Đã một tuần nay, chị Lê Kim H., ngụ Phước Long, Thủ Đức và chồng không nói với nhau tiếng nào. Xuất phát từ việc chị phát hiện ra chồng trò chuyện thân mật với một nữ đồng nghiệp.
Ban đầu, khi đọc được tin nhắn, dù chưa có gì “quá đáng” nhưng chị vẫn thấy những dấu hiệu đáng lo ngại nên “chất vấn” chồng. Anh chồng chối bay, bảo “chỉ là đồng nghiệp bình thường”. Trước áp lực của vợ, anh chồng hứa xoá số đồng nghiệp và không liên lạc nữa. Tuy nhiên, ít ngày sau chị H. lại phát hiện chồng nhắn tin cho đồng nghiệp nói trên và tên nữ đồng nghiệp đã được lưu với một cái tên đàn ông để đánh lạc hướng.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt. Chị H. cho rằng chồng mình rõ ràng rất “có vấn đề”, chắc chắn có mối quan hệ bất chính với đồng nghiệp. Anh chồng thì bị vợ ép quá, nói huỵch toẹt ra là mình chỉ tìm một người hiểu mình để tâm sự, chia sẻ từ xa, vì sau một thời gian dài ở trong nhà quá ngột ngạt, mệt mỏi.
Chị H. bị tổn thương vì mình không phải là nơi để chồng sẻ chia nỗi lòng mà chồng lại chọn một người phụ nữ khác để làm thế. Sau cuộc nói chuyện căng thẳng là “chiến tranh lạnh”.
Đem câu chuyện của mình lên nhóm kín trang mạng xã hội, chị H. nhận được hàng trăm lời động viên, chia sẻ. Việc đọc những lời an ủi, khuyên bảo từ những người xa lạ nhưng quan tâm đến mình cũng khiến chị H. cảm thấy được an ủi phần nào. Trong số đó, có không ít lời khuyên từ những người có trình độ, thấu hiểu và có kinh nghiệm sống đã khiến chị phần nào thay đổi suy nghĩ.
Chị H. đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với chồng, hiểu được vì sao anh thấy áp lực và không thể sẻ chia trong chính tổ ấm của mình. Từ đó, cả hai đã có những thay đổi tích cực để vun đắp đời sống vợ chồng.
Hiện nay trên mạng xã hội có hàng trăm group kín dành cho những người muốn chia sẻ chuyện buồn vui hôn nhân, giải tỏa áp lực gia đình. Những tưởng, mùa dịch, với áp lực dịch bệnh, những group kín sẽ vắng người sẻ chia, nhưng lại “tấp nập” hơn bình thường.
Có thể nói, những group kín, diễn đàn hôn nhân gia đình có thể được ví như tấm phao cho nhiều chị em trong thời điểm này, tất nhiên không phải là “liều thuốc” chữa trị cho những rạn nứt, tổn thương, rắc rối trong gia đình. Khi đăng một lời tâm sự lên mạng ảo, bên cạnh những an ủi, sẻ chia, người viết có thể nhận được những điều độc hại khác, như mỉa mai, chê trách và cả những lời xúi bẩy “mặc định” như chồng ngoại tình thì nhất định nên ly hôn với người tệ bạc, cha mẹ ly hôn thì con cái bắt buộc nên ở với mẹ, sống chung với mẹ chồng phiền phức thì nhất định cần ra riêng...
Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi tính; mỗi một trường hợp cần có sự cân nhắc, hành xử khác nhau. Những lời an ủi hay lời khuyên có thể là hữu ích nhưng cũng có thể phản tác dụng, đưa sự việc đi quá xa nên cần lắng nghe thật sáng suốt.