Lập trình để cứu động vật hoang dã

(PLVN) - Giải pháp công nghệ mang tên Found “made in Vietnam” bảo vệ động vật hoang dã đã xuất sắc vượt qua 82 nhóm dự án đến từ 15 quốc gia giành giải nhất cuộc thi Zoohackathon 2021 toàn cầu, cho thấy chúng ta có thể đặt niềm tin ở thế hệ trẻ trong việc bảo vệ các loài hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Đội BLATH và niềm vui chiến thắng.

Bảo vệ ĐVHD bằng sáng tạo công nghệ

Zoohackathon là một cuộc thi toàn cầu, tập hợp các sinh viên đại học, người lập trình, phát triển phần mềm, thiết kế đồ hoạ và các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan cùng phát triển các giải pháp sáng tạo để đưa giải pháp chống lại tội phạm trục lợi từ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) thông qua công nghệ. Cuộc thi này được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2016. Năm 2021, Zoohackathon Vietnam được phối hợp tổ chức bởi CHANGE, WildAid cùng các đối tác là Đại học FPT và Vietseeds Foundation, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Cuộc thi toàn cầu 2021 quy tụ hơn 360 bạn trẻ đến từ 15 quốc gia khác nhau, với tổng số 83 giải pháp công nghệ sáng tạo. Ban Tổ chức cuộc thi toàn cầu đã công bố 3 giải pháp đoạt giải cao nhất trên website của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó, sản phẩm “Found” từ đội BLATH đại diện Việt Nam đoạt giải nhất toàn cầu (Winning Global Solution).

Đội BLATH gồm các thành viên đến từ Hà Nội: Nguyễn Hạnh Linh, Nguyễn Hồng An, Lương Sơn Bá, Đinh Quỳnh Thơ, Nguyễn Đức Hải. Đây là nhóm bạn thân từ thời THPT, có điểm chung đều yêu thích ĐVHD. Chỉ trong vòng 48h tham gia cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021, các bạn đã hoàn thành sản phẩm công nghệ có tên là “Found” - ứng dụng giúp cộng đồng có thể trực tiếp báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD trực tuyến và ngoại tuyến. Dữ liệu thu được dùng để phục vụ mục đích khảo sát, xử lý các hành vi vi phạm hỗ trợ các cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ.

Trước đó, tại cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021 (tháng 11 năm 2021) với chủ đề “Coding to end wildlife trafficking” (tạm dịch: Lập trình để cứu ĐVHD), Found đã nằm trong Top 3 giải pháp công nghệ sáng tạo, tối ưu nhất và đã được lựa chọn để đại diện Việt Nam tham dự vòng tranh giải toàn cầu.

Chia sẻ niềm vui chiến thắng, Nguyễn Hạnh Linh, Trưởng nhóm BLATH, nói: “Thật sự tụi em rất vui khi được CHANGE báo tin mừng này. Trong suốt thời gian chờ đợi kết quả, mặc dù Found nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng tụi em cũng tự nhìn lại sau cuộc thi và nhận thấy vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, không chỉ ở bọn em mà còn ở sản phẩm Found. Do đó, với mong muốn có thể thực hiện hóa ý tưởng này trong tương lai, góp sức mình cho bảo tồn, chúng em khuyến khích nhau cần phải phát triển bản thân hơn nữa để lại có cơ hội đồng hành cùng nhau, hoàn thiện sản phẩm ở mức tốt nhất”.

Là thành viên Ban Tổ chức đồng thời là giám khảo cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021, bà Hoàng Thị Minh Hồng - sáng lập, Giám đốc CHANGE - hào hứng khi nhận được tin: “Tôi thật sự rất tự hào! Các thành viên của nhóm BLATH rất trẻ và đặc biệt 3 trong số 5 thành viên là nữ, cho thấy công nghệ không phải là đặc quyền lĩnh vực của nam giới. Trong vòng thi chung kết ở Việt Nam, nhóm BLATH không những tự tin thể hiện tài năng công nghệ của mình, mà ở các em còn toát ra một niềm đam mê và lòng quyết tâm đóng góp vào giải pháp bảo vệ các loài hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Và chính điều đó mang cho tôi rất nhiều hy vọng”.

Bảo vệ ĐVHD ngay hôm nay

Thiên nhiên hoang dã toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, và một trong số đó là nạn buôn bán ĐVHD trái phép trên các nền tảng mạng xã hội. Việt Nam có đa dạng sinh học hàng đầu thế giới nhưng cũng là một trong những “điểm nóng” về săn bắt, tiêu thụ và trung chuyển ĐVHD.

Nhìn lại hành trình cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021 có thể thấy dù diễn ra trong giai đoạn diễn biến của đại dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng sức hút cuộc thi không hề giảm đối với giới trẻ yêu công nghệ và ĐVHD khi thu về gần 300 đơn đăng ký. Với mùa giải năm nay, cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021 mong muốn trao niềm tin và sức mạnh thay đổi thế giới cho những người trẻ. Cuộc thi kỳ vọng sẽ là nơi để người trẻ thể hiện sự sáng tạo và tư duy đổi mới nhằm đưa ra những giải pháp đột phá về công nghệ cho các thử thách trong lĩnh vực bảo tồn trong thời đại công nghệ 4.0.

Đến với cuộc thi năm nay, 125 bạn trẻ từ nhiều trường đại học đã đem tới những ý tưởng sáng tạo và một tinh thần nhiệt huyết mong muốn đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Trong phiên lập trình kéo dài 48 giờ, 21 đội đã cùng tìm hiểu và lựa chọn từ 6 tuyên bố vấn đề của cuộc thi năm nay, học hỏi từ các cố vấn, thảo luận và lập trình để tạo ra những sản phẩm công nghệ mới mẻ sáng tạo, xoay quanh tuyên bố vấn đề mà mình đã lựa chọn.

Các ý tưởng sản phẩm giải pháp của các đội rất phong phú, bao gồm: Các ứng dụng, nền tảng, giúp nâng cao nhận thức về các loài hoang dã nguy cấp; Các công cụ hỗ trợ quá trình điều tra việc buôn bán ĐVHD trên không gian mạng; Các sáng kiến công nghệ có thể giúp người dân báo cáo đưa thông tin về các hoạt động buôn bán ĐVHD một cách an toàn và hiệu quả; Các công cụ tìm kiếm và tổng hợp kho dữ liệu và tài liệu để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức bảo tồn, cũng như phục vụ mục đích giáo dục.

Ở vòng chung kết, ngoài đội BLATH còn có đội DeColGen, gồm các thành viên đến từ TP Hồ Chí Minh và giải pháp có tên là “WildGogh” - chương trình dùng để phát hiện tự động các bài đăng, bài rao bán vi phạm về mua bán và tiêu thụ ĐVHD trên mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử. Từ những dữ liệu thu thập được, chương trình được lập trình để đưa ra quyết định liệu xử lý: xóa bỏ, báo cáo với nền tảng chủ quản hay cần sự can thiệp sâu hơn. Hệ thống đồng thời ghi nhớ hành vi của những tài khoản bị cấm/xóa và tự xây dựng một thuật toán để dự đoán những người dùng tiềm năng của các nhóm có số lượng người dùng lớn, nền tảng cho các hoạt động buôn bán và vận chuyển trái phép ĐVHD.

Đội SaoLa với nền tảng ứng dụng có tên là “SaoLa” giúp cho người dùng mạng xã hội có thể cập nhật thông tin về ĐVHD, các bài báo, tin tức, luật pháp một cách đầy đủ nhất, thậm chí có thể báo cáo các hành vi trái pháp luật với các cơ quan chức năng liên quan. Cũng trong sản phẩm này, đội phát triển nền tảng game (trò chơi), người dùng có cơ hội đóng vai người kiểm lâm với nhiệm vụ bảo vệ các loài sinh vật trong rừng. Sau khi đã chăm sóc các loài vật một thời gian, người dùng sẽ nhận được một lượng tiền ảo và công nghệ blockchain có thể chuyển số tiền này thành tiền thật cho người dùng.

Là một thành viên trong đội DeColGen xuất sắc giành chiến thắng, bạn Huỳnh Minh Nhật chia sẻ: “DeColGen tham gia cuộc thi này với suy nghĩ rằng: không phải tương lai mà chúng ta phải bảo vệ ĐVHD ngay hôm nay”. Chia sẻ về cuộc thi, Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Marie C. Damour cho biết: “Để có thể thực sự chấm dứt được nạn buôn bán ĐVHD, chúng tôi cần có nhiều đối tác tham gia cùng bảo tồn ĐVHD hơn. Chúng tôi cần tất cả các bạn. Sự đam mê, các sáng kiến, tài năng và sự sáng tạo của các bạn đều đem lại đóng góp vô giá cho nhiệm vụ này”.

Năm 2021, báo cáo “COVID-19 - Một năm nhìn lại” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và GlobleScan được công bố cho thấy, sau hơn một năm dịch COVID-19 bùng phát, người dân đã nhận thức rõ về rủi ro về việc tiếp xúc giữa con người và động vật, đặc biệt trong các trường hợp liên quan tới nạn phá rừng và buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao. Đa số những người được khảo sát tin rằng việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai cần bắt đầu bằng việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm buôn bán ĐVHD có nguy cơ cao và phá rừng. Tại cả 5 quốc gia, người dân ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa các chợ bán ĐVHD có nguy cơ cao - nơi bán động vật bị bắt từ tự nhiên (85%) và chấm dứt nạn phá rừng (88%). Trong đó, tại Việt Nam, tỉ lệ ủng hộ cho 2 vấn đề trên lần lượt là 94% và 95%.