Lễ tôn vinh hay kích động?
Chưa bao giờ có 2 buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập một ngành như 2 buổi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hãng Phim truyện VN.
Một buổi được tổ chức vào tối mùng 6/12 tại số 4 Thụy Khuê, địa chỉ của Hãng phim truyện, do các nghệ sĩ của Hãng đứng ra tổ chức, với Giấy mời được ký bởi NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam.
Buổi Lễ kỷ niệm thứ hai được tổ chức tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Lãng Hạ vào sáng 24/12 do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, với người đứng đầu là Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng được phân công phụ trách Cục Điện ảnh sau khi Quyền Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà bị cách chức hồi tháng 10/2019 do cấp phép bộ phim “Everest-Người tuyết bé nhỏ” có đường lưỡi bò.
Buổi lễ tối 6/12 do các Nghệ sĩ tổ chức đã diễn ra với nhiều nước mắt xúc động, nhiều tiếng nấc uất nghẹn của những người nghệ sĩ. Họ uất nghẹn, lên tiếng việc Hãng phim bị bỏ mặc sau sự việc cổ phần hóa có sai phạm, bản thân nghệ sĩ bị hất ra vỉa hè xã hội trong cảnh hãng phim điêu tàn, mặc dù vẫn tạm “ngự” trên mảnh đất đã làm nên những thành tích vẻ vang suốt 60 năm lịch sử!
Buổi lễ sáng 24/12 có cờ hoa, có triển lãm, có đàn hát, có phát biểu, có danh sách những người của hãng được Bộ vinh danh, tặng kỷ niệm chương và tôn vinh. Và bất ngờ nhất là có cả băng rôn, biểu ngữ đòi Bộ VHTTDL phải giải quyết việc cổ phần hóa Hãng phim, đòi giải quyết tình trạng không lương, không việc làm, không bảo hiểm của nghệ sĩ và người lao động…
Sân khấu trơ khấc với 2/24 người được xướng tên lên nhận kỷ niệm chương. Đa số người được tôn vinh không hưởng ứng, hoặc không có mặt, hoặc có mặt nhưng không lên nhận kỷ niệm chương như một cách thể hiện chính kiến bất bình!
Rồi những ý kiến căng thẳng từ khán phòng nói về nỗi khổ của nghệ sĩ và người lao động của Hãng phim, về sự trì trệ hết tháng này sang năm khác của lãnh đạo Bộ VHTTDL không thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thoái vốn của VIVASO (Công ty “mua” Hãng phim), về hậu quả của vụ việc cổ phần hóa dẫn đến sự hủy diệt cửa một đơn vị nghệ thuật đã có một lịch sử vẻ vang 60 năm…
Những tiếng nói mạnh mẽ ấy làm lắng nghẹn mấy trăm con người trong khán phòng, làm cho các tiết mục ca nhạc trở nên lố bịch. Chưa thấy ở đâu có một buổi lễ kỷ niệm kỳ lạ, có những tình huống cười ra nước mắt đến như vậy!
Hai buổi lễ cùng đáng buồn. Và thật khó hiểu về sự việc tổ chức đến hai buổi Lễ kỷ niệm đối với một Hãng phim mà trong đó, một, do tự phát; một do chủ động nhưng lại là sự chủ động để “giải quyết hậu quả” của buổi lễ thứ nhất.
Các nghệ sĩ và người lao động của Hãng phim cảm thấy khó hiểu là khi các nghệ sĩ Hãng phim đứng ra tổ chức buổi lễ tại Hãng (với người đại diện Ban Tổ chức ký giấy mời là NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim), thì lãnh đạo Bộ VHTTDL không đến dự, không có tiếng nói để động viên nghệ sĩ, chỉ có bà Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà (nguyên cán bộ làm phục trang của Hãng phim truyện) đến dự và chính thức phát biểu như trách nhiệm của người quản lý ngành điện ảnh.
Bà Thu Hà hứa trước toàn thể nghệ sĩ là đại diện của Bộ sẽ gặp gỡ nghệ sĩ trong ngày 24/12 để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến Hãng phim. Nhưng rút cục, buổi Lễ do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (giấy mời của Cục Điện ảnh do bà Nguyễn Thị Thu Hà ký) đã diễn ra mà chẳng hề có một ý kiến chính thức nào từ Lãnh đạo Bộ về việc tháo gỡ khó khăn chồng chất của nghệ sĩ.
Điều này gây nên sự thất vọng nặng nề hơn cho nghệ sĩ và người lao động.
Rút cục, phát ngôn của bà Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà chỉ thể hiện sự hứa hão và buổi Lễ do Cục Điện ảnh tổ chức như giọt nước làm tràn ly, như một sự kiện kích động thêm nghệ sĩ và người lao động không có lương, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ nhiều tháng nay. Thư chào mừng và động viên nghệ sĩ của Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng chỉ là một thủ tục của sự kiện mà thôi.
Lễ kỷ niệm thành nơi giãi bày bức xúc
Tại buổi lễ “sinh nhật” Hãng phim, trong lúc lãnh đạo Bộ VHTT&DL tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân và tặng hoa các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2019 thì nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đồng loạt giăng băng-rôn: "Đề nghị Bộ Văn hóa giải quyết vấn đề cổ phần hóa ở VFS".
Buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hãng do Bộ VHTT&DL tổ chức. |
Buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hãng do Bộ VHTT&DL tổ chức, tuy nhiên, các nghệ sĩ tại VFS không hài lòng với buổi lễ này. Trong tình cảnh "Không việc làm, không lương, không bảo hiểm" như biểu ngữ giăng, các nghệ sĩ hãng phim đều mong muốn bộ giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hóa hãng phim và buộc cổ đông chiến lược VIVASO phải thoái vốn như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được mời lên phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm đã chia sẻ ý kiến: "Hãng chúng tôi có truyền thống, có nền tảng, điều đó không thể phủ định, xóa sổ được. Cổ phần hóa là kinh nghiệm đau đớn không chỉ cho anh chị em nghệ sĩ mà với cả đối tác đã tham gia quá trình này. Chúng ta đã cùng nhau nhảy vào một vũng lầy và đẩy anh chị em chúng tôi vào một giới hạn, mà sức chịu đựng của con người khó để vượt qua. Hôm nay là cơ hội để nói ra, để lãnh đạo Bộ, Cục chia sẻ với anh chị em, tuy rằng mọi việc chưa rõ ràng nhưng vẫn có hi vọng. Quan trọng nhất là trong năm tới, trong những năm tiếp theo sẽ có quyết sách của Nhà nước để hãng có chủ quyền như xưa để tiếp tục sự nghiệp của thế hệ cha anh".
Chia sẻ với phóng viên, Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã bày tỏ cảm xúc và điều muốn nói với Bộ VHTT&DL và Cục Điện ảnh:
“Trong buổi lễ kỷ niệm không vui này, tôi chỉ muốn hét lên câu hỏi: Tại sao? Các lãnh đạo của Bộ chủ quản hãy thử hình dung vợ con, cha mẹ họ phải sống trong cảnh hai năm trời không lương không việc làm, bảy tháng trời không bảo hiểm… thì họ sẽ thế nào? Sao không thử đặt mình vào hoàn cảnh của những con người đang cạn kiệt cả sức lực lẫn niềm tin vào thể chế bởi chính những sai phạm của Bộ?
Năm hết Tết đến, lãnh đạo Bộ có nghĩ tới những con người mang danh “canh giữ ngôi đền nghệ thuật” đang nghẹn tắc trong uất ức và tủi hổ vì không thể cho vợ con gia đình mình một cái Tết ấm áp vui vẻ không? Bần cùng hơn cả bần cùng, đó là tình cảnh của nghệ sĩ và người lao động nói chung của VFS hiện nay.
Đó là điều khiến tôi muốn gào lên trong bất lực. Chỉ có một cách để chấm dứt câu chuyện kinh khủng này, là những người đang giữ vai trò Cổ đông chiến lược của VFS hãy rời khỏi “nhà” chúng tôi, hãy trả VFS lại cho nghệ sĩ.
Ngay sau đó, các cấp lãnh đạo hãy lấy hết thiện tâm của mình để ngồi xuống, lắng nghe những khát vọng, những phương án xây dựng lại VFS của các thế hệ nghệ sĩ đã hoặc đang làm việc tại đây. Hy vọng cơn sóng thần đã quét qua VFS sẽ chấm dứt. Số 4 Thụy Khuê sẽ an lành trở lại để bắt đầu một bước phục hưng mới.”
Kết luận của Thanh tra chính phủ cần phải được thực hiện
Cuối buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao - du lịch Tạ Quang Đông có lý giải về tiến độ giải quyết vụ cổ phần hóa Hãng phim theo quyết định của Thanh tra Chính phủ, ông Đông cho biết: "Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Thanh tra Chính phủ đã kết luận rồi, mọi việc đang được thực hiện theo tiến độ pháp luật hiện hành. Vẫn chưa hết thời hạn của thanh tra Chính phủ về việc thoái vốn của VIVASO”.
"Việc các nghệ sĩ CBCNV của VFS ngày hôm nay phải căng băng rôn biểu ngữ ngay giữa sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng là cực chẳng đã. Nhưng con giun xéo mãi cũng phải quằn….” |
Tuy nhiên, việc thực hiện theo kết luận của Thanh tra chính phủ của Bộ VHTT&DL lại không được các nghệ sĩ tại VFS đồng tình, bởi họ cho rằng quá chậm trễ.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: “Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua kể từ khi Kết luận của Thanh Tra Chính Phủ về những sai phạm trong quá trình Cổ phần hóa VFS, và yêu cầu Bộ VH – TT& DL phải tiến hành thủ tục cho VIVASO thoái vốn, rút khỏi vai trò cổ đông chiến lược giả hiệu của họ tại VFS? nhưng dường như đã không có gì chuyển động cả. Bộ đã không làm gì để cán bộ công nhân viên của Bộ được sống cho đúng nghĩa Con Người. Họ hạ nhục nghệ sĩ bằng sự im lặng, chây ì, bởi những vướng mắc mà chỉ mình họ biết. Việc các nghệ sĩ CBCNV của VFS ngày hôm nay phải căng băng rôn biểu ngữ ngay giữa sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng là cực chẳng đã. Nhưng con giun xéo mãi cũng phải quằn….”
Hoa sỹ Vũ Huy bức xúc nêu quan điểm: “Bộ VHTT&DL trong ít nhất một năm qua đã phớt lờ Kết luận của Thanh tra Chính Phủ, cũng như phớt lờ việc các Nghệ sỹ và cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam không có lương và bảo hiểm. Tôi thấy đây là một tội ác với các nghệ sỹ ,với công chức, viên chức tại Hãng, với các bậc tiền nhân đi trước và đặc biệt là có lỗi với người sáng lập ra Điện ảnh Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hành động này như thể tiếp hơi cho kẻ xấu đang dã tâm “tư nhân hoá” tài sản của nhân dân, của Nhà nước cũng như 'thủ tiêu' một cơ quan Văn hoá lớn của Đảng.”