…”
Sau nhiều lần làm đơn tố cáo những sai phạm tại gói thầu A3, một nhóm người tìm đến nhà ông Lực và đề nghị ông chỉ cần ở nhà “ngồi chơi xơi nước thì sẽ được trả 6 triệu đồng/tháng hoặc nhiều hơn thế. Đổi lại, ông Lực phải im lặng, không tố cáo nữa, nhưng ông nhất quyết từ chối.
Cũng từ khi đi tố cáo sai phạm, ông Lực và gia đình nhiều lần bị xã hội đen đe dọa. “Ngày 11/8/2016, khoảng 9h, sau khi một tờ báo đăng tải vụ việc, có số điện thoại lạ gọi vào máy tôi và mời đi uống cà phê. Tôi nói bận việc không đi được thì khoảng 30 phút sau, có 2 thanh niên lạ mặt đi xe máy đến nhà, xông thẳng vào nhà.
|
Bản vẽ photo được cán bộ công trường cung cấp cho ông Lực. |
Phép lịch sự, tôi mời 2 thanh niên ngồi uống nước, nhưng 2 người này tỏ ra hung hăng, liên tục nói những lời hăm dọa, chửi thề tục tĩu khó nghe. Tuy nhiên, tôi vẫn nói nhẹ nhàng: “Hai con tên gì, làm ở đâu, tới kiếm chú có chuyện gì?” thì 2 thanh niên này liên tục tra hỏi tôi, vì sao hay thưa kiện, hay bới móc và tìm sai phạm ở đường cao tốc”, ông Lực kể.
Đối mặt với 2 kẻ bặm trợn, ông Lực vẫn khẳng khái: “Trách nhiệm tố cáo sai phạm bọn con cũng có phần, sao lại đi đe dọa?” thì họ trả lời: “Chú phải chấm dứt, chúng tôi chỉ đến nhà lần này, gặp ngoài đường là tụi tôi xử”. Sau đó, 2 thanh niên ra về sau đó ra về. Đến trưa cùng ngày, một cuộc điện thoại đến máy ông nói: “Ông liệu hồn, coi chừng bọn tôi cắt cổ ông”.
Có lần, trong lúc ông Lực đang ghi hình sai phạm của nhà thầu trên công trường thì một người cùng xã gọi vào quán uống nước. Sau đó, người này giả vờ say rồi đánh ông. “Họ cũng vài lần ném đá vào nhà, tôi không đếm xỉa tới. Tôi chỉ lo cho người thân của tôi thôi, chứ tôi thì chẳng ngại ngần gì cả”, ông Lực bộc bạch.
Bà Trương Thị Cường (vợ ông Lực) bảo, mấy năm qua, khi xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông ở nhà ít hơn ngoài đường. Ngày cũng như đêm, hễ có ai phản ánh chỗ này chỗ kia làm cẩu thả, ông lại dắt xe chạy tới xem xét. Hết tiền điện thoại, không có tiền rửa hình ảnh thì ông lại hỏi mượn.
“Nhiều lúc bọn xã hội đen đến tận nhà đe dọa, đòi giết cả nhà. Tôi và các con nói ổng sao lại làm chuyện bao đồng nhưng ổng nhất định không chịu. Ổng nói nếu mình làm dân không giám sát chất lượng công trình, vậy để tiền thuế, mồ hôi công sức của dân bị rút ruột hết sao”, bà Cường chia sẻ.
Giữa muôn trùng khó khăn, ông Lực vẫn luôn có được sự động viên của người thân và một số dân trong xã. Những người nông dân chính hiệu luôn sát cánh bên ông, giúp đỡ ông ghi hình, thu thập chứng cứ để tố cáo những sai phạm tại gói thầu A3 chạy qua quê hương ông.
|
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao |
“Đến giờ, những tố cáo của người dân huyện Bình Sơn chúng tôi phần nào đã được VEC hồi đáp, nhưng những giải thích của họ là không thỏa đáng. Chúng tôi sẽ tranh đấu tới cùng, cho tới khi nào những khúc mắc được làm sáng tỏ”, ông Lực quả quyết.
Ông Lực chỉ là một người nông dân bình thường, trước đây có tham gia làm xây dựng nên ông đã ngay lập tức phát hiện ra những sai phạm trong quá trình làm đường cao tốc và lên tiếng tố giác. Và ông cũng chỉ mong các cơ quan hữu trách xác minh kết luận đúng sai để xử lý con đường cho tốt.
Trái lại, hàng loạt những đội ngũ chuyên gia kỹ thuật được đào tạo như kỹ sư, tư vấn giám sát thi công, nghiệm thu công trình lại hoàn toàn “không thấy, không biết” gì trước những sai phạm này. Hậu quả đã thấy rõ, con đường làm xong vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, vá đi vá lại, nhếch nhác, chất lượng thê thảm.
Một người nông dân nghèo nhưng vì tinh thần trách nhiệm với tài sản công của đất nước, đã đi làm “chuyện bao đồng”, dũng cảm tố giác tội phạm. Còn bao nhiêu vị có trách nhiệm lại lạnh nhạt như không phải chuyện của mình. Chỉ đau xót cho những công trình ngàn tỷ, chục ngàn tỷ vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Tiền ngân sách, tiền thuế của người dân đã bị đổ sông đổ biển, lãng phí vô ích.