Tất cả những cái đó dù biện minh kiểu gì cũng cho thấy một hình ảnh “người hùng từ cõi chết” trở về “chói lọi”, vô cùng phản cảm trong một ngày quốc tang.
Không những thế, sự đón tiếp này còn gây ra ảo tưởng cho lớp trẻ về một “thần tượng” kiểu mới. Hương từng thừa nhận trước tòa do muốn nổi tiếng mà tham gia vào một trò chơi “chết người”. Dù cô không nhận thức được hậu quả của “trò chơi” đó do kém hiểu biết, do bị lôi kéo, do nhẹ dạ cả tin thì đó cũng là tội ngộ sát và cô chính là tội đồ thì có gì là vinh dự.
Nên đáng xấu hổ, cúi đầu mà cảm tạ đất nước này đã giúp cô được đối xử với tư cách là công dân một nước có chủ quyền và thượng tôn pháp luật.
Cuộc đón tiếp nữ tù nhân ngày trở về này thực sự đã gây nên một cơn bão mạng, không ít người tỏ ra bức xúc và phẫn nộ trước những hình ảnh cuồng nhiệt của đám đông với “thần tượng” của họ.
Ở một diễn biến khác, trái ngược với tất cả những gì xảy ra ở cuộc đón tiếp kia, những người - tổ chức và cá nhân đã âm thầm giúp Đoàn Thị Hương cả về vật chất và tinh thần để tiếp cận công lý từ lúc cô mới bị bắt thì họ không xuất hiện trong cái buổi đón cô. Đó là cách ứng xử văn hóa và tự trọng, rất đáng để mọi người biết đến mà học tập, làm theo.
Giới trẻ từng lệch chuẩn khi tung hô, ngưỡng mộ những “Khá Bảnh”, “thánh chửi”, những thần tượng ca nhạc nước ngoài,... làm cho người lớn cảm thấy xấu hổ và lo lắng cho văn hóa dân tộc và đạo lý truyền thống.
Bây giờ, đến trường hợp của cô Hương này, mới thấy sự non nớt về nhận thức, sự thiếu hiểu biết các giá trị làm người, thiếu những kỹ năng ứng xử văn hóa... không chỉ có ở những người mới lớn!