Làng gốm vào mùa
Làng gốm sứ Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách nội thành Hà Nội hơn 10km. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý.
Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.
Tại phía Nam, cũng có làng nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của vùng đất Bình Dương, nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) thu hút nhiều hộ gia đình tham gia sản xuất.
Thổ nhưỡng của vùng đất này có hàm lượng cao lanh nhiều, rất phù hợp với nghề đất nung, sản phẩm đồ gốm đẹp.
Tuy thị trường heo đất đang ngày càng bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh khốc liệt với heo nhựa, nhưng những sản phẩm heo đất ở Tân Phước Khánh vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
Hiện heo đất Tân Phước có mặt ở thị trường nhiều tỉnh miền Trung, TP HCM, Cần Thơ, thậm chí xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia.
Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng), nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò, lập nên làng gốm Bát Tràng.
Gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để tạo ra được những sản phẩm gốm cao cấp, phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, kỹ thuật cao.
Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn đất, xử lý pha chế, tiếp đó là tạo hình, trang trí hoa văn, phủ men… Các sản phẩm gốm Bát Tràng như: Lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ... đã khẳng định được thương hiệu và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Những ngày giáp Tết cổ truyền, khách tới tham quan mua hàng không chỉ đến từ trung tâm nội đô, mà còn từ nhiều tỉnh, thành tới Bát Tràng để mua những sản phẩm gốm sứ về dùng hoặc tặng bàn bè, người thân.
Anh Thanh Tú (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay: “Năm nay là năm lợn vàng, tôi cùng bạn đồng nghiệp sang làng nghề ngàn năm tuổi để mua những chú lợn “made in Bát Tràng” làm quà tặng cho nhân viên cơ quan nhân dịp năm mới”.
Lò gốm “chuyên trị” lợn đất
Tại lò gốm của anh Phạm Đức Anh (SN 1970) và vợ Nguyễn Mai Hương (xóm 3, làng Bát Tràng), không khí sản xuất những chú lợn diễn ra khẩn trương. Lò gốm của anh Đức Anh là một trong số ít lò gốm trong làng chuyên gốm lợn. Chị Mai Hương cho hay, gia đình vốn có nghề làm gốm vài trăm năm.
Trước đây, các cụ thường sản xuất những sản phẩm gốm như lọ lục bình, lọ hoa, chén, bát, đĩa… như những xưởng gốm khác trong làng. Nhưng đến đời vợ chồng chị, nhận thấy cần phải có sự khác biệt, tìm thị phần riêng, anh chị đã bàn nhau sản xuất riêng một dòng sản phẩm. Gần 20 năm qua, vợ chồng anh Đức Anh đã chọn chú lợn.
Một mẫu lợn đất ngộ nghĩnh tại Bát Tràng xuân Kỷ Hợi |
“Theo quan niệm của nhiều người, những chú lợn sẽ mang lại một cuộc sống an nhiên và hạnh phúc, không lo âu, phiền muộn. Lợn còn mang ý nghĩa về sự sinh sôi, nảy nở, dồi dào của tiền bạc, có lợn mẹ trong nhà sẽ không lo nghèo khó, cuộc sống được ấm no. Những chú lợn là con vật hiền lành, dễ thương, gần gũi, được các trẻ nhỏ yêu thích. Nhiều gia đình hay sắm chú lợn gốm để tiết kiệm hay để trưng bày. Vì vậy, chúng tôi đầu tư rất nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu”, chị Mai Hương chia sẻ.
Trong lò gốm, cơ man lợn gốm đủ sắc màu được xếp đầy trên các giá treo hay bày la liệt tại nền nhà. Lò lợn gốm có rất nhiều chủng loại lợn: Lợn ngậm tiền, Lợn đỏ tài lộc, Lợn híp đại, Lợn bóng, Lợn gánh tiền, Lợn gấu trúc… Mỗi sản phẩm lợn gốm có giá từ 40 nghìn- 800 nghìn/ tùy loại, kích cỡ.
Mỗi chú lợn, theo giải thích của lò, đều có ý nghĩa riêng: Lợn có chữ tài lộc mong gia chủ luôn tài lộc, Lợn Híp đại biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, con cháu đầy đàn, gia đình sum vầy… Mỗi chú lợn đều có khuôn mặt, hình dáng khác nhau nhưng đều toát lên vẻ ngộ nghĩnh, tươi vui. Màu chủ đạo của những sản phẩm này đều là sắc hồng hoặc sắc đỏ, màu của sự sung túc, thịnh vượng, đong đầy không khí Tết cổ truyền.
Theo anh Đức Anh, để sản phẩm gốm nói chung, lợn gốm nói riêng chất lượng tốt thì phải theo quy trình: Xử lý, pha chế đất đất dẻo rồi cho vào máy xay nhuyễn như bột, sau đó đổ vào khuôn, để 10-15 phút đem ra phơi hai nắng. Phơi xong, các chú lợn được đưa vào lò sấy đưa ra chuốt. Công đoạn vẽ, làm men đòi hỏi sự tỉ mẩn. Các chú lợn lại được đưa vào lò với nhiệt độ khoảng 1200 độ trong 13- 14 tiếng. Về men bóng, mỗi lò gốm đều có một “bí kíp” riêng.
Cầu kỳ lợn dát vàng bốn số 9
Năm nay là năm “lợn vàng” nên một số lò gốm đã sản xuất lợn gốm dát vàng. Để dát vàng được lên lợn đất thì những chỗ cần dát vàng không được tráng men lên khu vực đó. Nghệ nhân dát vàng sẽ phải đánh giấy ráp rồi quét sơn lên khu vực cần dát. Sau đó, nghệ nhân sẽ thực hiện công đoạn dát vàng 9999.
Những chú lợn này được sản xuất tỉ mẩn đòi hỏi thời gian, công sức, tay nghề cao nên không thể sản xuất đại trà. Giá lợn vàng khá đắt, khoảng một vài triệu, thậm chí vài chục triệu/con tùy kích cỡ.
Theo người sản xuất, nhu cầu tiêu thụ lợn gốm năm nay rất cao. Trung bình mỗi ngày, mỗi lò gốm tiêu thụ 1500-2000 con. Làm đến đâu, khách mua buôn, khách lẻ mua hết đến đó. Lò gốm của anh Đức Anh và các lò gốm khác như Ngọc Ánh, Thanh Hương… phải thuê thêm người làm. Khách đông tới mức không kịp có thời giờ để ăn trưa, vì thế ai ngơi tay lúc nào thì tranh thủ ăn lúc đó. Những ngày giáp Tết này, họ hầu như ăn bánh mì, xôi cho tiện.
Một con lợn gốm dát vàng bốn số 9 |
Con đường làng Bát Tràng dường như chật hẹp hơn bởi các ô tô con, ô tô tải chất hàng đầy ăm ắp nối đuôi nhau ngược xuôi hối hả. Ngoài ra, còn có các ô tô du lịch chuyên chở những vị khách phương xa.Theo ước tính, mỗi ngày làng nghề Bát Tràng đón khoảng 500 – 800 khách tham quan, mua sắm, trong đó có khoảng 100-150 khách quốc tế. Những ngày giáp Tết, lượng du khách trong và ngoài nước tăng lên gấp 2-3 lần.
Một vị khách nhận xét: “Heo đất xuất hiện và tồn tại trong đời sống không chỉ là những chú heo, gà đất với ý nghĩa đơn thuần. Nó được bàn tay con người nhào nặn ra những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu, giúp những bậc phụ huynh dạy con cháu mình dành dụm, tiết kiệm, hoặc trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp để đón Xuân vui vẻ, an lành”.
“Heo đất gắn với phong tục lì xì, nhưng ngày xưa chỉ là những tiền xu, tiền hào, những đồng tiền lẻ mang tính chất tượng trưng cho sự may mắn, khích lệ những đứa trẻ nhỏ chăm ngoan, học tốt. Những chú heo đất thể hiện nỗi niềm ước mơ tuy nhỏ nhưng đối với những đứa trẻ lại là cả một giấc mơ mỗi khi Tết đến Xuân về.
Heo đất ngày nay, không chỉ là nơi để giữ tiền tiết kiệm còn là quà tặng heo đất đã trở thành món quà truyền thống để nhắc nhở các thành viên trong gia đình luôn phải biết tiết kiệm, sống cần kiệm và để đầu xuân rước lộc là một nét đẹp truyền thống mà chúng ta cần phải gìn giữ.
Đừng bao giờ nghĩ rằng tiền lì xì là “của rơi nhặt được” mà tiêu xài tùy tiện, lãng phí, cũng đừng bao giờ bĩu môi tỏ ra vẻ khó chịu khi nhận được những phong bao lì xì không “to” như mình mong muốn.
Hãy biết thành kính, trân trọng đón nhận và không quên gửi một lời cảm ơn sâu sắc nhất đến ông bà, cha mẹ hay những người đã trao cho chúng ta những phong bao lì xì ý nghĩa”.
Nguyễn Thiết