Lịch sử thông thương của người Hoa đến xứ Đàng Trong

(PLVN) - Từ thế kỷ 17, người Hoa đã không chỉ đến buôn bán ở các xứ Đàng Trong theo định kỳ mà họ còn định cư ngay tại chỗ. Sự hiện diện của họ ảnh hưởng đến sự gia tăng mạnh số dân đinh, đã lên gấp 5 lần trong vòng dăm chục năm. 
Lịch sử thông thương của người Hoa đến xứ Đàng Trong

Lê Quý Đôn đã đưa ra con số 19.335 người phải đóng thuế đinh trong 3 châu huyện của phủ Gia Định, tức là huyện Tân Bình (sau này là tỉnh Gia Định) 10.506 người, huyện Phước Long (sau này là tỉnh Biên Hòa) 5.532 người, và châu Định Viễn (sau này là tỉnh Vĩnh Long) 3.297 người.

Sang thế kỷ 20, sự hiện diện của người Hoa cũng gia tăng ở miền Nam nhiều hơn ở miền Bắc. Năm 1921, sổ bạ Hoa kiều kê 156.000 người Hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi ở Trung Kỳ chỉ có 7.000, và ở Bắc Kỳ 32.000. Cuối thế kỷ 20, ước tính người Hoa chiếm 5,5% dân số ở miền Nam, còn ở miền Bắc là 0,5%.

Những nơi lập cư đầu tiên

Sự nhập cư của người Hoa trước hết là kết quả của cuộc di cư trong miền Nam Hải, sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh. Hậu quả của sự thiết lập nhà Thanh là nhiều xáo trộn xảy ra trong các tỉnh miền Nam Trung Hoa, nhiều nhóm người tới tình nguyện phục vụ cho các vua chúa bản xứ Đông Nam Á, góp công vào việc khai khẩn đất hoang, được cử cai quản các lãnh thổ mới sáp nhập. Trong số cựu thần nhà Minh phải bôn tẩu, không phải chỉ có thương gia, mà còn có những binh lính, nhà nho, tăng sĩ, nghệ sĩ và thầy thuốc.

Có thể lấy ví dụ, năm 1679, có 70 chiến thuyền chở 3.000 người cùng gia đình, do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên lãnh đạo, đã vào vịnh Đà Nẵng xin thần phục chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1687). Chúa khiến họ vào vùng Đông Phố (lưu vực Đồng Nai), tại đó họ định cư thành hai nhóm, vào tháng 12/1682 và tháng 5/1683.

Là những người kiên quyết và lắm khả năng, các vị chỉ huy người Hoa nói trên đã nhanh chóng góp phần đặt nền móng cho các thành thị đầu tiên ở miền Nam Việt Nam, như Đồng Nai đại phố (tức Đại phố châu, nay là Biên Hòa), Gia Định đại phố và Mỹ Tho đại phố.

Điều ấy đã được Trịnh Hoài Đức (1765-1825), cũng là con cháu người Phúc Kiến di cư, nhắc lại trong tác phẩm Gia Định thành thông chí: “Họ trồng lúa, phá rừng, mở tiệm và lập chợ. Nhờ các sinh hoạt và giao thương của họ, mọi loại thương thuyền không ngớt tới lui từ Trung Hoa, Tây Dương, Nhật Bản, Nam Dương”.

Các trung tâm định cư người Hoa phối hợp hai hoạt động, vừa là căn cứ quân sự, vừa là vị trí doanh thương, mà dân số tăng nhanh với sự thịnh vượng thương nghiệp mang lại. Cơ cấu hành chính Việt Nam đầu tiên được chính thức thiết lập vào năm 1698, khi vùng Gia Định được lập thành phủ bao gồm hai dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định).

Cần ghi nhận rằng đội binh thuyền dưới sự chỉ huy của Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên thuộc lực lượng hải quân của chế độ Đông Ninh họ Trịnh. Được phái đi tiên phong gọi là để tìm nơi lánh nạn cho chúa tể Trịnh Khắc Sảng của họ, các vị lãnh đạo ấy đã bắt tay vào việc định cư cho nhóm Hoa kiều đầu tiên đến lập nghiệp tại miền Việt Nam. Đoàn quân ngoại quốc này, sử nhà Nguyễn gọi là “đội Long môn”, lập nên một đơn vị quân sự.

Sau khi Dương Ngạn Địch bị một viên tùy tùng mưu sát vào năm 1689, quân Long môn được đặt dưới quyền chỉ huy của Trần Thượng Xuyên, và sau đó của Trần Đại Định, con trai Trần Thượng Xuyên. Đội quân ấy nhiều phen tham dự các cuộc tiến binh của chúa Nguyễn. Trần Thượng Xuyên được tưởng thưởng công lao bằng chức Phiên trấn Đô đốc (các tỉnh Gia Định và Định Tường) mà ông được bổ nhiệm ít lâu trước khi mất vào năm 1715.

Cảnh sinh sống, mưu sinh của người Hoa ở Chợ Lớn xưa

Cảnh sinh sống, mưu sinh của người Hoa ở Chợ Lớn xưa

Mười năm trước khi Trần Thượng Xuyên tới lãnh thổ của chúa Nguyễn, một nhân vật gốc tỉnh Quảng Châu, phủ Lôi Châu, tên là Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, và tổ chức bảy cái làng, phục tùng chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh lãnh thổ Hà Tiên.

Khi Mạc Cửu mất năm 1735, con trai ông là Mạc Thiên Tứ (1718-1780) kế vị với chức Đô đốc Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ thành công trong việc chiếm hữu lãnh thổ từ đông vịnh Xiêm La đến vùng Cà Mau. Ông đặt định một nền hành chính dân sự và quân sĩ xây dựng thành quách (Rạch Giá, Long Xuyên), mở đường, lập phố chợ để tiếp đón các thuyền buôn.

Thiên Tứ là người Minh Hương, tức là người Việt lai Hoa, vì mẹ ông là Bùi Thị Lẫm, người Việt quê làng Đông Môn (Biên Hòa). Giữa họ Mạc Hà Tiên và họ Trần ở Biên Hòa có quan hệ gia đình, vì Trần Đại Định cưới em gái của Mạc Thiên Tứ, tên là Mạc Kim Đính, làm vợ, sinh ra con trai là Trần Đại Lục.

Kể từ 1809, cả 5 người con cuối cùng của Mạc Thiên Tứ qua đời để lại con cái còn nhỏ dại; một viên chức người Việt là Trương Phúc Giáo được phong làm Trấn thủ tỉnh năm 1811. Nhưng dân cư chỉ phải đóng thuế kể từ 1824.

Lúc bấy giờ có 668 dân đinh, trong đó có 168 người Việt, 221 người Hoa hoặc gốc Hoa, và 279 người Cao Miên. Ưu thế của người Hoa có tính chất kinh tế hơn là số lượng, vì Hà Tiên tập trung một phần các luồng mậu dịch trong vịnh Xiêm La.

Dù sao, người Hoa là những người ngoài đầu tiên đến cư trú ở phía tây Hậu Giang bên cạnh người Cao Miên và đã mở đường cho việc khai khẩn miền này, có thể ngay từ thời Mạc Cửu mới đến đóng ở Hà Tiên.

Cả trong thế kỷ 19, để tránh sóng gió phía mũi đất Cà Mau, thuyền bè đến từ Hải Nam, Hồng Kông, Singapore thường băng ngang đầu mút Nam Kỳ bằng đường các sông Đốc và sông Gành Hào để đi từ Biển Đông sang vịnh Xiêm La hoặc ngược lại. Số lượng hàng hóa lưu thông, làm các cảng Cà Mau, Rạch Giá và Hà Tiên tấp nập, không lớn cho lắm, nhưng rất quan trọng cho sinh hoạt địa phương.

Đặc quyền lập làng riêng

Trái với họ Trịnh ở phương Bắc áp dụng một chính sách nghiêm khắc đối với Hoa kiều, ép buộc gia nhập các làng xã Việt và kiểm soát gắt gao trong đời sống hàng ngày, họ Nguyễn tỏ ra mềm dẻo hơn nhiều. Họ tạo điều kiện thuận lợi cho sự cư trú và hoạt động thương mãi của người Hoa. Cách đối xử này được quyết định từ những quan niệm thực tế với mục đích tận dụng nhân lực và khả năng kinh tế của người Hoa để củng cố quyền lực ở miền Nam.

Đặc quyền lớn nhất mà chúa Nguyễn dành cho Hoa kiều là quyền lập làng riêng. Các tập thể này gọi là Minh hương xã, có nghĩa hoặc là “làng những người phò Minh tiếp tục thờ vị hoàng đế cuối cùng triều Minh”, hoặc là “làng những người tiếp tục trung thành với triều Minh bị gián đoạn”. Minh hương xã đầu tiên được thiết lập ở Hội An, thương cảng thịnh vượng kể từ đầu thế kỷ XVII; thời gian thiết lập có lẽ là giữa 1645 và 1650.

Người Minh tỵ nạn cũng tập trung trong một khu thương mại ở tả ngạn sông Hương, cách kinh thành Huế 3 cây số về phía Bắc. Lúc đầu, khu định cư này lấy tên là “Đại Minh khách phố” hoặc “Đại Minh khách thuộc Thanh Hà phố”; năm sáng lập có thể là nhiều năm sau 1636.

Thanh Hà phố nhanh chóng trở thành trung tâm buôn bán của thành phố Huế, rất thịnh vượng trong thế kỷ XVII và XVIII. Về mặt hành chính, Thanh Hà phố lệ thuộc Hội An phố thời chúa Nguyễn, rồi trở thành một Minh hương xã tự trị trong thời kỳ Tây Sơn (1774-1802).

Ngoài hai Minh hương xã đầu tiên ấy, chính quyền chúa Nguyễn còn thiết lập hai xã khác, một Thanh Hà xã trực thuộc Trấn Biên (Biên Hòa) và một Minh hương xã trực thuộc Phiên Trấn (Gia Định) lúc phủ Gia Định được tổ chức. Dĩ nhiên đó không phải là những phân định địa giới thực thụ, mà chỉ là những đơn vị hành chính giả tạo để phối hợp các Hoa kiều ngụ cư trong những làng khác nhau thuộc một trong hai trấn ấy. Cho đến khi ấy Hoa kiều hoàn toàn tự do sinh sống khắp nơi mà chỉ phải đóng thuế mà thôi.

Khoảng năm 1675, có một quyết định cấm thương gia người Hoa tập trung thành nhóm trên 200 người tại cùng một địa điểm; năm 1693 chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh Hoa kiều lập cư trong nước phải đăng bạ nơi cư trú. Đó vì là người Hoa tiếp tục nhập cư, nhiều nhất từ các tỉnh Nam Trung Hoa, Phúc Kiến và Quảng Đông. Một vị tu sĩ châu Âu đã ước lượng rằng vào khoảng 1744, dân số Đàng Trong có ít nhất là 30.000 Hoa kiều.

Thời Tây Sơn, người Hoa trải qua nhiều nỗi gian truân, đặc biệt là sự phá hủy thương trường ở Hội An, sự di tản của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa năm 1778 trước cuộc tiến quân của Tây Sơn để tụ tập lại ở các bến Tân Bình và Bến Nghé trên sông Sài Gòn, thành lập cảng Sài Gòn/Chợ Lớn.

Chế độ Tây Sơn không nhiều thiện cảm với người Hoa có thể là vì nhiều người đã theo phe lực lượng của Nguyễn Phúc Anh, đối thủ của Tây Sơn. Sau khi chiếm lại Sài Gòn năm 1788, Nguyễn Phúc Ánh cho đăng bạ các “Đường nhân cũ và mới”; 2 năm sau đó, Hoa kiều được liệt kê theo xuất xứ (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Chiết Giang) và đặt dưới lệnh một cai phủ và một ký phủ ở mỗi tỉnh để nộp thuế và chịu quân dịch.

“Đường nhân cũ” là những người đã đăng ký trong sổ bạ Minh Hương và Thanh Hà xã, còn “Đường nhân mới” là những di dân mới định cư. Đấy là một toan tính cưỡng bách Hoa kiều hội nhập, nhưng liền sau đó đã bãi bỏ, vì lệnh bắt buộc người Hoa làm binh dịch được hủy bỏ tháng 4 năm Canh Tuất (1790), và chỉ những người tình nguyện mới được tuyển làm lính và miễn nộp thuế.

Tóm lại, trong thời kỳ này, chính thể Nguyễn Phúc Anh đã huy động sức để đánh lại Tây Sơn. Bù lại, người Hoa được phép phục vụ chính quyền, tham gia khai hoang, buôn bán, đúc tiền... nhờ đó có được nhiêu điều kiện để phát triển hoạt động. Đặc biệt, luật lệ cùng những sự miễn thuế công bố từ năm 1790 trở đi phần lớn nhắm vào Hoa kiều, mà hình như chính quyền chờ đợi họ cung cấp, ngoài các loại hàng hóa thông thường, những chế phẩm chiến lược như kim loại, diêm sinh và thuốc súng.

Tổ chức đặc biệt có tên “bang”

Mặc dù bị nhiều thiệt hại nặng nề trong giai đoạn Tây Sơn, cộng đồng Hoa kiều đã mau chóng khôi phục tình trạng thịnh vượng. Điều đáng chú ý nhất là sự bành trướng dân số ở đất Gia Định trong các thập niên đầu của thế kỷ 19. Mỗi năm hàng ngàn người Hoa đến đây, trong số ấy khoảng 30-40% vĩnh viễn ở lại.

Các hoạt động xuất cảng tập trung tại Sài Gòn/Chợ Lớn đã nhanh chóng biến đổi thành thị này thành một đại thương cảng quốc tế, tại đây số thương thuyền từ Trung Hoa đến mỗi năm lên tới con số hàng trăm trong những năm cuối cùng của thế kỷ 18.

Để gọi trung tâm buôn bán này, có quan điểm cho rằng người Hoa dùng địa danh Zhaijun, và dành tên Xigong (đọc theo âm Việt là Tây Cống) cho chính thành phố Sài Gòn. Tên gọi tiếng Việt là Chợ Lớn có lẽ đến năm 1812 mới xuất hiện, sau khi Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn Gia Định. Nhưng tên gọi cũ Zhaijun sau đó không còn thông dụng nữa trong giới Hoa kiều và được thay thế bằng tên Đề Ngạn (Ti’an, “bến tầu”), trước đó chỉ có người Quảng Đông dùng.

Khi John Crawfurd, phái viên của thống đốc Ấn Độ thuộc Anh ghé đây năm 1822, sự quan trọng của Sài Gòn không phải là do cương vị trung tâm hành chính, mà là do các chức năng của một trung tâm thương mại; hơn 10% tổng số người Hoa tại Việt Nam (cả thảy đến 40.000 người) tập trung tại đây, theo ước lượng của Crawfurd.

Cho đến đầu thế kỷ XIX, có rất ít điều quy định tổng quát về quy chế người Hoa, ngoại trừ chỉ dụ năm 1790 nói trên đã đồng hóa trong một thời gian ngắn người Hoa với dân Việt. Những sự phân loại cư dân người Hoa theo xuất xứ dường như đã xác nhận sự thiết lập những chi khu nhóm họp những phần tử cùng quê quán tại một tỉnh ở Trung Hoa và cùng nói một tiếng địa phương.

Sau khi lên ngôi ít lâu, Gia Long xác định quy tắc của sự quản lý đặc biệt các đoàn thể người Hoa, quy định thể chế theo đó các đoàn thể này phải tập hợp thành những tổ chức đặc biệt gọi là bang. Theo những câu khắc trên tấm bia tìm thấy ở khu chợ Dinh ở Huế, thì thể chế các bang đã có năm 1807; do đó, ta có thể phỏng đoán rằng thể chế ấy khai sinh giữa năm 1802 và 1807.

Trên nguyên tắc, trong mỗi địa phương, có bao nhiêu Hoa ngữ khác nhau thì có bấy nhiêu bang: thể chế bang đặt mỗi nhóm ngữ tộc dưới quyền kiểm soát của một bang trưởng với một phụ tá, cả hai được bầu. Bang trưởng và người phụ tá giúp sức cho cơ quan hành chính trong việc đánh thuế và kiểm soát sự nhập cư, nhất là đối với người mới nhập cảnh. Đối với các phần tử trong bang, các bang có bổn phận tương trợ, giúp miếng ăn chỗ ở cho người mới đến, giúp tìm việc làm cho họ, và có thể cho vay tiền để họ định cư.

Số các bang thay đổi tùy theo số lượng di cư: Khảo sát 7 huyện trong tỉnh Biên Hòa dưới thời Tự Đức, Nguyễn Siêu đã ghi 408 làng Việt và 7 bang người Hoa. Song thông thường thì chỉ có 5 bang (ngũ bang), là Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Hạ.

Lãnh thổ miền Nam, khi ấy chưa được hoàn toàn khai khẩn, tiếp tục cung hiến vô số khả năng cho sự kinh doanh của người Hoa, không bị cạnh tranh gì trong hoạt động thương mãi và kỹ nghệ của họ. Kinh tế phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long, song song với sự bành trướng của người Việt, đã có tác dụng làm gia tăng số dân nhập cư.

Những người mới đến này tản mát khắp nơi, khiến khó mà kiểm soát họ. Trong đám dân mới nhập cư ấy, có nhiều kẻ có tác phong đáng ngờ, họ tới tìm nơi dung thân, không ngại ngùng lợi dụng của cải địa phương và không bỏ qua một cơ hội nào để gây rối.

Một chỉ dụ lên án các hành động đáng trách ấy như sau: “Thuyền bè nhà Thanh vào buôn bán tại thị trấn Gia Định đều chở theo hành khách, đông nhất đến năm sáu trăm người, ít nhất không dưới ba bốn trăm. Ngày giong buồm trở về, thuyền trưởng, thủy thủ đoàn và nhân viên trên thuyền chỉ còn khoảng 60 hay 80 người.

Họ khai rằng các người khác ở lại tìm bà con. Họ chọn chỗ ở khắp nơi, trên phố, dưới làng, trong xóm. Người thì buôn bán, kẻ thì làm nghề nông để sinh sống. Mỗi năm, số người nhập cư không dưới ba bốn nghìn người. Những người nào đến đây cũng đều tay không và chỉ rình rập cơ hội làm giàu.

Đất đai thuộc trấn vốn phì nhiêu, địa phương tỏ ra rất thuận lợi cho việc sinh nhai, nghề buôn cho phép làm lời nhiều, cho nên dân số ngày một thêm đông và giá gạo không ngớt gia tăng. Các kẻ mới đến ấy thấy đời sống dễ dàng ở những miền đất phì nhiêu này, cơm ăn áo mặc quá đầy đủ, trở nên dễ chây lười và buông xuôi theo thói xấu.

Chúng tụ họp đánh bạc, mua bán thuốc phiện. Chúng lôi cuốn bọn người nhu nhược, khiến nhiều kẻ trở nên trộm cướp, hung dữ, có khi sát nhân nữa. Nhiều tội vạ đã xảy ra gây nên rất nhiều điều rắc rối. Các sự thể này đều do đám người nhập cư kia, như thể dây tơ hồng làm hại đồng cơ, đã ăn luôn cả đất đai nuôi sống chúng”.

Nhiều lần vua Minh Mạng đã phải ra lệnh ghi chép cẩn thận tên tuổi người nhập cư trong sổ bộ, trong đó viên chức phụ trách việc nhập cảnh tại thương cảng phải lấy dấu tay của họ, và bang trưởng phải tiếp nhận kỹ lưỡng người mới lên bến trong bang của mình.

(Còn tiếp)

Đọc thêm