Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Theo đó, mọi cam kết, thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch dân sự không được vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Điều 117 Bộ luật dân sự quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng dân sự, các điều khoản, thỏa thuận của các bên trong hợp đồng phải thỏa mãn điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối ký kết hợp đồng có điều khoản bạn cho rằng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội và có quyền yêu cầu sửa đổi điều khoản đó.
Trong trường hợp đã ký hợp đồng mới phát hiện điều khoản vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, đã yêu cầu sửa đổi điều khoản đó nhưng bên kia không sửa đổi và bạn có căn cứ chứng minh việc thực hiện điều khoản đó sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hoặc của xã hội thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu từng phần.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội