Liên Hợp Quốc duyệt nghị quyết về soạn thảo hiệp ước chống tội phạm mạng quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ tháng 1/2022, ủy ban đặc biệt sẽ tiến hành ít nhất 6 phiên họp, mỗi phiên kéo dài trong 10 ngày tại New York và Vienna, để soạn thảo và công bố một dự thảo hiệp ước tại kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 26/5, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết do Nga đề xuất về việc soạn thảo một hiệp ước chống tội phạm mạng.

Có tên “Chống việc sử dụng thông tin và công nghệ thông tin cho các mục đích tội phạm,” nghị quyết, do Nga và Guinea Xích Đạo đồng soạn thảo, đề cập đến nhiệm vụ và công việc của một ủy ban đặc biệt vốn được thành lập hồi năm 2019.

Theo nghị quyết này, bắt đầu từ tháng Một năm sau, ủy ban này sẽ tiến hành ít nhất 6 phiên họp, mỗi phiên kéo dài trong 10 ngày, luân phiên tại New York (Mỹ) và Vienna (Áo), để soạn thảo và công bố một dự thảo hiệp ước tại kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2023.

Nghị quyết trên nhấn mạnh thông tin và công nghệ thông tin có tiềm năng lớn đối với sự phát triển của các nước trên thế giới, song cũng tạo ra những cơ hội cho những hành vi phạm tội và làm gia tăng mức độ cũng như sự phức tạp của những hành vi này.

Cho đến nay, mới chỉ có Công ước về tội phạm mạng, hay còn gọi là Công ước Budapest, là văn bản quốc tế mang tính ràng buộc liên quan đến các hành vi tội phạm mạng. Công ước này có hiệu lực từ năm 2004.

Không giống như văn bản do Nga đề xuất, Công ước Budapest có nội dung hẹp hơn, thường được sử dụng như văn bản tham khảo để các nước châu Âu soạn thảo dự luật về tội phạm mạng và như khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa các nước tham gia ký kết.