Lĩnh vực chế biến dầu khí Việt Nam còn nhiều dư địa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ (được tạo ra qua quá trình chế biến dầu khí) đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của con người và nhu cầu về các sản phẩm này đang ngày càng gia tăng.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nghiên cứu sản xuất thành công các sản phẩm hạt nhựa PP mới năm 2024. (Ảnh: PVN).
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nghiên cứu sản xuất thành công các sản phẩm hạt nhựa PP mới năm 2024. (Ảnh: PVN).

Nhiều sản phẩm hữu ích

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ gồm hai loại là sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu. Sản phẩm lọc dầu chủ yếu là các loại nhiên liệu như khí gas, xăng, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, nhiên liệu cho động cơ diesel (DO), nhiên liệu đốt lò (FO) và một số sản phẩm khác không làm nhiên liệu như các loại dung môi cho công nghiệp cao su, sản xuất sơn, dầu nhờn, mỡ bôi trơn, nhựa đường, sáp...

Sản phẩm hóa dầu là các sản phẩm hóa chất được thay đổi cấu trúc phân tử của nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ hoặc các sản phẩm trung gian của nhà máy lọc dầu hoặc từ khí thiên nhiên. Các sản phẩm hóa dầu được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ bao bì đến đồ gia dụng, công nghiệp. Đơn cử trong máy bay đời mới hiện đại nhất là Boeing 787 Dreamliner, vật liệu tổng hợp hiện đại từ các sản phẩm hóa dầu chiếm hơn nửa cấu trúc chính. “Có thể nói rằng, ngành hóa dầu đóng vai trò kết nối lĩnh vực khai thác dầu khí với các ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế, từ dệt may, chất dẻo, cao su đến dược phẩm, mỹ phẩm...”, đại diện PVN thông tin.

Ở Việt Nam, lĩnh vực lọc hóa dầu bắt đầu từ năm 1982 với các nhà máy lọc dầu đơn giản, quy mô nhỏ. Sau đó, PVN xây dựng hai nhà máy sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên là Phú Mỹ và Cà Mau. Tuy nhiên, chỉ sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bắt đầu đi vào hoạt động (2009), chuỗi giá trị lọc hóa dầu từ nguyên liệu là dầu thô đến một sản phẩm hóa dầu cuối là nhựa PP mới được hoàn tất. Tiếp đó, khi các tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và hóa dầu Long Sơn cùng một số tổ hợp, nhà máy lọc dầu khác đi vào hoạt động, ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam bắt đầu phát triển từ lọc dầu đến hóa dầu.

Việt Nam trong tương lai cũng không nằm ngoài xu hướng thế giới với việc kết hợp lọc và hóa dầu trong một nhà máy để tăng lợi nhuận với xu thế tăng dần hướng sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Các tổ hợp lọc hóa dầu sẵn có như Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn... sẽ được nâng cấp. Ngoài xăng dầu sẽ có thêm các loại nhựa đường, dầu nhờn, lưu huỳnh, nhiều chủng loại sản phẩm trung gian và thành phẩm hóa dầu mới.

Còn nhiều dư địa

Theo PVN, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới có 1 dây chuyền sản xuất nhựa PP (polypropylene) với công suất 150.000 tấn/năm, bảo đảm khoảng 30% nhu cầu trong nước. Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất benzene, xylene và propylene với tổng công suất khoảng 1,35 triệu tấn/năm; tổ hợp hóa dầu Long Sơn sản xuất các olefin nhẹ với công suất khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Bởi vậy, nhu cầu mở rộng và chuyển Nhà máy Lọc dầu Dung Quất theo hướng tăng tỷ lệ các sản phẩm hóa dầu là rất cấp thiết. Với điều kiện rất thuận lợi trong việc tiếp cận khí thiên nhiên từ mỏ Cá Voi Xanh (ngoài khơi Trung Bộ) thì việc triển khai sản xuất hóa dầu tại đây là hoàn toàn khả thi.

Theo PVN, công nghiệp hóa dầu của PVN còn có Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ. Hiện Nhà máy này đang sản xuất các sản phẩm sợi tái chế chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và khu vực. Tính đến nay, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã sản xuất hơn 6.000 tấn sợi DTY các loại, chất lượng sản phẩm loại AA hơn 92%, sản phẩm từ sợi tái sinh loại A đạt 90%. Đặc biệt, sản phẩm sợi DTY của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) đã được nhiều hãng thời trang hàng đầu thế giới chấp thuận cho doanh nghiệp này trở thành nhà cung cấp sợi.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngành bao bì nhựa cũng đã phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm do ngành lương thực, thực phẩm tăng trưởng tốt. Đây sẽ là động lực phát triển cho ngành hóa dầu trong nước khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng.

Theo PVN, qua phân tích trên cho thấy, cơ hội và dư địa cho phát triển sản xuất hóa dầu tại Việt Nam rất có triển vọng. Nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam cũng cho thấy, với mức tiêu thụ trên đầu người chỉ bằng 1/5 so với thế giới thì nhu cầu các sản phẩm hóa dầu của Việt Nam vào năm 2035 là khoảng 10 triệu tấn, trong đó PE, PP, PVC, PET là các sản phẩm có mức tiêu thụ lớn nhất…

Đọc thêm