Lấp “khoảng trống” an sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những số liệu được công bố sau khi tổng kết 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 15, cho thấy lưới an sinh vẫn còn nhiều “khoảng trống”, độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa cao, khu vực tự nguyện chưa xứng tiềm năng.
Lấp “khoảng trống” an sinh

Cả nước có khoảng 50 triệu lao động trong độ tuổi, nhưng số tham gia BHXH chỉ gần 16,6 triệu, chiếm 37%. Mức độ bao phủ BHXH thấp trở thành thách thức kép tới an toàn thu nhập của lao động trong độ tuổi và về lâu dài khi đến tuổi nghỉ hưu. Mục tiêu của Trung ương đến năm 2030 có 60% dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, tiến tới bao phủ toàn dân khó thực hiện.

Điều đáng lo ngại hơn, tốc độ bao phủ BHXH đang trên đà chậm lại khi lao động rút BHXH một lần tăng cao sau đại dịch COVID-19. Từ năm 2016 đến nay, khoảng 4,87 triệu người rút một lần. Theo tính toán, cứ hai người tham gia vào hệ thống lại có một người rời đi.

Lý giải cho thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, DN Việt chủ yếu vừa và nhỏ, nhiều đơn vị kinh tế phi chính thức; nhiều hình thức việc làm, quan hệ lao động chưa được đưa vào hệ thống đóng BHXH bắt buộc khiến việc mở rộng bao phủ bị hạn chế. Đặc biệt là các nhóm như hộ kinh doanh, thành viên hợp tác xã, người làm kinh tế hợp đồng, lao động chuỗi cung ứng... Thống kê cuối năm 2019, cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể chưa thuộc diện đóng BHXH bắt buộc và chỉ một ít trong số này tham gia BHXH tự nguyện. Chưa kể còn khoảng 23 ngàn hợp tác xã (HTX) với 6 triệu thành viên và 1,2 triệu lao động làm việc, song chỉ khoảng 7 ngàn HTX với 41 ngàn lao động đóng BHXH bắt buộc.

Đặc điểm “phức tạp” của thị trường lao động Việt Nam cũng khiến nhiều người lao động khó có thể tích lũy được 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu (45%). Nhiều lao động trẻ, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất khó đóng bảo hiểm liên tục 20 năm để chờ lương hưu; khiến họ chọn không tham gia hoặc là rời hệ thống.

Còn một lý do rất thực tế nữa, là quan niệm của mỗi người. Có những người đóng BHXH ở mức rất cao, sau hơn 10 năm nhẩm tính thấy có thể “rút một cục” để đầu tư vào một căn chung cư, một mảnh đất nho nhỏ… bất chấp cán bộ BHXH năn nỉ “đừng rút”; với kỳ vọng sẽ có nhà cho thuê mà “tài sản gốc” vẫn còn đó. Luật không cấm và quan niệm của một số người lại không cùng quan niệm số đông, nên không thể làm gì khác.

Chính vì những lý do trên, nên cả nước đang có khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.

Theo định hướng chính sách BHXH đến năm 2030 và dự kiến sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào các nhóm chính sách: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bằng cách bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung lao động tham gia để mở rộng diện đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15, tiến tới còn 10 năm… Đó là những việc rất cần làm, để sớm lấp “khoảng trống” an sinh đang hiện hữu.

Đọc thêm