Liên quan tính mạng con người, nghề quản lý tòa nhà nên ràng buộc điều kiện

(PLVN) - Góc nhìn của ông Nguyễn Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc Cty PMC, cũng là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tòa nhà – về đề xuất bỏ nghề quản lý tòa nhà khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, mặc dù chúng ta muốn các DN tự chủ kinh doanh theo ý chí tự do của họ, nhưng bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh là một sự “cực đoan”. Bởi ngành nghề nào cũng cần phải có những ràng buộc nhất định để tránh các DN chỉ chú trọng chạy theo lợi nhuận bỏ qua các chuẩn mực kinh doanh, chuẩn mực về nghề nghiệp, nhất là trong khi các chế tài pháp luật chưa đủ mạnh. 

“Đặc biệt, đối với những ngành nghề liên quan đến sinh mạng, an toàn đến con người, như: bệnh viện, chung cư hay nhà ở…, chúng ta phải đặt câu hỏi: Việc tháo bỏ các giấy phép kinh doanh của DN trong chừng mực nào là chuẩn?” – ông Huy nói.

Trong khi đó, ngành quản lý tòa nhà, chung cư ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, đang còn trên con đường phát triển, các chuẩn mực về nghề nghiệp và vận hành nghề chưa đầy đủ, chưa có các bộ tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động điều chỉnh về nghề và cơ quan chế tài giám sát thực hiện bộ tiêu chuẩn đó. Mặc dù trên thực tế, với toà nhà cao tầng hiện nay, các hệ thống trang thiết bị hiện đại và đòi hỏi nhân sự có tay nghề cao, có kinh nghiệm vận hành cũng như đòi hỏi liên tục nâng cao tay nghề, nhưng ở các trường lớp hầu như không có đào tạo và các DN phải tự đào tạo khi tuyển dụng lao động.

“Hoạt động quản lý toà nhà liên quan đến sinh mạng con người. Do vậy, rõ ràng chúng ta nhìn thấy các tiềm ẩn rủi ro và nếu như thực sự chúng ta để cho các DN tự do hoạt động trong cái lĩnh vực này thì chưa thể tiên liệu được điều gì sẽ xảy ra?” – ông Huy băn khoăn.

Tham khảo kinh nghiệm một số nước, ông Huy cho hay, ở nhiều nước, từ các Giám đốc toà nhà, kĩ sư trưởng (vai trò lớn nhất trong quản lý và vận hành tòa nhà) đến các công nhân làm sạch (cấp thấp nhất) đều phải có các chứng chỉ này hành nghề, xác nhận thâm niên, tay nghề của người đó. Sau đó, những thông tin này được niêm yết và tuyên bố công khai trên hệ thống dữ liệu của các cơ quan quản lý. Thậm chí, ở Thái Lan, mỗi một loại hình bất động sản, họ phải treo mã số của giám đốc toà nhà tại cửa tòa nhà.

Ông Huy cho rằng, chứng chỉ hành nghề này là một trong những yêu cầu tối thiểu phải có để trong hoạt động nghề vận hành quản lý toà nhà, bởi  nó liên quan đến tính mạng con người.  

Từ đó, ông Huy cho rằng, cần cân nhắc: Chứng chỉ và các điều kiện kinh doanh đi kèm đó nên ở mức độ nào? Các chứng chỉ hành nghề của cá nhân hay của công ty? Hơn nữa, chúng ta phải quy định chặt chẽ vấn đề bảo hiểm nghề nghiệp và bảo hiểm rủi ro cho các công ty quản lý bất động sản. “Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá thật kĩ vấn đề này, tránh để rơi vào trường hợp giữ hoặc bỏ kinh doanh có điều kiện một cách cực đoan” – ông Huy nói. 

Đọc thêm