“Lỗ hổng” bản quyền (Bài 2): Làm gì để ngăn mầm mống vi phạm?

(PLVN) -Việc vi phạm bản quyền diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kéo dài và khó xử lý đã dẫn đến không ít hệ lụy. Phải chăng, thiếu ý thức tôn trọng tác quyền là vấn đề cốt lõi dẫn đến hiện trạng này?
Nhà hàng Ngọc Sương “giả mạo” có tên trong danh sách kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ

Hàng năm, các vụ tố vi phạm bản quyền, kiện lẫn nhau liên tục xảy ra trong tất cả các ngành nghề, từ nghệ thuật đến kinh doanh, đời sống. 

Như vụ việc của nhà hàng Ngọc Sương Sài Gòn xảy ra tháng 11/2018. Khi thương hiệu này đứng ra công bố với chứng cứ xác thực rằng, mình mới đích thực là Ngọc Sương thật, chủ sở hữu thương hiệu Ngọc Sương và nhà hàng chỉ có hai chi nhánh ở Sương Nguyệt Ánh và Hoàng Văn Thụ thì người dân Sài Gòn mới “ngả ngửa” là bấy lâu nay mình ăn nhầm… hàng giả. 

Hàng loạt nhà hàng Ngọc Sương khác ở Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Cư Trinh, thậm chí Nha Trang, Mũi Né… lý ra không được dùng tên Ngọc Sương nhưng vẫn thản nhiên sử dụng và gây nhầm lẫn cho khách hàng. Hiện, sau khi Ngọc Sương thật tiến hành lập vi bằng và khởi kiện, các đơn vị nói trên lần lượt đổi bảng hiệu. 

Tuy nhiên, mới đây, chủ thương hiệu Ngọc Sương vẫn phải lên tiếng bức xúc vì một số Ngọc Sương giả như Ngọc Sương Nguyễn Văn Trỗi, Ngọc Sương Nguyễn Cư Trinh vẫn có động thái chây ì, như thay Ngọc Sương bằng NS (Nguyễn Văn Trỗi) hoặc lập công ty quảng cáo lấy tên Ngọc Sương tại cùng trụ sở nhà hàng để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (nhà hàng Rivia Nguyễn Cư Trinh)… 

Ngoài ra còn có vụ vi phạm bản quyền nội dung trong lĩnh vực kỹ thuật số làm “đau đầu” các đơn vị sở hữu. Chỉ tính riêng trong năm 2018, trong vòng 10 ngày có bản quyền ASIAD 2018, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã phát hiện và cảnh báo hơn 10.000 tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền. 

Tương tự, World Cup 2018, đã có hàng ngàn trường hợp vi phạm bản quyền bị phát hiện và cảnh báo, trong đó nhiều nhất là vi phạm trên môi trường mạng xã hội. Youtube và Facebook cũng là mạng xã hội diễn ra nhiều vụ vi phạm bản quyền nhất thông qua chế độ phát trực tiếp hoặc gián tiếp, từ phim chiếu rạp, phim truyền hình, gameshow cho tới chương trình bóng đá của K+, VTVcab…

Nổi cộm không kém trong năm qua, cũng có thể kể đến các vụ như vụ kiện Thần đồng Đất Việt giữa họa sĩ Lê Phong Linh và Công ty Phan Thị, vụ Sky Music vi phạm bản quyền số lượng khổng lồ...

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, để tránh bị xâm phạm về tác quyền, có lẽ mỗi người sáng tạo cần phải trang bị cho mình hai thứ, đó là ý thức và kiến thức. 

Về kiến thức, cần phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức pháp luật về bản quyền. Trong quá trình sáng tạo, người sáng tạo cũng nên có động thái văn bản hóa lại những “đứa con tinh thần” của mình, từ ý tưởng, đến quá trình thực hiện đều có sự chứng kiến, làm chứng từ con người đến công cụ như máy tính, email…

Khi dự án, ý tưởng hoàn tất nên nghĩ đến việc công bố thông tin trên phương tiện truyền thông. Rất cần đăng kí sở hữu trí tuệ đối với các trường hợp quan trọng. Đặc biệt, khi làm việc với các đối tác cũng nên làm rõ và có các cam kết từ đầu để tránh tranh chấp về bản quyền về sau (như vụ việc Thần Đồng Đất Việt). 

Tiếp đến, ông Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh, ý thức tôn trọng bản quyền của bản thân người sáng tạo cũng phải được đặt lên hàng đầu. Đơn giản là muốn người ta tôn trọng bản quyền của mình, trước hết hãy tôn trọng bản quyền của người khác.

Như vậy, khi tạo ra bất cứ sản phẩm gì mang dấu ấn cá nhân, cũng nên nhớ đến vấn đề tác quyền, ngoài bảo vệ sáng tạo của mình thì cần có ý thức không xâm phạm quyền sở hữu của người khác một cách cố ý hay vô ý từ những việc nhỏ như sử dụng các bản quyền phần mềm lậu, hệ điều hành lậu, ghi nguồn hoặc xin phép khi vay mượn… Có như thế, khi mình bị xâm phạm về bản quyền, tiếng nói mình cất lên cũng có trọng lượng, có uy tín và dễ dàng nhận được sự ủng hộ hơn…(Còn tiếp)

Khởi kiện nếu vi phạm không được khắc phục

“Khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp/ chủ thương hiệu nên chọn các thương hiệu bao gồm cả phần chữ viết và phần hình ảnh để việc bảo hộ được tốt hơn do nguy cơ bị nhái, bị làm giả khó hơn.

Trong đó, đối với phần chữ viết, nên lựa chọn các từ ngữ, cụm từ ngữ mang bản sắc riêng của doanh nghiệp, không nên là các từ ngữ, cụm từ ngữ mang tính phổ biến giống như: 24/7, Seven days… Đối với hình ảnh thì nên sử dụng những công nghệ thiết kế đòi hỏi trình độ cao của người thiết kế, sẽ giảm thiểu được khả năng làm nhái làm giả.

Nên tham vấn các doanh nghiệp/ tổ chức tư vấn về thiết kế thương hiệu trước khi đăng ký sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện thương hiệu của mình bị làm giả, làm nhái thì cách hiệu quả nhất để bảo vệ thương hiệu của mình là các doanh nghiệp nên tìm đến luật sư để có được sự tư vấn đầy đủ, cần thiết. Thông báo cho bên vi phạm về hành vi vi phạm của họ và nếu không được khắc phục thì doanh nghiệp/ chủ thương hiệu có thể kiện ra tòa”. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại luật gia Việt Nam

Đọc thêm