Lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS

(PLO) - Bộ Tư pháp bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.  Dự án luật dự kiến này sẽ được Quốc hội  cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). 
Lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến lượng án tồn đọng lớn
Tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Tư pháp khẳng định Luật Thi hành án dân sự hiện hành đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả hơn và có nhiều quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự rõ ràng, dễ thực hiện hơn. 
Kết quả thi hành án dân sự về việc và tiền đạt tỷ lệ cao và cơ bản được giữ vững, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự cũng được kiện toàn một bước so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Các cơ quan thi hành án dân sự là hệ thống dọc trực thuộc Bộ Tư pháp đã khẳng định được sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự, vị thế cơ quan thi hành án dân sự ngày càng được nâng lên. 
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Bộ Tư pháp cũng nhận định Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. 
Một là, hoạt động thi hành án dân sự chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp, công đoạn cuối cùng của tố tụng theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, vì vậy, còn chưa thực sự tạo ra sự gắn kết giữa hoạt động xét xử và thi hành án dân sự, Tòa án chưa chịu trách nhiệm đến cùng trong việc thi hành các bản án, quyết định của mình; vẫn còn tình trạng án tuyên không rõ nhưng Tòa án chưa kịp thời giải thích, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án dân sự.  
Hai là, Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án tự tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là không phù hợp với thực tế hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta, do vậy đã không phát huy được hiệu quả trên thực tế, gây trở ngại khó khăn cho người được thi hành án nói riêng, công tác thi hành án dân sự nói chung. 
Bên cạnh đó, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế như: trình tự, thủ tục thi hành án còn phức tạp, kéo dài, nhiều công đoạn; chưa tạo điều kiện để đương sự chủ động tham gia tích cực vào trong quá trình thi hành án; thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan; chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được thi hành án mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải thi hành án, dẫn tới việc chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa nghiêm, cố tình chây ỳ, kéo dài thi hành án và không tự nguyện thi hành án; mặt khác, việc áp dụng các biện pháp chế tài về hành chính, kinh tế và hình sự đối với người phải thi hành án không được quyết liệt, kịp thời nên chưa có đủ sức mạnh để răn đe. 
Về thực tiễn, kết quả thi hành án: lượng án tồn đọng tuy có giảm qua các năm nhưng vẫn còn tồn đọng lượng việc rất lớn (gần 200 nghìn việc). Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau (hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật, quy định của pháp luật nội dung, quy định của pháp luật về thi hành án dân sự,...). 
Đối với nguyên nhân xuất phát từ quy định của Luật Thi hành án dân sự, có thể nhận thấy trên các khía cạnh sau: công tác phối hợp và trách nhiệm của Tòa án chưa thực sự hiệu quả; Viện kiểm sát mới chỉ kiểm sát công tác thi hành án dân sự của các cơ quan thi hành án dân sự mà chưa kiểm sát việc thi hành án dân sự của người phải, người được thi hành án (đặc biệt là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước); quy định điều kiện để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án chưa phù hợp. 
Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Luật hiện hành chưa quy định rõ sự phối, kết hợp giữa quản lý nhà nước theo ngành và theo lãnh thổ đối với công tác thi hành án dân sự; sự quản lý và trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan trong thi hành án chưa hiệu quả. 
85 điều được dự kiến sửa đổi, bổ sung
Với mục đích ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự nhằm bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự; giảm cơ bản vụ việc tồn đọng; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án... 
Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 85 điều, gồm: sửa đổi, bổ sung 74 điều, khoản; bổ sung mới 10 điều, khoản; bãi bỏ 01 điều, khoản. Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến về Dự án luật, các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của Dự án luật. Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến khác nhau về phạm vi sửa đổi, tên gọi và vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong việc ra quyết định thi hành án và về trách nhiệm xác minh của người được thi hành án.

Đọc thêm