Lấp lánh làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đất Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ mấy trăm năm trước, làng nghề sản xuất quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã nức tiếng cả nước với những lá quỳ vàng bạc chất lượng cao mà khó có nơi nào sánh kịp.
Nghệ nhân Lê Bá Chung bên một sản phẩm tượng mạ vàng.
Nghệ nhân Lê Bá Chung bên một sản phẩm tượng mạ vàng.

Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như bị mai một, nhưng đến nay Kiêu Kỵ vẫn bảo tồn, duy trì được tinh hoa của làng nghề nhờ những đôi bàn tay tài hoa và tấm lòng yêu nghề của người dân nơi đây.

Ngày 9/3 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được coi là một sự tôn vinh xứng đáng, tạo cơ hội bảo tồn, gìn giữ tinh hoa làng nghề độc đáo đất Hà thành.

Làng nghề hơn 300 năm tuổi

Ngày nay người dân ở làng Kiêu Kỵ vẫn thường truyền tai nhau và thuộc nằm lòng hai câu thơ đầy tự hào về nghề truyền thống của cha ông:

“Phá giặc uy danh lừng đất Bắc

Dát vàng tinh xảo nức trời Nam”

Theo nhiều ghi chép, nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, thời Hậu Lê. Xưa có cụ Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên (xã Liễu Trai, tỉnh Hải Dương), ông đỗ Tiến sỹ năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sỹ. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, cụ đã học được nghề dát đập vàng để sơn thếp vàng câu đối, hoành phi, tượng…

Về nước, cụ đã truyền nghề dát quỳ vàng bạc cho dân làng Kiêu Kỵ khi đó thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay thuộc xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi truyền nghề cho nhân dân, cụ đã bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ công ơn của cụ, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn cụ Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày 17/8 (Âm lịch) – ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ Tổ hàng năm.

Ngoài ra, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng. Các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng, sau đó về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa đập quỳ). Do đó, ngày 12 tháng Giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng.

Những người thợ Kiêu Kỵ đang thực hiện công đoạn đập diệp.

Những người thợ Kiêu Kỵ đang thực hiện công đoạn đập diệp.

Điểm độc nhất vô nhị của làng nghề làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ là ông tổ Nguyễn Quý Trị chỉ truyền nghề cho người trong làng và làng nghề này trở thành duy nhất ở nước ta. Do đó việc giữ bí quyết nghề là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt đối với người thợ. Người dân trong làng ai muốn học làm nghề thì đều phải đến nhà thờ để khấn tổ nghề. Có lẽ bởi vậy mà Kiêu Kỵ đến nay vẫn là làng nghề duy nhất trong cả nước có nghề sản xuất quỳ vàng, bạc.

Làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, có những lúc, nghề này tưởng chừng đã mai một. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng, cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước và tranh sơn mài… trên cả nước.

Qua hai cuộc chiến, các hộ dân làm nghề còn rất ít. Nhiều gia đình chuyển hẳn sang làm ruộng hoặc các ngành nghề khác. Lúc đó cả làng chỉ còn khoảng 3- 5 hộ còn theo nghề. Phải đến khi đất nước mở cửa phát triển kinh tế như hiện nay, đời sống của nhân dân cũng được nâng cao, xu hướng dát vàng các sản phẩm mới lạ trở lại. Đặc biệt là sự quan tâm cũng như các chính sách nhằm mục đích trùng tu, tôn tạo lại các công trình văn hóa, di tích lịch sử và các làng nghề truyền thống của đất nước thì nghề dát vàng Kiêu Kỵ đã được hồi sinh và phát triển một cách mạnh mẽ hơn.

Hiện làng nghề Kiêu Kỵ có khoảng trên dưới 50 hộ gia đình nhiều đời làm nghề, và nhiều nghệ nhân uy tín được mời đi khắp nơi để dát vàng theo yêu cầu của khách.

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao.

Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao.

Cái tài có một không hai của làng nghề Kiêu Kỵ

“Người Kiêu Kỵ có tài dập 1 chỉ vàng, dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích xấp xỉ 1 mét vuông điều mà cả ngành Công nghiệp dát vàng của Nhật Bản cũng không làm được. Người dân rất tự hào về nghề ông cha để lại”, ông Nguyễn Bá Quy, Chủ nhiệm HTX Quỳ vàng Kiêu Kỵ kể về cái tài của những nghệ nhân làng mình bằng chất giọng đầy tự hào.

Để có được những sản phẩm lấp lánh, bắt mắt, tinh xảo là những sản phẩm tượng được dát vàng, dát bạc, những bức hoành phi câu đối... thì những người thợ làng Kiêu Kỵ phải thực hiện gần 40 công đoạn mới cho ra được những lá quỳ vàng bạc chất lượng.

Quy trình thực hiện của nghề sản xuất quỳ vàng bạc cũng cần có sự khéo léo, cẩn trọng và công phu trong từng công đoạn như nhiều nghề truyền thống khác của người Việt. Đặc biệt, mọi công đoạn của nghề quỳ vàng bạc đến thời điểm hiện tại vẫn phải làm một cách tỉ mẩn bằng chính đôi bàn tay của những người thợ lành nghề, chưa có một thứ máy móc nào có thể thay được điều này.

Để tạo ra những lá quỳ vàng bạc chất lượng cao, các nghệ nhân sẽ phải thực hiện theo quy trình bao gồm các công đoạn như: chế biến mực, pha giấy dó, đập và bóc giấy quỳ, lướt mực và đập giấy quỳ giống, pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ, lướt mực và đập giấy quỳ vỡ, cán vàng và bạc, đánh vỡ, cắt dòng, đánh quỳ, trại quỳ thu thành phẩm.

Lễ giỗ tổ làng nghề Kiêu Kỵ.

Lễ giỗ tổ làng nghề Kiêu Kỵ.

Ở công đoạn làm quỳ mới, người thợ phải làm giấy giống và làm mực, người dân cẩn thận lựa chọn từ những làng nghề làm giấy truyền thống như Yên Thái, chỉ những loại giấy có chất lượng tốt thì mới đảm bảo được chất lượng của quỳ vàng như độ dai và độ sáng bóng.

Lá giống đạt tiêu chuẩn phải đủ độ dai, đàn hồi để không bị rách, nhưng lại không được phai màu keo lẫn vào vàng, nhất là phải khô để miếng vàng không bị dính vào lá giống…Theo các nghệ nhân có thâm niên trong nghề làm vàng, bạc quỳ thì khâu làm giấy quỳ giống và giấy vỡ là quan trọng nhất, có tính quyết định đến chất lượng của sản phẩm.

Công đoạn tiếp theo chính là đập diệp. Diệp được xếp vào các lá quỳ rồi buộc thành từng xếp, cho vào lồng sấy trên bếp lò một đêm. Sau đó, người thợ bít đai xếp diệp - quỳ chặt lại, dùng búa đập đều tay. Đến khi miếng diệp vàng mỏng dàn kín 4 chiều miếng quỳ, cắt tiếp diệp thành 16 miếng nhỏ rồi lại tiếp tục bít đai đập tiếp từng miếng nhỏ này một lần nữa.

Đây được coi là một công đoạn khó, đòi hỏi sự công phu cũng như tay nghề của người thợ và cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Bắt đầu từ một mảnh vàng hoặc bạc nguyên chất, người thợ sẽ dùng dụng cụ của mình là chiếc búa để đập mảnh vàng, bạc phải thật mỏng và thật dài.

Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục với trên 1.400 nhát búa và chỉ cần lơ đãng, búa quỳ sẽ đập vào ngón tay. Đe để đánh quỳ cũng làm bằng tảng đá nhẵn mịn, rắn chắc. Búa chuyên dụng phải là búa cán dài, có sức nặng. Miếng quỳ được cho là đạt chất lượng khi đạt độ mỏng đều, mịn, gỡ ra không bị rách… Một chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích tương đương 0,9m2 thì đến nay chưa có máy móc hiện đại nào làm được. Kỹ thuật này từng khiến những nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản bái phục.

Ông Nguyễn Bá Quý tiết lộ bí quyết được truyền từ đời này qua đời khác là công đoạn làm lá giống để đặt vào các miếng vàng bạc được cán và cắt nhỏ ở công đoạn đập diệp. Cứ 49 miếng điệp được xếp xen kẽ giữa 50 lá giống được bó chặt vào để sử dụng cho công đoạn đánh vỡ. Đây là công đoạn mang tính quyết định chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc.

Một điều cần lưu ý khi lướt và đập giấy quỳ là phải loại bỏ giấy rách nát. Chỉ cần sơ ý quên, vàng bạc lúc cho vào đánh quỳ sẽ bị vỡ vụn, hoặc dàn mỏng không đều, ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ. Lá giống có thể sử dụng lại khoảng 10 lần tùy thuộc vào độ bền, kinh nghiệm làm của từng nhà.

Những gói quỳ thành phẩm sau khi trải qua các công đoạn ráp miếng.

Những gói quỳ thành phẩm sau khi trải qua các công đoạn ráp miếng.

Ông Quý cho biết, đánh quỳ cần sự tinh tế, chính xác, vì vậy không nên làm việc nặng quá, không được rượu bia, thức khuya… Mỗi ngày chỉ nên đánh khoảng 6 - 7 quỳ là đẹp, làm nhiều hơn sẽ mỏi tay, ảnh hưởng đến chất lượng quỳ. Một sản phẩm được đánh giá cao đòi hỏi người thợ phải tán làm sao để khi sờ tay vào sản phẩm miết và mịn như bột, khi dát vào tượng lau đi phải bóng đều, đẹp mắt.

Lá quỳ khi được hoàn tất và dùng để sơn son thiếp vàng thì cần đạt đến độ mỏng nhẹ, nếu bóp trên tay thì sẽ tan ra thành những mảnh vụn mịn màng, khiến người ta cảm giác như lá vàng đó tan thành bụi vậy.

Trong những năm gần đây, nghề làm vàng, bạc quỳ ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: làm vàng, bạc quỳ cựu và làm bạc quỳ tân. Trong đó, vàng và bạc quỳ cựu được làm từ vàng, bạc thật, còn bạc quỳ tân được làm từ thiếc.

Tất cả các khâu trong quy trình làm vàng, bạc quỳ đều được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt. Chỉ khâu chế biến mực, cán vàng bạc và đánh quỳ là được làm ở chỗ mát, thông thoáng. Còn các khâu còn lại đều phải làm trong nhà kín gió. Đặc biệt, ở khâu thu hồi sản phẩm cuối cùng, người thợ phải xoa phấn rôm vào tay cho khỏi dính quỳ.

Ở khâu cuối người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh, vàng cũng đã bay tung. Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.

“Trại quỳ” là công đoạn người thợ phải bóc tách từng miếng thành phẩm mỏng tang rồi ép vào giấy dó để vàng không dính vào nhau và không vỡ vụn.

“Trại quỳ” là công đoạn người thợ phải bóc tách từng miếng thành phẩm mỏng tang

rồi ép vào giấy dó để vàng không dính vào nhau và không vỡ vụn.

Người đau đáu tâm nguyện bảo tồn và phát triển làng nghề

Lớn lên trong gia đình có 3 đời làm nghề sơn son thiếp vàng, ngọn lửa nghề đã được truyền lại và hun đúc trong ông Lê Bá Chung từng ngày. Năm 1981, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, từng là bộ đội, ông Chung được các nghệ nhân trong làng ưu ái cho gia nhập vào đội dán quỳ ở làng, từ đây ông bắt đầu tiếp tục theo và yêu nghề cha ông để lại.

Nhưng đó cũng là giai đoạn khó khăn của làng nghề khiphần lớn dân trong làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Những năm 1987-1990, trong làng chỉ còn lại vài ba nhà còn làm nghề vàng quỳ, các sản phẩm vàng quỳ cũng khó bán.

Ông Chung nhớ lại: “Khi sản phẩm không tiêu thụ được đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Các nghệ nhân gạo cội trong làng không có viẹc làm, mọi người chỉ trông đợi vào một vài đơn hàng lúc có lúc không. Lúc đó nhìn họ, nghĩ về cái nghề tinh xảo của làng mà cảm thấy xót xa”.

Từ động lực đó, ông Chung đã quyết tâm rong ruổi khắp nơi, từ làng nghề làm đồ sơn mài Cát Đằng ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), làng gỗ Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định), làng nghề tạc tượng Bảo Hà (Hải Phòng)… để mời chào bán quỳ. Thời đó, phương tiện đi lại chưa thuận lợi như bây giờ. Mỗi chuyến đi Nam Định hay Hải Phòng phải mất mấy ngày. Khó khăn, nhưng chỉ cần nghe thấy nơi nào có nhu cầu mua vàng quỳ là ông Chung không ngại ngần mà lập tức lên đường.

May mắn rằng mọi sự cố gắng của ông Chung đã được đền đáp khi bắt đầu từ năm 1993, làng nghề hồi sinh trở lại, nhu cầu sử dụng vàng quỳ ở các tỉnh dần dần tăng. Những khách hàng ở khắp nơi đã chủ động tìm về Kiêu Kỵ, không còn cái cảnh ông Chung phải lang thang khắp các tỉnh thành chào hàng. Sau một thời gian trầm lắng, những âm vang đập quỳ rộn rã trở lại. Không chỉ ở Kiêu Kỵ mà nhiều người dân làng bên cạnh thấy nghề này cho thu nhập khá nên đã tìm đến để xin học nghề.

Để nhiều người có cơ hội học được nghề hơn, ông Chung đã mày mò nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành sản phẩm, thay nguyên liệu phụ trợ, máy móc hỗ trợ để giảm công đoạn sản xuất quỳ, từ hơn 40 công đoạn nay còn hơn 20 công đoạn.

Với cái tâm tận tụy với nghề, năm 1989, ông đã nghiên cứu tìm ra chất giấy thay thế giấy gió không phải nhập khẩu từ nước ngoài; đồng thời, cải tiến đập diệp, máy xay mực, lướt cả tờ to để giảm ngày công lao động. Ông được các cụ trong làng và các nghệ nhân, các gia đình sản xuất thừa nhận cải tiến kỹ thuật và truyền thống nghề giữ gìn văn hóa truyền thống, khôi phục nghề đã bị mai một.

Tuy nhiên, đến năm 1995, sau một thời gian phát triển rầm rộ, nghề vàng quỳ Kiêu Kỵ lại đứng trước một “biến cố” khác, đó là khủng hoảng thừa. Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được vì cung vượt quá cầu. Một lần nữa ông Chung lại lặn lội đi khắp các làng nghề sơn son thếp vàng để tìm hướng tiêu thụ sản phẩm.

“Cũng may mắn nhờ chịu khó đi, chịu khó quan sát học hỏi mà tôi học được thêm nhiều kinh nghiệm làm nghề như làm sơn ta truyền thống, sơn son thếp vàng của các nghệ nhân kỳ cựu để phát triển nghề dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ sau này”, ông Chung tâm sự.

Sản phẩm đầu tay của cha con ông Chung là pho tượng Di Lặc. Nhưng khi đó do chưa có kinh nghiệm và quá vội vàng mang đi triển lãm nên pho tượng gỗ vì thời tiết hanh khô mà bong tróc hết toàn bộ phần vàng dát bên ngoài. Không từ bỏ, sau nhiều lần thất bại, ông Chung lại mày mò nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và khắc phục.

Theo ông Chung, khi sử dụng sơn ta để sơn lên các sản phẩm thì cái khó nhất là phải giữ được độ ẩm cho môi trường chung quanh tránh việc sơn bị bong. Để khắc phục ông Chung đã nghĩ ra cách dùng ni-long trùm kín, sau đó dùng nước đun sôi đổ xuống chân tượng để hơi nước bốc lên đọng lại trong túi ni-long sao cho lượng nước vừa đủ giúp cho sơn nhanh khô và bám chặt vào sản phẩm.

“Làm quỳ đã khó, dát quỳ lên tượng lại càng khó hơn, việc đó đòi hỏi người thợ phải có cái tâm, phải kiên trì, nhẫn nại nếu không sẽ rất khó thành công”, ông Chung nói.

Sau 41 năm gắn bó với nghề và sau 14 năm làm nghề sơn thếp vàng, đến nay, tiếng tăm của nghệ nhân Lê Bá Chung đã vang khắp trong nam ngoài bắc. Ông Lê Bá Chung chia sẻ, sản phẩm dát vàng quỳ cũng là niềm tự hào của người dân Kiêu Kỵ.

Một sản phẩm không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của người nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên nghề làm vàng, bạc quỳ của Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế độc đáo, duy nhất trên khắp cả nước, nhận được sự đánh giá cao của không chỉ bạn hàng trong nước, mà của khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Điều khiến ông Lê Bá Chung tự hào hơn nữa là đến nay, trong làng đã có Hợp tác xã quỳ vàng Kiêu Kỵ và 13 tổ hợp tác, 60 hộ cá thể với tổng số hơn 500 lao động, thu nhập bình quân của mỗi người từ 5-7 triệu đồng/tháng. Toàn xã Kiêu Kỵ có 120 gia đình làm và kinh doanh quỳ vàng, quỳ bạc, nhiều hộ sản xuất quy mô lớn với hàng chục thợ làm việc.

Với nhiều đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn bảo tồn và phát huy được giá trị của làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ, năm 2004, ông Lê Bá Chung là một trong số những người làm nghề truyền thống đầu tiên được UBND TP Hà Nội xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Năm 2016, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Mới đây, năm 2017 ông được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Đọc thêm