Đánh con để giáo dục, phụ huynh có thể bị phạt tới 20 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Tuấn Anh (Quảng Ninh) hỏi: Đòn roi vẫn được coi là hình phạt phổ biến của bố mẹ khi con cái không nghe lời. Tuy nhiên, tôi thấy đây là cách cư xử không nên có của các bậc phụ huynh. Xin hỏi, giáo dục con theo cách này có vi phạm pháp luật không?.
Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.
Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng.

- Luật sư Đoàn Thị Ánh Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định, hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 giải thích về “bạo lực trẻ em” như sau: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Theo các quy định nêu trên, việc cha mẹ đánh đập con dù vì mục đích giáo dục cũng bị coi là hành vi bạo lực trẻ em. Đây là hành vi bị pháp luật cấm, do đó khi cha mẹ thực hiện hành vi này cũng được coi là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với người có hành vi gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.

Ngoài việc phạt nộp phạt tiền nêu trên, người vi phạm còn phải chịu mọi chi phí để khám, chữa bệnh (nếu có). Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sử dụng đòn roi, vũ lực gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của trẻ em, hành vi này có thể bị truy tố hình sự về một trong số các tội theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự), người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng 20 năm hoặc tù chung thân.

Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự), người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự), người phạm tội bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Như vậy, với hành vi cha mẹ đánh đập con thì tùy vào mức độ của hành vi mà cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng và bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội như đã nêu trên.

Đọc thêm