Liên hoan Làng nghề truyền thống xứ Quảng

(PLO) - Chiều tối 17/11, tại TP Đà Nẵng “Liên hoan Làng nghề truyền thống xứ Quảng 2017” chính thức khai mạc với sự tham gia của 15 làng nghề truyền thống đến từ tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng dự khai mạc Liên hoàn Làng nghề truyền thống xứ Quảng
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng dự khai mạc Liên hoàn Làng nghề truyền thống xứ Quảng

Liên hoan sẽ diễn ra trong 3 ngày với các hoạt động văn hóa, văn nghệ như trình diễn nhạc cụ dân tộc; trình diễn áo dài dành cho thiếu nhi; tham quan, trải nghiệm các làng nghề; nặn gốm, dệt chiếu, làm lồng đèn…

5 làng nghề truyền thống tham gia Liên hoan lần này có 9 làng nghề đến từ TP Đà Nẵng gồm: Làng Bánh khô mè Quang Châu (Hòa Vang); Chiếu Cẩm Nê - Hòa Tiến (Hòa Vang); Điêu khắc đá Non Nước- Ngũ Hành Sơn; Nước mắm Nam Ô (Liên Chiểu); Chõng tre Tân Hạnh (Hòa Vang); Rượu cần Phú Túc (Hòa Vang); Bánh tráng Túy Loan (Hòa Vang); Rau sạch Hòa Vang. 

Quảng Nam tham gia với 6 làng nghề truyền thống gồm: Đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn); Gốm Thanh Hà; Mộc Kim Bồng; Lồng đèn Hội An; Nón lá Duy Xuyên và Dệt thổ cẩm Cơ Tu- Nam Giang. 

Dệt thổ cẩm Cơ Tu (Nam Giang, Quảng Nam)
Dệt thổ cẩm Cơ Tu (Nam Giang, Quảng Nam)

Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Làng nghề truyền thống được coi như một bảo tàng sống, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú, đa dạng. Trong đó, xứ Quảng là nơi có bề dày về lịch sử văn hóa và vùng đất của những làng nghề nổi tiếng đã nêu từ ngàn xưa.

Trải qua thời gian, các làng nghề đã trở thành một bộ phận quan trọng của truyền thống lịch sử, văn hóa nơi đây. Đặc biệt, ngày nay, các làng nghề còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, các làng nghề cũng đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm hiện đại nên không tránh khỏi mai một.

Nón lá Duy Duyên Quảng Nam
Nón lá Duy Duyên Quảng Nam

“Liên hoan nhằm mục đích tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống xứ Quảng. Đây cũng là dịp để công chúng có cơ hội tìm hiểu, khám phá nét đẹp, các giá trị văn hóa đặc sắc của những làng nghề. Từ đó có sự đồng cảm, hướng đến cùng chung tay vào các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế, góp phần đưa làng nghề truyền thống trở thành di sản văn hóa “sống” được”, ông Thiện nhấn mạnh.

Đọc thêm