Lịch sử Việt Nam “sống dậy” qua từng trang sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có nhiều cách để tiếp cận lịch sử Việt Nam như xem phim, đến các bảo tàng, di tích lịch sử. Nhưng, hiện nay, nhờ những cuốn sách, mà nhiều độc giả đã dành tình yêu cho lĩnh vực vốn được coi là khô khan này.
Hiểu về lịch sử, giúp con người yêu thương nhân loại nhiều hơn. (Nguồn: Diệp An)
Hiểu về lịch sử, giúp con người yêu thương nhân loại nhiều hơn. (Nguồn: Diệp An)

Nhìn lịch sử từ nhiều góc độ khác nhau

Lịch sử Việt Nam hay nhất, không phải nằm ở những cuốn sách giáo khoa với những sự kiện, con chữ cứng nhắc. Nếu muốn “cảm” được lịch sử, phải tìm đến các cuốn sách được những nhà nghiên cứu miệt mài làm việc, sưu tầm và viết lại từ chính tìm hiểu suốt hàng chục năm trời.

Thực tế, những cuốn sách lịch sử Việt Nam được bày bán trên thị trường hiện nay, hấp dẫn độc giả ở mọi lứa tuổi. Bởi, lịch sử đã không còn là các câu chữ “lạnh lùng”, với dấu mốc “chằng chịt” con số. Những cuốn sách sử bây giờ đã đi vào đời sống của ông cha xa xưa bằng lời văn sinh động, bình dị và các tư liệu hấp dẫn.

Lý Thị Hòa (27 tuổi), đang học Thạc sĩ Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết, hiện nay, có rất nhiều quyển sách lịch sử Việt Nam thú vị, giúp độc giả dễ dàng hình dung ra cuộc sống của hàng trăm năm trước. Đó là câu chuyện về các triều đại, hoặc những tích xưa được ghi trong “An Nam truyện”. Hay có những quyển sách sẽ tìm hiểu về đất nước Việt Nam từ nguồn gốc cho đến thế kỷ mười chín, cũng có quyển lại tóm lược các thời kỳ như “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim: “Chúng tôi có nhiều lựa chọn, để tiếp cận lịch sử Việt Nam bằng cách phù hợp nhất với bản thân”, Hòa chia sẻ.

Nguyễn Tuấn Linh (25 tuổi), đang làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết: “Trước đây, tôi không thích học Lịch sử. Nhưng hiện tại, khi tiếp xúc với một số quyển sách viết về lịch sử Việt Nam, tôi lại rất thích”. Tuấn Linh chia sẻ, anh thường chọn những cuốn sách dễ đọc, ví dụ như hồi ký của những người lính trong chiến trường K (chiến tranh biên giới Tây Nam), hay tiểu thuyết “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh: “Tôi cảm thấy gần gũi, thân thuộc khi đọc những cuốn hồi ký hoặc tiểu thuyết liên quan đến lịch sử”.

Quả thực vậy, hiện nay, những con người sống ở thế kỷ trước, không còn xa cách, xưa cũ nữa. Khi bây giờ, có hàng loạt cuốn sách được viết bằng góc nhìn lịch sử đa chiều, từ tâm lý; phong tục tập quán; đời sống; nghệ thuật,… giúp người đọc dễ dàng yêu mến và cảm thấy gần gũi với lịch sử Việt Nam.

Như quyển “Tâm lý dân tộc An Nam” đã ra đời vào năm 1904, cho người Việt Nam hiện đại, có một góc nhìn rất thú vị về quá khứ. Trong cuốn sách này, nhà nhân chủng học Paul Giran đưa người đọc vào từng ngóc ngách cuộc sống của con người An Nam. Với ông, đời sống chính là tinh thần của con người. Người An Nam là một dân tộc có tín ngưỡng tôn giáo, họ sợ hãi trước linh hồn người đã khuất. Họ là những người có sức chịu đựng bền bỉ với những cuốc xe đường dài mà không hụt hơi. Họ cũng là những người có bộ luật tiến bộ về phụ nữ. Dù hơn một trăm năm trôi qua, bài nghiên cứu vẫn còn nhiều kết luận đáng phải suy nghĩ như người An Nam thực dụng, người An Nam ưa quyền bính, nhàn hạ… Hay qua việc thờ cúng tổ tiên, người dân An Nam vô ý hoặc hữu ý phân chia thứ bậc trong gia đình, trong xã hội.

Không chỉ tìm hiểu về tâm lý con người, nhiều quyển sách đi sâu vào cuộc sống đời thường của người Việt thời phong kiến, như “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã cho độc giả một cái nhìn toàn diện về cổ phục của người Việt Nam. Từ họa tiết, hoa văn áo của của thời kỳ nhà Lý - Trần đến thế kỷ XX, tất cả đều được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ bằng các tư liệu cổ.

Không chỉ “vẽ” nên một bức tranh sinh động về cổ phục Việt Nam, mà nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho ra đời cuốn sách về việc uống trà. Giúp người đọc thấy được những câu chuyện thú vị của Trà Hương Sắc và Trà Thưởng Thức, từ đó cho độc giả có cái nhìn vô cùng chi tiết về kỹ thuật tạo nên thức trà “thượng hạng”. Hay việc sử dụng những dụng cụ pha trà như thế nào, những cách để pha một ấm trà ngon trong lịch sử người Việt. Tất cả điều ấy đều được đưa vào trang sách một cách đầy hấp dẫn, cuốn hút. Đó không còn là kể mà là chia sẻ đầy cảm hứng và chi tiết.

Đọc lịch sử để yêu thương nhiều hơn

Karl Marx đã từng có câu: “Lịch sử không làm gì cả, nó không tạo ra vô vàn của cải, nó không chiến đấu. Chính con người, con người thật sự đang sống, đã làm tất cả những điều đó”. Lịch sử không phải là quá khứ, mà vẫn luôn hiện hữu, tồn tại xung quanh mỗi người. Những cuốn sách sử không phải để trưng bày trong giá sách hay học một cách cứng nhắc, mà nó sẽ giúp người đọc có thêm kiến thức về chính đất nước, mảnh đất, con người nơi họ đang sinh sống.

Những cuốn sách lịch sử Việt Nam hiện nay được viết từ nhiều góc độ khác nhau từ tâm lý, văn hóa, nghệ thuật,… (nguồn: Diệp An)

Những cuốn sách lịch sử Việt Nam hiện nay được viết từ nhiều góc độ khác nhau từ tâm lý, văn hóa, nghệ thuật,… (nguồn: Diệp An)

Thực tế, bất cứ điều gì tồn tại xung quanh con người, đều có nguồn gốc. Như việc uống trà, nếu truy về tận “gốc rễ” sẽ phát hiện trong lịch sử Việt Nam, trà đã “góp mặt” ở rất nhiều nơi. Trà ở trong “Đại Việt sử ký, đến các tập thơ văn, bút ký của Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát…

Hay lịch sử chỉ đơn giản là lối sống của người Hà Nội vào thời xưa, được nhìn lại từ căn bếp trong phố cổ thông qua các món ăn truyền thống, như trong cuốn sách của Vũ Thị Tuyết Nhung. Lịch sử cứ như vậy, được hiện lên qua những điều bình dị, gần gũi nhất xung quanh mỗi người. Giúp độc giả cảm nhận được con người sống hàng thế kỷ trước rất đỗi thân thuộc. Họ cũng có suy nghĩ, lo toan, những thú vui chơi. Họ cũng phải đi học, đi thi, làm ăn, gắn bó với những nếp nhà, lệ làng, lệ vua.

Để từ đó, mỗi người, sau khi đọc xong một cuốn sách nghiên cứu, khảo cứu lịch sử, lại ghép nối vào “kho tri thức” của bản thân. Dần dần, những mảnh ghép ấy sẽ hiện lên thành một chỉnh thể, giúp độc giả có được cái nhìn tổng quan, sinh động về lịch sử Việt Nam.

Vũ Hoàng Nhung (24 tuổi, sinh sống tại khu phố cổ, Hà Nội) cho biết: “Dù đã ở thời hiện đại, nhưng mâm cỗ Tết nhà tôi vẫn phải có món canh bóng thả nấm, xôi gấc, nem Hà Nội, giò lụa, chả quế và đĩa rau thơm gia vị”. Thực tế, khi đọc trong cuốn sách viết về những nét đẹp của phố cổ ở Hà Nội xưa, Hoàng Nhung biết rằng ngay đến mâm cơm cúng cũng có ý nghĩa và đã được cha ông lưu giữ qua các thế hệ.

Nguyễn Tuấn Linh chia sẻ, hiểu những văn hóa, tập tục, lối sống từ hàng trăm năm trước đây của người Việt, giúp anh yêu mến quê hương, đất nước nhiều hơn: “Cũng giống như việc hiểu rõ một người, sẽ khiến ta yêu họ. Hiểu rõ cội nguồn dân tộc Việt Nam, giúp tôi yêu đất nước nhiều hơn. Tôi biết rằng, còn rất nhiều vẻ đẹp của núi non, sông nước, các dân tộc thiểu số, những bí ẩn mà bản thân có thể khám phá”.

Lý Thị Hòa cho biết: “Lịch sử hay ở chỗ, nó chính là cuộc sống. Càng học lịch sử, tôi càng yêu con người. Tôi yêu từ những người “vô danh” đã tạo nên đất nước Việt Nam. Cho đến những tác giả người Việt, người nước ngoài đã nghiên cứu không ngừng nghỉ về con người, văn hóa, xã hội. Tất cả họ đều từng sống, đam mê như chúng tôi ngày nay”.

Hiểu về lịch sử, có lẽ, không chỉ là yêu quê hương, đất nước, dân tộc mà còn lớn hơn, đó là yêu thương đồng loại. Dù đọc lịch sử Việt Nam hay thế giới, đến cuối cùng ở bất kỳ nơi đâu cũng in dấu chân con người. Con người dù khác quốc gia, sắc tộc, tiếng nói, đều có chung mong muốn được hạnh phúc và bình yên. Cho nên, càng hiểu về lịch sử, người đọc sẽ nhận ra, bài học lớn nhất từ những đau thương, mất mát trong chiến tranh, là bình đẳng. Không có một chủng tộc siêu việt nào, cũng không có những nô lệ. Bởi con người sẽ tàn lụi, nhưng văn hóa, phong tục truyền thống, những điều nhân đạo thì sẽ mãi được lưu truyền và ca ngợi. Còn các cuộc chiến sẽ được khắc ghi, như một bài học đau thương, để người đời sau tránh lập lại.

Đặc biệt hơn, yêu lịch sử, chính là yêu nhân loại, bởi con người luôn có mối gắn kết với tự nhiên và trái đất này. Cho nên, từ câu chuyện lịch sử về sự phát triển xã hội công nghiệp, cùng ghi chép nói tới các dịch bệnh, nạn đói. Con người hiểu rằng, không chỉ chung sống hòa bình với nhau, mà chúng ta còn phải tôn trọng mẹ thiên nhiên.

Đọc thêm