Chiều 18/3, HĐXX TAND tỉnh Điện Biên đã tuyên án với bị cáo Sùng A Sính (SN 1982, ở Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên) và đồng phạm vì có các hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước.
Theo nhận định của HĐXX, có đủ căn cứ khẳng định các bị cáo đã phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và tội “Che giấu tội phạm”.
Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hiến pháp quy định. Trong vụ án này, bị cáo Sùng A Sính, Lầu A Lềnh có vai trò chủ mưu cầm đầu, là người khởi xướng việc lập nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo điều lệ, cương lĩnh, mô hình tổ chức, đúc sao hàm.
Bị cáo Hoàng Văn Páo là hoạt động đắc lực, những bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm, là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Một số bị cáo biết rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trên, nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương, ngược lại còn gây cản trở quá trình điều tra, nhằm che giấu hành vi phạm tội cho những người trên.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Sùng A Sính tù chung thân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Bị cáo Lầu A Lềnh bị tuyên chung thân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, 7 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tổng hình phạt chung bị cáo Lềnh phải chấp hành là chung thân.
Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 24 tháng tù đến 20 năm tù về tội “Che giấu tội phạm”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Theo cáo trạng, năm 2010, Lầu A Lềnh tham gia tổ chức lập nhà nước Mông, tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Lềnh bị khởi tố sau đó bỏ trốn. Tuy nhiên, từ tháng 8/2018 - tháng 3/2019, Sùng A Sính và Lầu A Lềnh cùng nhiều bị cáo khác trong vụ án thống nhất xây dựng lại tổ chức lập nhà nước Mông. Những người này đã lôi kéo thêm 5 người khác cùng tham gia.
Theo đó, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh đã khởi xướng việc tổ chức lập nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo điều lệ, cương lĩnh, đường lối mô hình tổ chức, đúc sao hàm. Hoàng Văn Páo là người tìm người biết chữ Mông cổ ở Myanmar về dạy chữ, góp 400 triệu đồng để phục vụ lập nhà nước Mông. Các bị cáo còn lại cùng tham gia họp bàn lập nhà nước Mông, đưa đón người, đi lấy chữ, lấy tiền, mua võng để phục vụ lập nhà nước Mông.
Thủ đoạn phạm tội của các bị cáo là dùng điện thoại liên lạc, tổ chức họp bàn trong rừng và trên lán nương vào ban đêm để đưa ra mục tiêu, cách thức tiến hành, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như biểu tượng, vũ khí, cờ sao, tiến hành cướp đất, cướp chính quyền huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) để lập nhà nước Mông. Nguyên nhân, điều kiện phạm tội được xác định do các bị cáo thiếu ý thức chấp hành pháp luật.
Hành vi trên của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của Nhà nước CHXHCN Việt Nam được Hiến pháp quy định. Quá trình điều tra, các bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình./.