Lĩnh vực BHXH, BHYT: Kiến nghị giao cho BHXH Việt Nam chức năng thanh tra toàn diện

(PLVN) -  Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) về triển khai nhiệm vụ 2022 diễn ra vừa qua, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật BHXH theo hướng giao cho BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra toàn diện về lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà trong đợt dịch COVID-19.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người tham gia

Xác định BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ công bằng và ổn định chính trị - xã hội, thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của HĐND thành phố; xây dựng phương án chi trả gộp 02 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH vào cùng một kì chi trả; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia; tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với sự đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, TP Hồ Chí Minh đã có 2.291.000 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 101,4% kế hoạch, chiếm 51% lực lượng lao động; 51.289 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 101% kế hoạch, 8.166.000 người tham gia BHYT, đạt 101% kế hoạch và đạt độ bao phủ 90,47% dân số.

Số thu BHXH, BHYT là 67.281 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; số nợ BHXH, BHYT là 2.241 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 3,34%; giải quyết chế độ BHXH cho 1.093.446 lượt người với tổng số tiền 16.756 tỷ đồng; thanh toán chi phí KCB cho 12,02 triệu lượt người với tổng số tiền 13.828 tỷ đồng, chiếm 69,86% dự toán. Phối hợp chặt chẽ với cơ sở KCB trong công tác thanh toán BHYT nâng cao chất lượng KCB, góp phần đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Đáng chú ý, BHXH TP đã phối hợp tốt với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ và của địa phương; giải quyết chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho gần 82.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 2,3 triệu người, số tiền chi trả gần 5.700 tỷ đồng.

Cùng với việc giải quyết các thủ tục hành chính, TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân, vừa tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, vừa phòng chống trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí thông qua các phần mềm ứng dụng, kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành; triển khai cài đặt ứng dụng VssID… Đến nay, đã có hơn 4 triệu người khai thác sử dụng để kiểm tra lịch sử tham gia BHXH, thời hạn thẻ BHYT, lịch sử KCB của bản thân mình…

Cần giao cho BHXH Việt Nam chức năng thanh tra toàn diện

Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành ủy, UBND TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch giao kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, BHYT ngay từ đầu năm cho các quận huyện, phường xã; trong đó chú trọng vai trò chủ công là cấp ủy, chính quyền cơ sở; các đồng chí Tổ trưởng khu phố, cộng tác viên, đại lý thu… để làm cánh tay nối dài cùng với BHXH TP thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Hai là, chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, BHTN; chia sẻ thông tin, dữ liệu để quản lý chặt chẽ, khai thác phát triển số lao động đang làm việc nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Ba là, phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc 2.547.536 người; BHXH tự nguyện 120.000 người; BHYT 8.606.741 người, tăng 8,94% so với năm 2021, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 91%; hoàn thành kế hoạch thu và giảm tỉ lệ nợ thấp hơn năm 2021.

Bốn là, giải quyết đầy đủ kịp thời các chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người dân nâng cao đời sống và sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM.

Năm là, tiếp tục chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính chuyển đổi số, giao dịch điện tử, để giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Sáu là, xây dựng bộ máy, công tác cán bộ BHXH TP theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Về đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị xem xét sửa Luật BHXH theo hướng giao cho BHXH Việt Nam có chức năng thanh tra toàn diện về lĩnh vực BHXH, BHYT; Xem xét sửa Luật BHYT nhằm thống nhất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT ở nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với doanh nghiệp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn; các doanh nghiệp đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán nợ hoặc xóa nợ đối với các đơn vị đã được các cơ quan chức năng xác định không còn hoạt động, mất tích, đã giải thể hoặc phá sản và chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn,… để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đọc thêm