Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, vào 15h17 ngày 7/8 máy bay HVN1203 (Vietnam Airline) từ Hà Nội đi Cần Thơ được kiểm soát viên không lưu FIR HCM (Vùng thông báo bay HCM) cấp huấn lệnh cho xuống mực bay FL320 (3200 feet). Đồng thời, kiểm soát viên không lưu cũng thông báo cho phi công biết đang có máy bay ngược chiều ở mực bay FL310.
Sau khi nhận lệnh, Cơ trưởng máy bay HVN1203 đã không đặt đồng hồ giảm độ cao xuống mực bay được phép mà lại để chế độ giảm độ cao không xác định.
Sự việc trên khiến máy bay HVN1203 giảm xuống mực bay FL300 và cắt qua đường bay của máy bay ngược chiều. Hệ quả, của việc làm trên đã dẫn tới mất phân cách giữa hai tàu bay và hệ thống cảnh báo va chạm (TCAS) được kích hoạt.
Ngay sau đó, cơ trưởng và cơ phó chuyến bay HVN1203 đã bị thu bằng lái không thời hạn vì vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các tàu bay, uy hiếp cao về an toàn hoạt động bay.
Ảnh minh họa |
Cũng liên quan đến an toàn hàng không, ngày 27/7, chuyến bay PIC590 của hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) chặng TP HCM - Đà Nẵng đã thực hiện lấy độ cao không đúng huấn lệnh không lưu trong khu vực FIR HCM. Cục Hàng không Việt Nam kết luận nguyên nhân gây sự cố là do phi công.
Chỉ trước đó 1 tuần, 1 máy bay của Vietnam Airline mang số hiệu HVN7826 bay chặng Phú Quốc – TP HCM cũng đã xảy ra sự cố hi hữu. Tổ lái của máy bay trên vì không nắm chắc sơ đồ và phương thức vận hành trên đường lăn tại Sân bay Phú Quốc, không thực hiện theo huấn lệnh kiểm soát không lưu, mặc dù đã báo nhận huấn lệnh nên đã lăn nhầm đường băng.
Ngày 5/8, một chuyến bay khác của VNA mang số hiệu HVN132 từ TP. HCM đi Đà Nẵng cũng vi phạm độ cao an toàn tối thiểu khi tiếp cận hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do phi công không thực hiện đúng huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu. Hiện cơ quan Cục Hàng không đang tiến hành điều tra.