Đây là bài thơ làm trong lần tây chinh thứ nhất của vua Lê Thái Tổ liên quan đến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Cụ thể, bia ghi lại sự kiện lịch sử năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), Lê Thái Tổ thân chinh bắt thổ tù phản nghịch Bế Khắc Thiệu.
Thiệu vốn là thổ tù có công lao được Lê Lợi cử về chống quân Minh ở Cao Bằng, nhưng sau có ý làm phản nên Lê Thái Tổ phải thân chinh cầm quân lên dẹp, trấn áp và trị tội. Sự kiện lịch sử đặc biệt này được khắc thành bài thơ trên núi Phja Tém để xác định chủ quyền lãnh thổ Đại Việt dưới vương triều nhà Lê vừa giành thắng lợi huy hoàng trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh.
|
Bài thơ được khắc ở vị trí đắc địa về phong thủy, trên vách núi Phja Tém hiểm trở, phía trước là dòng sông Tẻ Dào nên thơ (ảnh báo Cao Bằng) |
Bài thơ “Ngự chế” được khắc trên núi Phja Tém (tên cổ là Ba Điềm)- ngọn núi nhỏ trông ra sông Rẻ Dào. Bia được khắc 8 cột dọc dưới dạng một bài thơ bằng chữ Hán gồm 56 chữ, viết liền mạch từ trái sang phải, chữ khắc trên bia theo kiểu chữ khải chân, to, rõ ràng, dễ đọc. Vì khắc trực tiếp vào vách đá, nên mặt bia không có độ phẳng, xung quanh bia không có phần trang trí, không có mái che. Đến nay, chữ khắc trên bia bị mòn một số nét, mặt bia bị rêu bám.
Áng thơ cổ khắc trên vách núi với âm điệu trầm hùng, hào sảng, súc tích, cô đọng. Nhịp điệu áng thơ tựa như nhịp khúc quân hành của vị minh quân cứu dân, giữ nước.
Tạm dịch: "Không ngại ngàn dặm, chỉnh đốn quân đội/ Chỉ mong biên cương dân chúng được sống yên ổn/ Trời đất không dung cho lũ gian đảng/ Xưa nay ai tha cho kẻ bề tôi mưu phản/ Người trung lương tự khắc được hưởng phúc/ Kẻ cường bạo rút cục khó mà toàn thân/ Lời thề năm xưa không quên khí tiết của kẻ bề tôi/ Tên tuổi sẽ cùng với núi này mà còn mãi.” (Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Hợi niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 năm 1431).
|
Đầu năm 2020, bia Ma nhai Ngự chế tại Cao Bằng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (ảnh báo Cao Bằng) |
Bia Ma nhai Ngự chế là một di sản văn hóa quý báu, là một minh chứng hùng hồn, khẳng định sự kiện lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nơi biên cương Cao Bằng. Từng lời, từng chữ được khắc trên vách đá như lời huấn thị của vua Lê với muôn dân về trách nhiệm bảo vệ đất nước, đồng thời cũng là lời nhắc nhở, răn đe những kẻ có mưu đồ chống phá sự ổn định và thống nhất đất nước chắc chắn sẽ phải chuốc lấy kết cục thảm bại. Lời huấn thị đến nay vẫn còn nguyên giá trị và như vẫn còn vang vọng đến mai sau.
Sinh thời vua Lê Thái Tổ rất ít làm thơ nhưng ông đã để lại cho hậu thế 3 bài thơ là những văn bia khắc trên núi đá ghi lại chiến công dẹp yên bờ cõi của vị minh quân và vương triều Lê. Bài thơ thứ nhất của vua Lê - văn bia Ma nhai Ngự chế ở Cao Bằng vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia, bài thơ thứ hai của Lê Lợi khắc trên núi đá tại xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cũng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018. Hiện văn bia này được trưng bày, lưu giữ tại đền thờ vua Lê Thái Tổ thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, chúng tôi sẽ phản ánh trong bài báo tiếp theo, mời các bạn đón đọc.